Tư vấn Pháp: 'Đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn sẽ là công trình độc đáo của TP.HCM'

Vườn nổi/đảo nổi là các công trình kiến trúc khá hiếm trên thế giới, điều này cũng có thể sẽ là cơ hội độc đáo cho TP.HCM tạo ra sự khác biệt.

Mới đây, Liên danh tư vấn Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã đề xuất làm đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn.

Để tìm hiểu kỹ hơn về đề xuất này, cũng như lý giải các luận điểm trong ý tưởng khoa học quan trọng của Liên danh tư vấn, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại diện Liên danh tư vấn gồm PGS Trần Phương Trà, Giám đốc Mạng lưới Chính sách Kinh tế, AVSE Global và TS Laurent Perrin - nhà Quy hoạch Cấp cao, IPR, Pháp.

. Phóng viên: Vừa qua, Liên danh tư vấn đã hoàn thiện và có báo cáo mới nhất về việc phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn, trong đó có đề xuất làm các đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn để thu hẹp lòng sông, tạo thêm các giá trị và kết nối cho 2 bờ sông. Liên danh tư vấn có thể nói rõ hơn về ý tưởng này không?

+ Liên danh tư vấn: Ý tưởng này bắt nguồn từ quan sát của chúng tôi cho thấy trung tâm của TP.HCM thiếu không gian xanh và kết nối đi bộ giữa hai bờ của Sông Sài Gòn. Điểm này so với Paris hoặc London thì rất khác biệt, vì ở hai TP này người dân và du khách có thể dễ dàng dạo chơi giữa hai bờ trái và phải, cũng như đa dạng cảm nhận về TP liên quan đến dòng sông.

Sức hút mạnh mẽ của du khách đối với khu vực trung tâm của sông Seine ở Paris và sông Thames ở London là một minh chứng cho những lợi ích kinh tế và xã hội được tạo ra từ các bờ sông, từ đó TP được phát triển và kết nối tốt.

Chúng ta có thể thấy trải nghiệm đi bộ vượt sông Sài Gòn có thể sẽ quá dài do chiều rộng hai bên bờ sông (250 m) là gấp đôi so với bề rộng của sông Seine và đặc biệt sẽ không thoải mái do khí hậu nóng ẩm ở miền Nam, Việt Nam.

Đây là lý do tại sao chúng tôi tưởng tượng đến một cách kết nối có ý nghĩa tốt hơn giữa bờ phải và bờ trái sông Sài Gòn. Chúng tôi thấy không có cách nào tốt hơn để thực hiện điều này ngoài việc tạo ra các hòn đảo trực tiếp kết nối với các cầu dành cho người đi bộ.

Trên quần đảo và trong dòng chảy yên bình này có thể tổ chức nhiều hoạt động giải trí như các quán nhạc và quán cà phê, nhà hàng nổi, hồ bơi… làm tăng trải nghiệm vượt sông và tạo nên một điểm du lịch và giải trí hấp dẫn.

 Ý tưởng về đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP, đối diện công viên bến Bạch Đằng. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Ý tưởng về đảo vườn nổi giữa sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP, đối diện công viên bến Bạch Đằng. Ảnh: Liên danh tư vấn.

. Xin nói rõ hơn về lợi ích của việc kết nối 2 bờ sông và các giá trị mà các đảo vườn nổi này mang lại?.

+ Về tầm nhìn, phải thấy được sự lưu thông của dòng chảy cơ hội. Việc tạo ra việc làm ở bờ sông bên này cần phải được kết hợp với việc tạo ra những di chuyển thuận lợi của người dân từ cả bờ bên kia của sông.

Hiện tại hành lang sông đang bị chia cắt và có xu hướng mai một dần với những cách thức tiếp cận tự nhiên với sông Sài Gòn. Chúng ta không những cần tạo dựng lại những kết nối liền mạch của hành lang tự nhiên với sông mà còn cần phải xây dựng “đối thoại” giữa hai bên bờ sông để tăng tính kết nối lại dòng sông.

Sự gắn kết và tham gia của cộng đồng, không chỉ thể hiện ở dọc sông mà còn nhìn theo hướng kết nối hai bờ, qua các không gian công cộng, cầu đường, hay những Quảng trường Sông Đô Thị. Đây sẽ là nơi tích hợp vào một môi trường đô thị dày đặc, có cấu trúc, phong phú với các công trình tượng đài và cơ sở văn hóa.

Những Quảng trường này là các không gian công cộng rộng lớn được tạo thành bởi một loạt các bến cảng mà trong đó có một phần hoặc toàn bộ dành cho người đi bộ. Quảng trường không có các loại hình giao thông cơ giới và được thiết kế tiện ích hấp dẫn cho người dạo chơi với các loại hình như: thuyền sông, đảo nổi, bãi biển, khu vườn và bè nổi, quán xá, nhà vệ sinh, sân khấu ngoại ô cho các buổi hòa nhạc…

Điều này biến con sông trở thành một nơi tập trung ưu tiên của xã hội đô thị và một công cụ có sức hấp dẫn cao cho một TP. Đặc biệt là trong thời tiết nóng, vì nó tạo ra một không gian tương đối mát mẻ nhờ vào sự giảm nhiệt của nước sông và sự lưu thông của không khí.

Điều này càng đúng nếu thiết kế các bến cảng có phủ cây xanh. Sự gắn kết và tham gia của cộng đồng sẽ tạo ra những nơi để mọi người gặp gỡ, không chỉ phát triển thương mại du lịch mà có thể chỉ đơn giản là những hoạt động trao đổi văn hóa xã hội, từ đó tạo ra sự gắn kết với nhau và với TP.

 Mô hình 3D với các đảo vườn nổi giữa sông, và bên kia là Quảng trường Hồ Chí Minh tương lai. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Mô hình 3D với các đảo vườn nổi giữa sông, và bên kia là Quảng trường Hồ Chí Minh tương lai. Ảnh: Liên danh tư vấn.

. Không thể phủ nhận các lợi ích của việc kết nối 2 bên bờ sông Sài Gòn, tuy nhiên, trong tương lai, TP.HCM sẽ xây cầu đi bộ kết nối và cả kế hoạch cho các cầu Thủ Thiêm 3, 4… sau này. Vậy việc làm các đảo vườn nổi này sẽ được thực hiện như thế nào trong tổng thể quy hoạch chung đó và gặp thách thức gì khi có khả năng ảnh hưởng giao thông thủy, môi trường…?.

+ Thách thức cho TP.HCM sẽ là phải thiết kế những đảo vườn nổi này một cách thông minh và đặt chúng ở những nơi chúng gây ảnh hưởng ít nhất đến việc điều hướng của các tàu thuyền trên sông.

Vì kế hoạch TP sẽ xây thêm cầu đi bộ giữa Thủ Thiêm và bờ phải của sông Sài Gòn, chúng tôi khuyên TP nên nghiên cứu cách bố trí một quần đảo các đảo vườn nổi được kết nối với chân cầu đi bộ này.

Chúng tôi cũng khuyên TP nên đặt các đảo nổi gần bờ Thủ Thiêm vì dòng chảy hiện tại ở đó chậm hơn nhiều so với dọc theo bờ phải, nơi đó cũng cạn hơn và vì vậy ít ảnh hưởng tàu thuyền điều hướng. Trong mọi trường hợp, cần thiết phải đưa vào nghiên cứu nguyên mẫu cẩn thận để tạo ra bằng chứng thuyết phục cho ý tưởng và đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của đề xuất này.

Trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc dự án tại Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn, chúng tôi được biết là TP sẽ có kế hoạch làm cây cầu nâng (cầu Thủ Thiêm 3) kết nối TP Thủ Đức và quận 7 để cho phép các tàu du lịch trung bình neo đậu tại cảng Khánh Hội lưu thông. Các đảo nổi này cũng có thể làm dưới chân cầu Thủ Thiêm 3 này.

Nếu những hòn đảo này là nổi, chúng sẽ không làm thay đổi cân bằng thủy lực của sông (hoặc chỉ làm thay đổi rất ít đến mức không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào với một số thuyền lớn).

 Đảo vườn nổi màu xanh dưới cầu đi bộ dự kiến bắc qua sông Sài Gòn trong tương lai. Nếu không làm dưới cầu đi bộ thì có thể làm tương tự dưới chân cầu Thủ Thiêm 3 trong tương lai. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Đảo vườn nổi màu xanh dưới cầu đi bộ dự kiến bắc qua sông Sài Gòn trong tương lai. Nếu không làm dưới cầu đi bộ thì có thể làm tương tự dưới chân cầu Thủ Thiêm 3 trong tương lai. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Và nếu chúng ta gieo các loại cây có khả năng lọc nước qua rễ của chúng, như những khu vườn nổi truyền thống trên một số hồ hoặc trên sông Chicago thì những hòn đảo xanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường của tuyến đường sông Sài Gòn ở trung tâm TP.

Những đảo vườn nổi này sẽ mang lại thiên nhiên, cây xanh và bóng mát trong một khu vực khá nóng. Chúng sẽ cải thiện chất lượng nước sông cả vùng lân cận và chúng sẽ cung cấp một rào cản bảo vệ thiên nhiên, phân chia điều hướng kênh của những con tàu lớn thành kênh hẹp và yên tĩnh hơn, thích hợp cho việc thực hành các môn thể thao trên nước như chèo thuyền hoặc lướt ván.

Một lý do khác củng cố cho ý tưởng tạo dựng những đảo vườn nổi này là chúng sẽ thích nghi với sự biến đổi của mực nước, ngay cả khi mực nước tăng lên khi nước biển dâng lên.

. Việc thiết kế đảo vườn nổi như thế nào là hợp lý, nên được làm ở đoạn sông nào và các hình mẫu này đã có trên thế giới chưa, thưa Liên danh tư vấn?.

Chúng tôi nghĩ rằng đảo vườn nổi có thể trở thành cơ hội cho TP HCM khi tạo ra sự khác biệt độc đáo trong cách nhìn nhận và đánh giá quốc tế. Vườn nổi/đảo nổi là các công trình kiến trúc khá hiếm trên thế giới, điều này cũng có thể sẽ là cơ hội độc đáo cho TP.HCM tạo ra sự khác biệt, tạo ra một sân chơi thiên nhiên, khu chơi có nước trên mặt sông, tạo thành điểm nhấn của TP ở khu trung tâm TP.

 Các ví dụ về mô hình làm đảo vườn nổi trên thế giới. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Các ví dụ về mô hình làm đảo vườn nổi trên thế giới. Ảnh: Liên danh tư vấn.

Hiện tại, ngoại trừ một số thí nghiệm về các vườn nổi ở Paris (vườn nổi của Niki de Saint-Phalle) và ở Nantes (Pháp) thì không có đảo vườn nổi thực sự được kết nối với đường đi cho người đi bộ trên sông, ngoại trừ những hòn đảo nhỏ (được gọi là "Đảo thần kỳ của người làm vườn") được thử nghiệm ở Đức trên sông Rhine.

Chính vì vậy, việc đặt đảo nổi ở TP.HCM chỉ nên xây dựng độc nhất ở khu vực trung tâm chứ không lặp lại trên sông. Khi đó, chúng sẽ giúp đưa đến một hình ảnh mới, lạ, vừa gắn kết con người vừa giảm khoảng cách tự nhiên với độ dài sông, vừa giữ gìn thiên nhiên và văn hóa nhưng không ảnh hưởng đến việc đi lại của thuyền bè lớn và các dịch vụ kinh tế thương mại du lịch khác.

Cùng với ý tưởng về xây dựng khu công viên đầm lầy Thanh Đa, đây là hai công trình độc đáo của TP có thể thu hút được đầu tư và ủng hộ của của các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền cho việc phát triển TP gần gũi với thiên nhiên, thu hút nguồn lực và hào khí của một công trình biểu tượng cho 50 năm thống nhất đất nước Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn Liên danh.

Sau hội thảo Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine được Sở QH-KT TP.HCM tổ chức đầu tháng 3, Liên danh tư vấn trên vừa hoàn thiện báo cáo phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn gửi Sở QH-KT TP.HCM.

Theo đó, Liên danh đề xuất kết nối trung tâm TP qua sông Sài Gòn bằng một số hòn đảo vườn trước khi đến Thủ Thiêm.

KIÊN CƯỜNG - PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-van-phap-dao-vuon-noi-giua-song-sai-gon-se-la-cong-trinh-doc-dao-cua-tphcm-post791293.html