Tự hào quê hương cách mạng anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn

Tháng 5 lịch sử, những người con của Cao Bằng trở lại Điện Biên hòa chung không khí hào hùng của dân tộc đón Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong niềm hân hoan ấy, mỗi người dân Cao Bằng luôn tự hào về hình tượng anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn đã trở thành bức tượng đài bất diệt của lịch sử dân tộc.

Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng

“56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của Chiến dịch Điện Biên Phủ và những chiến công, sự hy sinh đã trở thành bất tử mà lớp lớp thế hệ người Việt Nam khi nhắc đến đều nhớ đến những hình tượng của Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can,… họ đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo để góp phấn kết “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".

Đồng chí Bế Văn Đàn, sinh năm 1931, dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, lớn lên đồng chí tham gia hoạt động du kích.

Tranh vẽ “Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn”. Ảnh: Tư liệu

Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 kết thúc thắng lợi, trên đà lợi thế đó, quân và dân Cao Bằng tiếp tục sát cánh cùng các tỉnh vùng Đông Bắc, chuẩn bị lực lượng bước vào Chiến dịch Biên giới năm 1950. Lớp lớp thanh niên đăng ký tham gia dân công hỏa tuyến, gia nhập quân ngũ. Trong khí thế đó, Tháng l năm 1948 đồng chí xung phong vào bộ đội và tham gia nhiều chiến dịch. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết chấp hành mọi chỉ thị mệnh lệnh nghiêm túc, chính xác kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng chí được biên chế vào Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, quân chủ lực của Bộ Quốc phòng. Những năm 1949 - 1953, đồng chí Bế Văn Đàn đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh trong các chiến dịch với tinh thần dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngại hy sinh, gian khổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 1950, sau thất bại Chiến dịch Biên giới năm 1950 và các chiến dịch quân sự khác, thực dân Pháp đề ra kế hoạch Na Va, tăng cường binh lực nhằm làm xoay chuyển tình thế chiến lược, chúng đổ bộ 6 tiểu đoàn viễn chinh xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành hệ thống cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, quyết tâm tiêu diệt địch cụm cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng Tây Bắc. Bộ đội ta được quán triệt nhiệm vụ, xác định quyết tâm đánh thắng, khí thế ra trận hào hùng, đồng chí hồ hởi cùng đơn vị hành quân vào chiến dịch.

Đồng chí Bế Văn Đàn được chỉ huy phân công làm liên lạc viên tiểu đoàn. Một đại đội thuộc tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ chặt địch ở Mường Pồn, huyện Điện Biên. Bị khóa chặt, cô lập, địch tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, hòng thoát khỏi “vòng kim cô” tử thần ngày càng khép lại. Chúng vùng vẫy vãi đạn bắn phá dữ dội, tìm cách phá bung vòng tuyến bao vây của bộ đội ta. Trận đánh diễn ra mỗi lúc càng ác liệt hơn, trong thế giằng co quyết liệt.

Ta kiên quyết vây hãm, còn chúng oằn mình kháng cự lại, tìm mọi cách thoát ra. Thương vong xảy ra ở đại đội chiến đấu nhiều hơn trước, tình thế căng thẳng, cấp bách, cần được củng cố tiếp sức bằng ý chí, tinh thần, cấp trên ra lệnh: Bằng mọi giá phải chặn giữ địch tại Mường Pồn, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực của ta triển khai lực lượng, tiếp cận trận địa, thực hiện nghiêm theo chủ trương, kế hoạch của chiến dịch.

Tháng 5 về, nhiều người con nơi mảnh đất cách mạng Cao Bằng trở về Biên Biên thắp nén hương thơm nơi có mộ liệt sĩ Bế Văn Đàn.

Mệnh lệnh đó phải được cấp tốc truyền đạt ngay đến đơn vị chiến đấu và quán triệt thấu đáo đến từng cán bộ, chiến sĩ tạo nên quyết tâm cao hơn, biến ý chí sắt đá trở thành động lực, sức mạnh quật ngã kẻ thù. Đồng chí Bế Văn Đàn đã xung phong nhận nhiệm vụ là người trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh ấy, đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường.

Nắm vững nội dung truyền đạt, băng băng vượt qua bom đạn dày đặc của địch, đồng chí đã ngoan cường, dũng cảm, nhanh chóng vận động đến đơn vị chiến đấu truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy kịp thời, chính xác. Nhận được mệnh lệnh chiến đấu, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò của đại đội đang thực thi nhiệm vụ có ảnh hưởng rất lớn tới chiến dịch của ta, mỗi cán bộ, chiến sĩ đã trở thành tấm chắn thép bao vây kẻ thù. Trận chiến đấu vì thế càng cam go, ác liệt hơn, quân số chiến đấu của đại đội ngày một giảm đi.

Đồng chí Bế Văn Đàn được lệnh cấp trên ở lại cùng anh em trực tiếp chiến đấu, siết chặt vòng vây địch. Trận chiến ngày càng ác liệt hơn. Sau hai đợt nống ra bị thất bại, đến lần thứ ba chúng điên cuồng phản kích, bằng mọi cách mở đường nhằm chọc thủng vòng vây của ta. Lúc này, đơn vị thương vong nhiều, chỉ còn lại 17 tay súng, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng đồng chí vẫn kiên cường giữ vững vị trí chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ đã hy sinh.

Khẩu trung liên của đồng chí Chu Văn Pù cũng không nhả đạn được vì địa hình, địa vật khi đó khuất tầm ngắm bắn, đồng chí đang loay hoay gá đặt chân khẩu trung liên trên mặt đất. Trung liên thuộc loại hỏa lực mạnh của bộ binh ta để khống chế địch. Nghe thấy ít tiếng súng của ta, địch lại ào ào phản kích, tình thế gay cấn, cấp bách hơn bao giờ hết. Nhìn anh em hy sinh, bị thương, lửa căm thù hừng hực rực cháy trong tim, mồ hôi, nước mắt nhễ nhại, ròng ròng, Bế Văn Đàn lao nhanh đến chỗ đồng chí Pù và ngồi xuống trong tư thế quỳ, cầm khẩu trung liên đặt hai chân đế lên hai bờ vai giữ chặt và hô đồng đội bắn ngay.

Anh em đều bất ngờ và xúc động, đồng chí Pù còn chần chừ chưa dám bóp cò. Trong giây lát, như hiểu được suy nghĩ của người bạn chiến đấu, Bế Văn Đàn hô to: “Kẻ thù đang trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”. Nước mắt rơi hai bên gò má, Chu Văn Pù nghiến răng bóp cò, trút lửa về phía địch, hàng chục tên ngã xuống. Đợt phản kích của chúng bị bẻ gẫy hoàn toàn.

Ta tiếp tục giữ vững trận địa chiến đấu. Nhưng, trong lúc lấy thân mình làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn lại bị thương nặng vào ngực; đồng chí đã anh dũng hy sinh khi quân thù bị đánh tan đội hình phản kích. Đồng đội tiếc thương và vô cùng cảm phục, khi đó, khẩu súng vẫn được Bế Văn Đàn gá chặt chân đế trên vai mình, hướng nòng súng về phía quân thù. Hình ảnh ấy đã trở thành một biểu tượng cao đẹp về ý chí chiến đấu ngoan cường nhằm thẳng quân thù mà bắn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng chí Bế Văn Đàn như tiếp thêm hồi kèn xung trận, cổ vũ toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316 và các đơn vị trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Những cựu chiến binh trở lại thăm đồng đội của mình tại đồi A1

Tại Đại hội mừng công của đơn vị, đồng chí Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bình bầu là Chiến sĩ thi đua số một của Đại đoàn. Ngày 31/8/1955, đồng chí được Quốc hội truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng chí Bế Văn Đàn là một người anh hùng liệt sĩ cùng hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống lúc tuổi đôi mươi, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, ''Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng''. Với những cống hiến đó, đồng chí không những là một tấm gương, một niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, mà còn là niềm tự hào của Nhân dân cả nước.

Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn - niềm tự hào của quê hương cách mạng Cao Bằng

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Để góp phần vào chiến thắng vẻ vang đó, nhiều tấm gương anh dũng hy sinh khi ở tuổi đời còn rất trẻ, trong những tấm gương tiêu biểu đó có anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn - người con của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.

Sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn đã đi vào thơ ca. Tên của anh đã là tên đường của nhiều địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Hới (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), Pleiku (Gia Lai), Bắc Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng và thành phố Cao Bằng - quê hương đồng chí, hiện có những đường phố và trường học mang tên Bế Văn Đàn - người anh hùng Điện Biên năm xưa.

Tên của Anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn đã được đặt tên đường, ngôi trường trên quê hương Cao Bằng và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tấm gương của Anh hùng, liệt sĩ Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng là niềm tự hào của quê hương cách mạng Cao Bằng. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), chúng ta càng ghi nhớ công ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, những chiến sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; nguyện sống xứng đáng với những hy sinh, cống hiến cao cả ấy, phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Những ngày cuối tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm về xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Chính thức mang tên người Anh hùng liệt sĩ từ năm 2020, xã Bế Văn Đàn đang thay da đổi thịt từng ngày.

Đường đi lại trong lối xóm đã khang trang hơn, nhiều hộ đã vươn lên kinh tế khá giả từ các mô hình chăn nuôi, trồng cây mía đường. Đời sống Nhân dân được đổi thay rõ rệt.

Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Bế Văn Đàn xây lại trên nền nhà cũ thuộc xóm Bản Buống, xã Bế Văn Đàn. Ảnh: Tân Văn

Ông Lý Quốc Hội - Phó Chủ tịch UBND xã Bế Văn Đàn, chia sẻ: Trong những năm qua, trên quê hương Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, ai cũng luôn tự hào và ra sức cố gắng nỗ lực phát triển kinh tế. Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 32 triệu đồng/người (so với năm 2019 khoảng 20 triệu đồng/người/năm, thời gian tới địa phương cố gắng giúp bà con tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, chuyển đối mô hình kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi.

Thực tế, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân tại các miền quê nơi quê hương cách mạng. Tỉnh duy trì nhịp độ tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 là 2,24%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.700 tỷ đồng. Một trong bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế biên mậu Cao Bằng năm 2023 là cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) trở thành cửa khẩu quốc tế đầu tiên trên tuyến biên giới dài hơn 330km tại Cao Bằng. Cùng với Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công ngay đầu năm 2024 sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ quan trọng, để đưa hàng hóa từ các khu vực phía Tây, Tây Nam Trung Quốc qua Việt Nam đi các nước ASEAN và ngược lại.

Nguyễn Liên

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tu-hao-que-huong-cach-mang-anh-hung-liet-si-be-van-dan-429178.html