Trại hè - cơ hội cho trẻ trải nghiệm, kết nối: Để mùa hè không phải là kỳ học thứ 3

Mô hình trẻ được gửi đi trại hè phổ biến trên thế giới từ thế kỷ trước. Ở Việt Nam có khái niệm 'sinh hoạt hè' tại khu phố từ những năm 1980 và sau đó hoạt động này ít nhiều có sự gián đoạn.

Những năm gần đây, xu hướng gửi con đi trại hè nở rộ với các mô hình hoạt động hè từ bán trú đến nội trú. Câu chuyện trại hè thời hiện đại có gì mới và có còn cần thiết cho trẻ?

Trẻ em thích thú trải nghiệm các trò chơi tập thể trong trại hè. Ảnh: EcoCamp

Muôn vẻ trại hè

Ngày trước, mô hình trại hè phổ biến ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Hệ thống trại thiếu nhi lớn bé ở các nước này được xây dựng đẹp đẽ, ở quanh sông, hồ, biển với các tiện ích dành riêng cho trẻ, được nhà nước quản lý, hoạt động không chỉ vào mùa hè mà quanh năm, nhất là vào các kỳ nghỉ. Bên cạnh những trại hè ở từng địa phương thì còn có những trại hè toàn quốc - toàn liên bang, là nơi trẻ em có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc được mời tham dự, được giao lưu với bạn bè quốc tế.

Hiện giờ, nhiều nước trên thế giới cũng duy trì hình thức trại hè chung hoặc theo chuyên đề về thể thao, nghệ thuật cho học sinh.

Ở Việt Nam, nhiều thế hệ phụ huynh chắc chắn quen thuộc với hoạt động “sinh hoạt hè” tại các khu phố từ những năm tám mươi của thế kỷ XX với các hoạt động văn nghệ, thể thao và kết thúc kỳ nghỉ hè là một buổi cắm trại, thi múa hát giữa các phường, quận... Trẻ em bắt buộc phải có chứng nhận sinh hoạt hè tại địa phương, được hệ thống đoàn, đội tại địa phương quản lý chặt chẽ và chăm chút khá chu đáo. Tuy nhiên, hoạt động này có sự gián đoạn trong những thập niên tiếp theo.

Ngày nay, cùng với những điều kiện thuận lợi hơn về kinh tế - xã hội, mô hình hoạt động trại hè dành cho trẻ phát triển đa dạng về nhiều mặt, từ nội dung đến cách thức tổ chức. Có thể kể đến trại hè liên quan đến các ngành nghề trước đây hầu như không có. Mô hình này tận dụng những cơ sở vật chất sẵn có và các hoạt động đặc thù của các ngành nghề như học kỳ công an, học kỳ quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (trại hè lính cứu hỏa), trại hè hướng nghiệp cho trẻ vào vai phi công, tiếp viên hàng không...

Một dạng trại hè nữa hướng sự tập trung vào các môn học và các môn nghệ thuật, thể thao hoặc hướng nghiệp như trại hè tiếng Anh, trại hè âm nhạc, hội họa, guitar, bóng rổ, bóng đá... Ngoài ra, các khóa tu với những trải nghiệm sâu lắng ở các ngôi chùa cùng các sư thầy, sư cô cũng được xem như một đợt trải nghiệm xa nhà trong dịp trẻ được nghỉ học.

Học sinh tham gia trại hè của Hệ thống Trường Tây Úc (WASS). Ảnh: WASS

Phải khẳng định, mùa hè của trẻ em Việt Nam đã trở nên phong phú và trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Đây là một xu hướng được các nhà giáo dục khuyến khích, nhất là trong bối cảnh xã hội công nghệ góp phần tạo ra những “ipad kid” (thế hệ chỉ giải trí bằng ipad).

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con cho rằng: “Kỳ thực, sự “nghỉ học” mà không “nghỉ tư duy” rất quan trọng đối với trẻ. Thay vì nhồi nhét kiến thức cụ thể vào đầu, trẻ cần được đến một không gian mới, thử sức trong những hoạt động mới - kể cả các việc lao động tay chân như nhặt cỏ, trồng rau, nuôi gà... Trẻ cần được gặp gỡ những con người khác với những người mà mình thường gặp trong năm, ở những không gian khác. Tất cả những điều đó giúp trẻ kích hoạt sự năng động, khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mình để thích nghi với môi trường mới, với những con người mới”.

Chị Hà Linh ở quận Long Biên chia sẻ về cậu con trai, nói rằng ở lớp cậu thường bị coi là nhút nhát, chậm chạp, ít khi được giao các công việc của thủ lĩnh. Thế rồi tại một trại hè, bên những người bạn mới, cậu bé lại sẵn sàng đứng ra tổ chức một game show với khả năng dẫn dắt dí dỏm, chuyên nghiệp không ngờ.

Có thể nói, những bài học nho nhỏ không chỉ đến từ các kết luận mà người lớn, thầy cô đúc kết trước "hộ" trẻ. Các bài học còn dần đến với trẻ từ những kinh nghiệm ứng xử thực tế. Và, trại hè cho các em cơ hội nhận được bài học cá nhân khác lạ được đặt trong không gian tương đối an toàn.

Mô hình nào cho trẻ?

Trên nhiều trang mạng xã hội về giáo dục, không ít phụ huynh cho rằng việc giữ trẻ trong bốn bức tường hoặc tranh thủ mùa hè học thêm, học trước kiến thức để vào năm học nhẹ nhàng hơn giờ đã là quan niệm lỗi thời. Mùa hè không phải là kỳ học thứ 3.

Học sinh tham gia trại hè của Hệ thống Trường Tây Úc (WASS). Ảnh: WASS

Có thể nói, chưa bao giờ các mô hình trại hè cho trẻ phong phú như hiện nay. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình nào và cách mà phụ huynh đồng hành cùng con cũng là một câu chuyện đáng chia sẻ.

Hiện nay, các trường học hầu như đều tổ chức trại hè bán trú ở trường với nhiều hoạt động phong phú. Trẻ đã học cả năm tại trường, mùa hè lại ở lại chính không gian đó vui chơi, tham gia hoạt động, điều này tạo thuận tiện cho các gia đình khi khỏi phải đau đầu lựa chọn chương trình và tương đối yên tâm vì con ở trong môi trường quen thuộc, an toàn.

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, để thời gian nghỉ hè là kỳ nghỉ đúng nghĩa, góp phần tái tạo năng lượng, mang đến cho trẻ những góc nhìn mới về cuộc sống, con người thì cha mẹ cần dụng công tìm hiểu thông tin và thảo luận với con. Đừng cho rằng mùa hè mà con được nghỉ lại thành gánh nặng trông trẻ và tìm cách giải quyết gánh nặng đó sao cho ổn thỏa.

Ở một thái cực khác, hiện đã xuất hiện một quan niệm chưa thỏa đáng của một số phụ huynh và cả người tổ chức trại hè: Cứ là trại hè là phải có mục đích giáo dục riết róng, trực diện. Con được rèn giũa thế nào? Học thêm được kỹ năng gì? Có thay đổi rõ rệt sau khi dự trại hè hay không? Thậm chí, phụ huynh mong con mình nghe thầy cô, chuyên gia trò chuyện rồi về nhà “khóc nức nở xin lỗi bố mẹ, mong muốn được thay đổi bản thân”. Cách suy nghĩ như vậy, theo một số chuyên gia, là một bất cập.

Trại hè, các khóa học kỹ năng chỉ nên là một sân chơi mới mẻ cho trẻ có cơ hội trải nghiệm, cùng hoạt động, tập xử lý tình huống nảy sinh chứ không phải là nơi rèn giũa cấp tập, tạo áp lực về thể chất và tâm lý đối với trẻ em. Điều này có thể phá vỡ cảm giác an toàn, gây tổn thương nhất định cho trẻ, đặc biệt là trẻ mới lớn, ở tuổi "khủng hoảng dậy thì".

Câu chuyện về các khóa tu mùa hè mà con tham gia “theo nguyện vọng của bố mẹ” được phản ánh trên truyền thông trong thời gian qua đã cho thấy nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ chủ trương tìm cho con một môi trường rèn luyện khắc nghiệt với quan niệm rằng con “sướng quen rồi, giờ cần chịu khổ cho biết mình đã sướng thế nào”. Những đứa trẻ quen sống tiện nghi được/bị "thả" vào môi trường không máy điều hòa không khí, không nước nóng, phải rèn luyện thể chất và lao động... Có những bé vượt qua được, nhưng có không ít bé căng thẳng, áp lực đến nỗi bị ám ảnh, sợ hãi lâu dài.

Vì thế, bố mẹ khi quyết định chọn mô hình trại hè rất nên dành thời gian cùng con tìm hiểu thông tin, lắng nghe mong muốn của con, thảo luận với con một cách nghiêm túc để đi đến lựa chọn cuối cùng. Suy cho cùng, mùa hè và kỳ nghỉ hè này trước nhất là của con cơ mà!

Nhà văn Trần Thị Trường, sau một kỳ tham gia mô hình trại hè cho trẻ đã xúc động chia sẻ rằng, các thiết bị thông minh tạo ra hai thái cực, vừa siêu kết nối vừa cùng lúc làm đứt gãy nhiều mối quan hệ xã hội và gia đình. Bà cho rằng mô hình trại hè nên được xem là cơ hội giản dị để trẻ thực hành quan sát thế giới, thực hành làm việc, thực hành trải nghiệm và tăng kết nối xã hội. Như thế, có thể và cần xây dựng mô hình trại hè như là không gian mới mẻ, tươi vui, hấp dẫn để trẻ có điều kiện tham gia, trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống tập thể, khám phá những khả năng cá nhân.

Tất nhiên, nói như một phụ huynh, chương trình hoạt động vẫn nên có sự tham gia của các nhà sư phạm hoặc tâm lý giáo dục, để làm sao đó cân đối hài hòa giữa việc rèn luyện thể lực và trí lực, giữa học, lao động và chơi đùa, giữa chia sẻ tâm tình và rèn giũa.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trai-he-co-hoi-cho-tre-trai-nghiem-ket-noi-de-mua-he-khong-phai-la-ky-hoc-thu-3-666024.html