Tránh lạm dụng 'Bác sĩ Google'

Trong thời đại số hóa, thông tin về sức khỏe trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết. Một cú nhấp chuột là mọi người có thể truy cập hàng ngàn trang web, diễn đàn và bài viết liên quan đến bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải. Tuy nhiên, việc dựa quá nhiều vào thông tin từ 'Bác sĩ Google' không phải lúc nào cũng là lựa chọn thông minh.

“Bác sĩ Google” - biệt danh cho việc tìm kiếm thông tin sức khỏe trực tuyến đã trở thành nguồn thông tin phổ biến đối với nhiều người. Tuy nhiên, một số thông tin từ các nguồn không đáng tin cậy hoặc không được kiểm chứng có thể dẫn đến sự hiểu lầm về việc sử dụng thuốc, góp phần vào tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Trước hết, việc tự điều trị có thể dẫn đến hậu quả không lường trước. Một số bệnh tình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Ví như việc sử dụng kháng sinh một cách không cần thiết không chỉ tăng nguy cơ kháng thuốc, mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Cẩn thận các thông tin chưa được kiểm chứng có thể dẫn đến sự hiểu lầm về cách điều trị bệnh. (Ảnh chụp màn hình)

Như trường hợp chị B.H.N (Khóm 6, Phường 8, TP Cà Mau). Chị đang gặp phải vấn đề sức khỏe, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ và có các triệu chứng lo lắng, căng thẳng. Thay vì tham khảo ý kiến của bác sĩ, thì chị N quyết định tìm kiếm thông tin trên Internet để tự chẩn đoán và điều trị cho mình. Chị bắt đầu đọc các bài viết trên các diễn đàn trực tuyến và trang web y tế tổng hợp. Qua tiếp nhận thông tin từ “Bác sĩ Google”, chị N tự chẩn đoán mình có thể mắc phải một loạt các vấn đề khác nhau, từ rối loạn lo âu đến thiếu hụt vitamin. Cũng từ "hướng dẫn" của “Bác sĩ Google”, chị N tự mua các loại thuốc thảo dược và bổ sung dinh dưỡng từ nhà thuốc, hy vọng sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của mình. Tuy nhiên, sức khỏe của chị N càng trở nên tồi tệ hơn.

“Tôi đã trải qua một bài học nhớ đời về việc lạm dụng “Bác sĩ Google”. Lúc đầu không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế, mà tôi tự tin vào thông tin trên Internet và tự chẩn đoán tình trạng của mình. Hậu quả là tôi vừa mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bản thân", chị N nói.

Mỗi người đều có một tình trạng sức khỏe đặc biệt và cần phải được đánh giá bởi một bác sĩ chuyên nghiệp. Việc tự chẩn đoán dựa trên thông tin từ internet có thể dẫn đến việc bỏ qua các triệu chứng quan trọng hoặc chẩn đoán sai lầm. (Chụp tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau).

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Nguyễn Trọng Nhân, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, việc tìm kiếm thông tin y tế trên Internet có thể là một công cụ hữu ích nếu được sử dụng một cách cẩn thận và cân nhắc. Tuy nhiên, tự chẩn đoán có thể dẫn đến nhiều rủi ro, từ việc bỏ qua các triệu chứng quan trọng, đến việc sử dụng các loại thuốc không phù hợp. Bệnh nhân cần nhận ra rằng, thông tin trên Internet chỉ là một phần của câu chuyện. Việc tự chẩn đoán không thể thay thế được sự chẩn đoán chính xác từ một bác sĩ chuyên môn.

"Tôi khuyên bệnh nhân nên sử dụng thông tin từ Internet như một công cụ tham khảo và luôn thảo luận với bác sĩ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến sức khỏe của mình”, Bác sĩ Nhân chia sẻ.

Bác sĩ Trần Ngọc Vinh, Bệnh viện MEDIC Cà Mau, khuyến cáo: “Hãy kiểm tra nguồn gốc thông tin; nên tìm đọc các trang website y tế uy tín và các bài viết của các chuyên gia y tế có kinh nghiệm. Ðồng thời, nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về bất kỳ thắc mắc nào, vì họ có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm để đưa ra những lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân”./.

Việt Mỹ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tranh-lam-dung-bac-si-google--a31888.html