Trợ giá xe buýt điện quá thấp, tuyến buýt điện tại TP.HCM liên tục lỗ

Do tỷ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện quá thấp (44,1%) so với tỷ lệ trợ giá của xe buýt sử dụng diesel, CNG nên tuyến xe buýt điện D4 thua lỗ trong 2 năm liên tiếp.

Ngày 7/5, Sở Giao thông -Vận tải có văn bản số 5645/SGTVT -VTĐB báo cáo UBND Thành phố sau 2 năm thí điểm sử dụng xe buýt điện trên địa bàn.

Theo báo cáo dù được chấp thuận vận hành 5 tuyến xe buýt điện, thí điểm trong 2 năm nhưng chỉ có một tuyến được vận hành là tuyến D4 từ khu Vinhomes Grand Park đến Bến xe buýt Sài Gòn.

Sau 2 năm thí điểm tuyến xe buýt điện D4 đã thực hiện 45.973 chuyến xe, đạt tỷ lệ 99,4% so với số chuyến kế hoạch. Các chuyến xe không hoàn thành chủ yếu do tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm dẫn đến xe không kịp về bến để thực hiện chuyến tiếp theo.

Tổng sản lượng hành khách đã vận chuyển đến hết tháng 2/2024 đạt hơn 1,9 triệu lượt hành khách, bình quân vận chuyển khoảng 3.200 lượt hành khách/ngày.

Xe buýt điện chạy trên đường phố TP.HCM.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Vận tải Sinh thái VinBus - chi nhánh TP.HCM, với tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1% thì mức trợ giá của tuyến là 309.800 đồng/chuyến (chi phí/chuyến là 702.496 đồng), phần doanh thu phải đảm bảo 55,9%, chi phí là 392.696 đồng/chuyến (tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến).

Tuy nhiên, lượng khách bình quân của tuyến xe buýt điện D4 năm 2022 chỉ đạt 22,5 hành khách/chuyến và năm 2023 bình quân đạt 29,5 hành khách/chuyến nên chỉ đạt 41,5% so với sản lượng tính trợ giá.

Do tuyến có giá vé là 7.000 đồng/lượt cho hành khách, 157.000 đồng/tập/30 vé và 3.000 đồng/lượt dành cho học sinh, sinh viên. Trong năm 2023, tổng doanh thu của tuyến xe buýt D4 là 6,3 tỷ đồng, doanh thu bình quân/chuyến khoảng 164.000 đồng/chuyến.

Theo nhận định của công ty vận hành, tỷ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp (44,1%), chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỷ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG, dẫn đến Công ty hoạt động thua lỗ (năm 2022 lỗ 16,1 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 17,5 tỷ đồng).

Do việc vận hành các tuyến xe buýt điện thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính nên Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM cho tiếp tục vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn Thành phố từ ngày 9/3/2024 đến ngày 31/3/2025.

Để đảm bảo không có sự chênh lệch trong việc trợ giá giữa các loại xe buýt, Sở Giao thông -Vận tải kiến nghị UBND Thành phố áp dụng tỷ lệ trợ giá/chi phí với tỷ lệ 64,8% theo đơn giá cố định đã được ban hành tại Quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 đối với loại xe CNG nhóm 4-CNG2 (chi phí là 24.224 đồng/km).

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tro-gia-xe-buyt-dien-qua-thap-tuyen-buyt-dien-tai-tphcm-lien-tuc-lo-d214692.html