Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

Trong suốt chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, truyền thống 'Kỷ luật và Đồng tâm' của Vùng mỏ bất khuất luôn là ngọn lửa soi đường để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn thách thức. Cho đến hôm nay, 'Kỷ luật và Đồng tâm' vẫn là sức mạnh tinh thần vô giá, bắt nguồn cho mọi thắng lợi; là biểu tượng để các thế hệ người Quảng Ninh viết tiếp những trang sử tự hào.

Từ sức mạnh tinh thần vô giá - “Kỷ luật và Đồng tâm”…

Quảng Ninh từ lâu được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” vì có cả biển, đảo; đồng thời, Quảng Ninh cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên khoáng sản; đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới trên đất liền, trên biển và trên không. Cùng với cùng tiềm năng lớn về cảnh quan... Nơi đây còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, một trong những cái nôi của người Việt cổ và là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với quá trình dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Đoàn Đại biểu cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh báo công dâng Bác nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Ảnh: Thu Chung

Đoàn Đại biểu cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh báo công dâng Bác nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Ảnh: Thu Chung

Trải qua những thăng trầm lịch sử, với rất nhiều tên gọi khác nhau, đến thời Pháp thuộc được đặt tên là Quảng Yên và Hải Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hòa bình lập lại năm 1954, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Ngày 30.10.1963, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa II đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Quảng Ninh.

Ngay sau khi thành lập, Quảng Ninh đã cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại của địch. Ngày 5.8.1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Qua 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Quảng Ninh đã đánh trả 7.417 đợt máy bay phá hoại, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại, nhấn chìm nhiều tàu chiến, diệt và bắt sống hàng chục phi công.

Vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng Mỏ đã giúp Quảng Ninh lần đầu tiên đạt thành tích khai thác vượt mức 1 triệu tấn than năm 1964, trở thành địa phương đầu tàu trong khai thác than của cả nước. Năm 1975 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 2.169 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần; giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 1,21 lần so với năm 1965.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), hàng vạn thợ mỏ luôn bám máy, bám mỏ để sản xuất thật nhiều than cho đất nước. Quảng Ninh đã thành lập đoàn tàu viễn dương để xuất khẩu hàng hóa, giao thương với nước ngoài thu ngoại tệ. Từ năm 1981 đến 1985, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26,7 triệu đồng Rúp - Đô la; góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển, cải thiện đời sống nhân dân và bước đầu có tích lũy.

Đến những năm đầu đổi mới (1986 - 2010), tinh thần Đại hội VI của Đảng đã tạo cho Quảng Ninh một diện mạo và bước phát triển mới. Với việc chú trọng phát triển các ngành: khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; giai đoạn 1996 - 2005, tăng trưởng GDP của Quảng Ninh đã đạt 12,65% năm; tăng 3,05 điểm % so với giai đoạn 1986 - 1995; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 18 đến 20% năm… Từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70% - 80% về ngân sách, đến năm 1995 đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…

Từ năm 2005, sản lượng khai thác than liên tục tăng cao; năm 2011, lần đầu tiên, Quảng Ninh đạt 48,2 triệu tấn than, doanh thu vượt ngưỡng 93.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2006 - 2011, tỉnh có mức tăng trưởng GDP 12%/năm, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của cả nước.

Giai đoạn 2010 - 2016, Quảng Ninh bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, quyết tâm duy trì sự phát triển ổn định. Thu ngân sách bình quân tăng 12,37%/ năm (số tăng tuyệt đối cao gấp 2,79 lần nửa nhiệm kỳ trước). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài; các dự án, công trình quan trọng, nhất là các công trình giao thông huyết mạch được tập trung nguồn lực triển khai…

đến Trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ

Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, Quảng Ninh đã vươn mình trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Trong 7 năm liên tục (2016 - 2022) vừa qua, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số. Tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước. Tỉnh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, vùng miền ngày càng được thu hẹp. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện qua từng năm…

Là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình có tính đột phá, liên tục nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Đồng thời, tỉnh tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Phát huy thành tích đã đạt được, Quảng Ninh đã đề ra mục tiêu: đến năm 2025, trở thành tỉnh có nền dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, tăng trưởng hàng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD. Đến năm 2030, là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Phong Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/tu-hao-truyen-thong-vung-buoc-tuong-lai-i346447/