TS Cao Vũ Minh: 'Tôi rất kỳ vọng vào đạo luật nhân văn, tiến bộ này'

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với lứa tuổi.

Người chưa thành niên là người còn non nớt về trí tuệ. Đây là độ tuổi có tính chất là giai đoạn chuyển tiếp của sự tăng trưởng và phát triển đến tuổi trưởng thành.

Ở lứa tuổi này, con người phát triển mạnh về mặt sinh học nhưng lại thiếu cân đối về mặt trí tuệ. Đây là lứa tuổi mà kinh nghiệm trong cuộc sống còn quá ít ỏi, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật. Do việc kiềm chế cảm xúc còn hạn chế nên nhiều hành vi của người chưa thành niên mang tính bột phát. Chính vì tính bột phát nên động cơ, mục đích không rõ ràng, không được xác định trước...

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo chưa thành niên Phan Tấn Duy. Ảnh: SONG MAI

Áp dụng hình phạt phải trên nền tảng nhân văn

Có thể nói, cách ứng xử của người chưa thành niên còn phụ thuộc vào điều kiện, môi trường sống cũng như sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Người chưa thành niên luôn có nhu cầu tìm hiểu và khám phá cái mới.

Tuy vậy, việc tìm hiểu và khám phá cái mới cũng có thể trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm pháp luật hình sự. Người chưa thành niên nếu thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cha mẹ, gia đình thì rất dễ vi phạm hình sự. Do đó, môi trường sống cũng như sự chăm sóc của cha mẹ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa vi phạm hình sự của người chưa thành niên.

Ngoài ra, vi phạm hình sự của người chưa thành niên thường được thể hiện một cách rõ ràng, dễ nhận biết, được thực hiện nhanh chóng và ít có quyết tâm thực hiện đến cùng nếu bị ngăn cản.

Nếu như vi phạm hình sự do người thành niên thực hiện thường được chuẩn bị kỹ lưỡng, có cách thức, thủ đoạn rõ ràng thì vi phạm hình sự do người chưa thành niên thực hiện thường không có những đặc điểm này.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thông thường, người chưa thành niên rất hợp tác, ăn năn hối cải, chủ động khai báo để nhận được lượng khoan hồng từ nhà nước.

Vì lẽ đó, việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên cũng phải dựa trên nền tảng nhân văn. Việc tước tự do của người chưa thành niên chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng, và nếu áp dụng thì chỉ áp dụng trong khoảng thời gian ngắn nhất bởi việc tước tự do người chưa thành niên quá lâu sẽ làm cho người chưa thành niên càng khó hòa nhập với cộng đồng.

Dưới góc độ xã hội, hành vi trái pháp luật là hành vi lệch chuẩn. Hành vi lệch chuẩn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như: sinh ra trong gia đình không có tình thương, mồ côi, thất học, thiếu hiểu biết, chưa chín chắn, sớm tập tành lối sống hưởng thụ hoặc ảnh hưởng bởi phim ảnh, văn hóa phẩm không lành mạnh...

Phan Tấn Duy (sinh ngày 9-8-2008, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một đứa trẻ như vậy. Cha mẹ ly hôn khi còn nhỏ, mẹ ung thư giai đoạn cuối. Duy học lớp 6 thì nghỉ đi làm công nhân. Tháng 3-2022, khi còn 5 tháng nữa mới được 14 tuổi, Duy đi làm ở cơ sở làm bánh mì thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh. Tại đây, Duy và em N (nhỏ hơn Duy 16 tháng) nảy sinh tình cảm. Ngày 31-8-2022, Duy đến phòng trọ của N rồi cả hai cùng làm chuyện người lớn. Hàng xóm ngay lập tức phát hiện và trình báo. Duy lãnh án 2 năm 6 tháng tù giam về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

TS Cao Vũ Minh, Trưởng bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM.

VKSND TP.HCM kháng nghị, đề nghị TAND TP.HCM xử phúc thẩm, cho Duy được hưởng án treo vì có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, được bị hại bãi nại nhưng bản án sơ thẩm không áp dụng khoản 2 Điều 52 BLHS để giảm nhẹ cho bị cáo là thiếu sót.

Ngoài việc phạm tội khi bị cáo vừa qua tuổi 14, khả năng nhận thức còn hạn chế thì bị cáo còn có trình độ học vấn thấp (6/12), hoàn cảnh gia đình khó khăn phải lao động kiếm sống khi còn nhỏ, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết cách ly khỏi đời sống xã hội; cho bị cáo hưởng án treo, giao chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú và gia đình giám sát giáo dục cũng đủ tác dụng giáo dục răn đe, đảm bảo nguyên tắc xử lý khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, đảm bảo lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên phạm tội, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội theo Điều 3, Điều 8, Điều 91 BLHS.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc là khi xét xử phúc thẩm vào tháng 8-2023, TAND TP.HCM dù đã nhận định chấp nhận kháng nghị của VKS về việc tòa áp dụng thiếu tình tiết giảm nhẹ, nhưng tòa lại không cho bị cáo Duy hưởng án treo. Hiện Duy đã chấp hành án từ tháng 10-2023.

Đạo luật riêng tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn

Từ câu chuyện của Duy, vấn đề có tính pháp lý đặt ra là phải có một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, ở tầm đạo luật do Quốc hội ban hành để điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.

Theo đó, nhiều quốc gia đã xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên thay vì quy định rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa ban hành đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên dù Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và nhiều văn kiện quốc tế về quyền của người chưa thành niên.

Do đó, việc chậm trễ ban hành một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là chưa phù hợp với các văn kiện quốc tế mà Việt Nam cam kết.

Hiện nay, Việt Nam có 3 Bộ luật, Luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự). Bên cạnh 3 đạo luật này, các cơ quan có thẩm quyền còn ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, do tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn mờ nhạt, hạn chế. Thủ tục tố tụng hình sự hiện hành vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có điều chỉnh một số quy định để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến các thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên.

Với các điều khoản được chuẩn bị khá công phu, chỉn chu, đầy đủ, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với lứa tuổi.

Với các quy phạm pháp luật nhân văn, đạo luật này sẽ hướng đến bảo đảm tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.

Với sự ra đời của Luật Tư pháp người chưa thành niên, những trường hợp như Phan Tấn Duy sẽ được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự, giáo dục và tạo cơ hội cho những trường hợp như Duy có thể sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/ts-cao-vu-minh-toi-rat-ky-vong-vao-dao-luat-nhan-van-tien-bo-nay-post789784.html