Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt trên 42%

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng ước khoảng 498ha, chủ yếu là rừng trồng tự nhiên, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4; sự bất cẩn của người dân trong đốt nương rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Các vụ cháy rừng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt có những vụ cháy rừng đã gây thiệt hại về người. Trong 4 tháng đầu năm 2024 đã có 3 người làm nhiệm vụ chữa cháy rừng bị tử vong.

Đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, trong thời gian vừa qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chủ trương, chính sách đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được củng cố, tăng cường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý trong việc đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhận thức về vai trò của rừng trong đời sống xã hội, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của chính quyền địa phương các cấp và của xã hội ngày càng được nâng cao…

Đại biểu đã thông tin về tình hình quản lý bảo vệ rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương; về các chính sách dành cho đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng; một số vụ cháy rừng tại các địa phương…

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về phá rừng. Rà soát điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương cho phù hợp tình hình thực tiễn; chỉ đạo nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; thường xuyên thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho tổ chức và người dân…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thoi-su/ty-le-che-phu-rung-toan-quoc-dat-tren-42-73195.html