Trường sư phạm cần đổi mới mô hình đào tạo giáo viên

Nhấn mạnh vai trò, vị trí của Trường ĐHSP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý việc trường cần làm trong đổi mới, phát triển nhà giáo, CBQL giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Bộ GD&ĐT.

Buổi làm việc được tiến hành ngay sau lễ công bố Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có vị trí quan trọng và nhiều lợi thế

Tại buổi làm việc, vấn đề trọng tâm được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh liên quan đến vai trò, vị trí và những việc cần làm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong đổi mới phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của ngành.

Theo Bộ trưởng, đặt trong toàn bộ hệ thống, xu thế vận hành của ngành, đất nước, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đang có nhiều lợi thế, thuận lợi cho sự phát triển; với trị trí là trường sư phạm trọng điểm của cả nước, là đơn vị then chốt, quan trọng trong hệ thống giáo dục - đào tạo. Trong khi đó, chính sách của Đảng, Chính phủ đều đặt giáo dục - đào tạo ở vị trí rất quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nói sâu về vị trí, vai trò, lợi thế của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ trưởng cho biết: Ngành Giáo dục đang đổi mới, chuyển đổi và muốn làm được phải đổi mới, phát triển lực lượng giáo viên. Phát triển, đổi mới lực lượng nhà giáo chính là nền tảng, đột phá, yếu tố quan trọng để đổi mới giáo dục - đào tạo. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có vai trò hàng đầu trong phát triển đội ngũ này.

Nhu cầu học tập ngày càng lớn và đa dạng của người học cũng là cơ hội cho nhà trường. Cùng với đó là sự quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống đào tạo giáo viên. Trong bối cảnh tự chủ, trường sư phạm vẫn được Nhà nước hỗ trợ thông qua người học và cơ chế đặt hàng.

“Chúng ta cần điều chỉnh góc nhìn, nhận diện vị trí, vai trò của nhà trường, xác định sứ mệnh, trách nhiệm với ngành” - Bộ trưởng lưu ý và cho rằng: Trong 10 năm vừa qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Ngành Giáo dục triển khai công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai Chương trình GDPT 2018 với tất cả lực lượng cũ được làm mới.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá để người thầy làm quen được với quyền và trách nhiệm mới, nghiệp vụ sư phạm mới - trường sư phạm đã đóng góp nhưng cần đóng góp nhiều hơn nữa, nhập cuộc nhanh hơn và nhận diện vị trí của mình trong dòng đổi mới rõ nét hơn nữa.

Đơn cử, giảng viên sư phạm phải là người hiểu sâu sắc nhất Chương trình GDPT 2018; tập huấn giáo viên và đào tạo sinh viên để họ đảm đương được trọng trách triển khai chương trình với nhiều đổi mới; thể hiện được sự sáng tạo, năng động, chủ động trong sử dụng học liệu, không phụ thuộc vào sách giáo khoa, chủ động trong cấu trúc giờ giảng… Là “máy cái”, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần đổi mới triệt để, từ mô hình, cách thức dạy và học.

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Quan tâm đổi mới mô hình đào tạo giáo viên

Nhấn mạnh đến đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, Bộ trưởng cho rằng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần thực sự bao quát toàn bộ hoạt động khoa học giáo dục, lĩnh vực giáo dục.

Bộ trưởng chia sẻ: Mô hình đào tạo giáo viên phổ biến nhất hiện nay trên thế giới là từ các ngành cử nhân cộng với nghiệp vụ sư phạm được huấn luyện đầy đủ và trước khi hành nghề có sát hạch chứng chỉ hành nghề. So sánh với mô hình đào tạo theo hướng truyền thống chuyên sâu sư phạm, Bộ trưởng gợi mở việc cần xem xét mô hình đào tạo năng động, giàu sức sống, phù hợp với việc thiết kế mô đun hóa hiện nay.

“Nếu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, chúng ta sẽ đào tạo được hệ thống rất nhiều ngành nghề, cộng với nghiệp vụ sư phạm. Theo mô hình này, toàn bộ hệ thống của trường sẽ năng động, giàu sức sống, phù hợp với cách tổ chức đào tạo mới, với mô hình các trường đại học trong thời kỳ hiện đại” - Bộ trưởng nói và lưu ý, trong mô hình đó, vẫn ưu tiên các ngành khoa học cơ bản, lấy trọng tâm là khoa học cơ bản để làm nền tảng đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm một số lĩnh vực đào tạo khác theo đúng đa ngành. Khi đào tạo như vậy, việc tuyển sinh sẽ rộng mở hơn, có nguồn lực lớn hơn để phát triển nhà trường; việc xây dựng đội ngũ cũng sẽ khác; tư duy trong nghiên cứu, đào tạo của các thầy cô cũng sẽ có điều chỉnh.

Đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.

“Từ khóa với chúng ta là 2 chữ “năng động”, phải năng động hơn nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, Luật Nhà giáo cũng đang được xây dựng theo hướng đội ngũ nhà giáo được hình thành bằng nhiều cách, qua nhiều con đường; từ đó giúp cho việc điều chỉnh đội ngũ có thể nhanh chóng và giúp toàn ngành năng động hơn.

Chia sẻ thêm về mô hình của một số trường sư phạm của Trung Quốc khi chuyển động theo hướng trở thành các tập đoàn giáo dục, qua đó đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng, phong phú của xã hội, Bộ trưởng nhắn gửi “với tất cả sự kỳ vọng, phó thác, với nhiệm kỳ mới, việc lớn nhất của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là điều chỉnh đường hướng, đường đi nước bước”.

Lưu ý một số vấn đề cụ thể, trước mắt, Bộ trưởng yêu cầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần rà soát lại chiến lược của nhà trường, kiện toàn đội ngũ; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Bộ, quan tâm hướng nghiên cứu có tính đánh giá thực tiễn, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản…

Bộ trưởng đồng thời trao đổi cụ thể về một số kiến nghị của nhà trường liên quan đến thành lập tổ chức kiểm định riêng cho khối sư phạm; đào tạo bằng tiếng Anh; đào tạo THPT chuyên; cơ sở vật chất… Trong đó, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm về nhu cầu cấp bách trong đào tạo bằng tiếng Anh và nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo sinh; nêu 3 nhóm đào tạo giáo viên cần tăng cường là nhóm giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên dạy các môn học mới và giáo viên dạy tiếng Việt...

Tại cuộc làm việc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường thời gian qua và khái lược chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2025-2030. Một số khó khăn, thách thức đặt ra và kiến nghị cũng đã được Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn chia sẻ với mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT.

Hiếu Nguyễn. Ảnh Xuân Phú.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-su-pham-can-doi-moi-mo-hinh-dao-tao-giao-vien-post683337.html