Tư duy mới trong xử lý bạo lực học đường

Để tăng cường bảo vệ sức khỏe của học sinh, Chính phủ Pháp vừa ban hành các biện pháp mới để giải quyết vấn đề cấp bách về nạn bắt nạt học đường. Theo nghị định gần đây do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Gabriel Attal ký ban hành, những kẻ bắt nạt giờ đây có thể phải đối mặt với khả năng bị chuyển đến trường khác do hậu quả hành động của chúng. Thay đổi đột phá trong chính sách này đánh dấu sự khác biệt so với thông lệ trước đây khi chính nạn nhân phải chuyển đi, đồng thời gửi thông điệp rõ ràng rằng hệ thống giáo dục của Pháp đang có lập trường chủ động chống lại hành vi quấy rối.

Vấn đề ưu tiên quốc gia

Chính phủ Pháp cũng nhận ra sự cần thiết phải giải quyết nạn bắt nạt trên mạng, mở rộng phạm vi của các biện pháp mới để bao gồm các trường hợp kẻ bắt nạt và nạn nhân học ở các trường khác nhau. Điều đó nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề bắt nạt dưới mọi hình thức, cả ngoại tuyến lẫn trực tuyến. Ông Wilfrid Issanga, giám đốc Hiệp hội ALCHM, tổ chức đấu tranh chống bắt nạt và lạm dụng trẻ em, đánh giá cao các biện pháp mới, cho rằng chúng “gửi tín hiệu mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục quốc gia và các bậc phụ huynh”.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: unair.ac.id

Thực tế, bắt nạt học đường đã trở thành vấn đề ưu tiên phải giải quyết của quốc gia sau vụ tự sát vào tháng 5 của em Lindsay, một học sinh ở Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp. Cô gái 13 tuổi này được cho là nạn nhân của sự quấy rối tinh thần và thể chất tại trường trong nhiều tuần. Sự quấy rối không chỉ giới hạn ở trường học mà em còn bị bắt nạt bên ngoài trường học. Không chịu được áp lực đó, cô bé đã quyết định kết liễu cuộc đời mình. Chính vì thế, Bộ trưởng Atta nhấn mạnh, phản ứng đối với nạn bắt nạt ở trường học phải được thực hiện liên tục, “không ngừng nghỉ”. Sự im lặng thường là trở ngại chính cho bất kỳ giải pháp nào trong nhiều trường hợp quấy rối. Ông Wilfrid Issanga giải thích: “Nhiều gia đình đấu tranh trong im lặng và chúng tôi không nghe thấy họ,” và thậm chí có nhiều trẻ em phải đấu tranh một mình.

Các hiệp hội vận động chống bắt nạt học đường đã chờ đợi các biện pháp mạnh mẽ hơn từ chính quyền trong nhiều năm. Trước đây, họ lập luận rằng việc buộc một đứa trẻ bị bắt nạt chuyển trường có thể giống như một hình phạt kép: không chỉ đối với đứa trẻ mà còn đối với cha mẹ của chúng. Ở một số vùng nông thôn, điều này có thể tạo ra những tình huống không thể giải quyết được khi nạn nhân phải đến một trường học xa nhà hơn nhiều, ông Wilfrid Issanga nói với Euronews. “Nếu có một quả cà chua thối trong một thùng cà chua vẫn còn tươi, bạn phải loại bỏ quả xấu chứ không loại bỏ quả tốt”, và “chúng ta cần gửi tín hiệu mạnh mẽ đến phụ huynh [của những kẻ bắt nạt], và họ phải giải quyết vấn đề vì nhà trường không thể thay thế phụ huynh”. Thực tế, các chuyên gia và những người ủng hộ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lôi kéo phụ huynh tham gia giải quyết vấn đề, khẳng định rằng trách nhiệm giải quyết hành vi của những kẻ bắt nạt được coi là nỗ lực chung giữa nhà trường và gia đình.

Bắt nạt học đường trở thành tội hình sự

Tháng 3.2022, hành vi bắt nạt ở trường học ở Pháp đã trở thành tội hình sự trong luật mới được Quốc hội thông qua, theo đó học sinh hoặc nhân viên trường học đều có thể bị truy tố. Những ai bị kết tội theo luật mới phải đối mặt với hình phạt tiền là 45.000euro nếu nạn nhân bị bắt nạt không thể đến trường lên tới 8 ngày. Trong những sự cố nghiêm trọng hơn, người bắt nạt có thể bị phạt tù tới 10 năm và phạt tiền lên tới 150.000euro trong trường hợp nạn nhân nghỉ học trong thời gian dài hơn hoặc nạn nhân tự tử hay có ý định tự tử. Những hậu quả pháp lý này nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề và thể hiện cam kết của các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm công lý cho các nạn nhân.
Theo cuộc khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục Pháp, 6,7% học sinh trung học ở Pháp cho biết đã phải hứng chịu ít nhất 5 vụ bạo lực lặp đi lặp lại vào mùa xuân năm 2022. Luật trên cũng yêu cầu đào tạo bổ sung cho giáo viên để ngăn chặn nạn bắt nạt trong khuôn viên trường học, đồng thời áp đặt “nghĩa vụ cảnh giác” đối với các công ty truyền thông xã hội để kiểm duyệt và giải quyết các nội dung quấy rối trực tuyến.

Nhìn rộng ra, bắt nạt học đường là tai họa toàn cầu. Theo trang web Atlasocio, gần 130 triệu học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 15 trên toàn thế giới là nạn nhân của bắt nạt học đường. Thống kê này nhấn mạnh tính cấp bách của việc áp dụng các biện pháp toàn diện để giải quyết vấn đề.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tu-duy-moi-trong-xu-ly-bao-luc-hoc-duong-i340632/