Trà đã chinh phục người Nhật như thế nào

Người Nhật nổi tiếng với văn hóa trà đạo. Thế nhưng, hành trình để cây trà tìm đến đất nước Mặt trời mọc khá gian nan. Phật giáo chính là cầu nối để người Nhật yêu trà.

 Nghệ thuật trà đạo là nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Ảnh: Univiet travel.

Nghệ thuật trà đạo là nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Ảnh: Univiet travel.

Trong triều đại của Hoàng tử Shotoku1 (574-622) tại Nhật Bản, các học giả Nhật đã thể hiện sự quan tâm lớn đến Phật giáo. Nhiều học giả đã đến Trung Quốc để nghiên cứu về tôn giáo cũng học cách trồng trà, và cuối cùng đã mang về cả hạt giống trà cũng như kiến thức về cách trồng và chăm sóc. Bởi vì trà ở Trung Quốc trong thời kỳ này (đời Đường) vẫn được nung thành bánh, sau đó cắt nhỏ, nghiền và đun sôi trong nước, đây cũng là cách người Nhật bắt đầu pha trà.

Nhờ Thiên Hoàng Shomu của Nhật Bản mà sự phổ biến của trà lan rộng, đặc biệt là trong các tu sĩ Phật giáo. Chuyện kể rằng, vào năm 729, ông đã tập hợp một trăm tu sĩ cho một ngày tụng kinh Phật. Sau khi tụng và thiền, ông dọn ra cho các nhà sư thứ đồ uống mới, trà.

Đây là một việc tốn kém, vì vào thời điểm này trà là một trong những mặt hàng đắt tiền được mang từ Trung Quốc về. Tác động của bữa tiệc trà Nhật Bản đầu tiên này rất đáng kể. Các nhà sư ấn tượng với tác dụng của đồ uống này đến nỗi họ trở nên rất thích thú với việc trồng cây trà trong quốc gia của mình. Một trong những tu sĩ, Gyoki (658-749), đã dành phần đời còn lại của mình theo đuổi công việc này, xây dựng bốn mươi chín ngôi đền và trồng cây trà mọc bụi ở mọi ngôi.

Năm 794, Thiên hoàng thứ năm mươi của Nhật Bản, Kammu, đã xây dựng một cung điện hoàng gia có tên là Bình An Cung, ở Hei-an-kyo (nay là Kyoto). Một vườn trà được xây dựng bên trong các bức tường của cung điện này, và một vị quan triều đình đã được thuê để chăm sóc nó. Vị trí này được đặt dưới sự bảo trợ của Cục Y tế, một dấu hiệu rõ ràng rằng trà vào thời điểm này trong lịch sử Nhật Bản vẫn là một loại thuốc quan trọng.

Một khi đã bắt đầu, dòng trà chảy qua Nhật Bản dường như không thể ngăn được. Vào năm 805, người nổi tiếng nhất trong tất cả những người Nhật đam mê trà đã đến Trung Quốc để nghiên cứu và trở về mang theo hạt giống của cây trà, Saicho (Tối Trừng, được biết đến nhiều hơn với cái tên trao tặng sau khi ông qua đời, Dengyo Daishi - Truyền giáo Đại sư) đã gieo những hạt giống này tại Núi Hiei thuộc tỉnh Omi. Thậm chí ngày nay vẫn có một vườn trà ở địa điểm này, khoảng một ngàn hai trăm năm sau khi vườn trà ban đầu được xây dựng.

Đến cuối thế kỷ thứ 9, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng, và các nhiệm vụ ngoại giao của Nhật bị bãi bỏ. Cùng với mọi thứ khác liên quan đến Trung Quốc, sự phổ biến của trà giảm mạnh trong ba trăm năm kế đó, ngoại trừ trong các tu viện. Trong thời kỳ này, Nhật Bản tiếp tục phát triển và củng cố các truyền thống riêng của mình, thay vì bắt chước các truyền thống của Trung Quốc.

Vào thế kỷ thứ 12, mối quan hệ mới giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã dẫn đến sự hồi sinh trào lưu quan tâm đến việc uống trà của người Nhật. Người chịu trách nhiệm chính cho việc này là một tu sĩ Phật giáo tên Eisai Myoan (Minh Am Vinh Tây).

Eisai học với các nhà sư của trường phái Zen ở miền nam Trung Quốc, tìm hiểu về các vấn đề tâm linh - và các vấn đề về hương vị, thông qua trà. Mặc dù Eisai có lẽ được biết đến nhiều nhất nhờ việc giới thiệu Phật giáo thiền tông dòng Lâm Tế (Rinzai) đến Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ 12, nhưng ông cũng nổi tiếng (và được đánh giá cao) vì đã mang kiến thức về trà đánh, trà bột từ Trung Quốc về.

Người Nhật tin, giống như người Trung Quốc, rằng hương vị của trà đánh dễ chịu và đậm đà hơn nhiều so với loại làm từ bánh trà xay. Trà được pha chế theo cách này đã trở nên rất phổ biến ở Nhật Bản.

 Cuốn sách Lịch sử của trà mang đến nhiều kiến thức thú vị về trà. Ảnh: H.H.

Cuốn sách Lịch sử của trà mang đến nhiều kiến thức thú vị về trà. Ảnh: H.H.

Những người cải đạo sang Phật giáo Thiền tông cũng nhanh chóng đánh giá cao trà. Ban đầu, nó được coi trọng như một sự trợ giúp cho việc thiền định, sau đó mới nhờ hương vị. Eisai là một người tin tưởng mạnh mẽ vào lợi ích của việc uống trà, và trong số các tác phẩm phong phú của ông có Kissa Yojoki, được dịch theo nhiều cách khác nhau như: Sách về thanh lọc bằng trà, Khỏe mạnh bằng trà, hoặc Khiết trà dưỡng sinh ký. Công trình này mô tả trà như một phương thuốc thần thánh và là món quà tối cao của Thượng Đế, thiết yếu để bảo tồn sự sống. Eisai khuyến cáo đây là cách chữa trị cho năm căn bệnh: chán ăn, bệnh tật do nước uống kém, tê liệt, mụn nhọt và bệnh phù. Ông kết luận với khẳng định rằng trà có lợi cho việc cải thiện nhiều rối loạn của cơ thể.

Ông tuyên bố, “Tại đất nước Trung Quốc rộng lớn, người ta uống trà, kết quả là không có vấn đề gì về tim mạch và mọi người đều sống thọ. Đất nước của chúng ta đầy những người nom gầy gò bệnh hoạn, và điều này đơn giản là vì chúng ta không uống trà. Khi toàn bộ cơ thể cảm thấy yếu đuối, suy nhược và sức khỏe suy sụp, đó là một dấu hiệu cho thấy trái tim đang bệnh. Uống nhiều trà, năng lượng và tinh thần của con người sẽ được phục hồi tràn trề, mạnh mẽ”.

Kissa Yojoki tiếp tục giải thích không chỉ tác dụng của trà đối với từng bộ phận của con người mà còn cả kết quả tâm lý của việc uống trà, tạo tiền đề cho sự hình thành trà đạo Nhật Bản. Eisai liên kết việc uống trà với những yếu tố của Thiền, của trạng thái tồn tại đầy đủ và trọn vẹn, biến điều gì đó đơn giản như pha trà và uống trà thành một trải nghiệm tâm linh.

Đệ tử Eisai, Dogen1 (1200 - 1253) nổi tiếng nhất với tư cách là giáo trưởng của giáo phái Soto thuộc Phật giáo Thiền tông tại Nhật Bản, chia sẻ với người thầy của mình lòng nhiệt tình về trà. Ông cũng từng học tại Trung Quốc và khi trở về Nhật Bản vào năm 1227, ông đã mang theo nhiều dụng cụ dùng để pha chế và phục vụ trà ở Trung Quốc.

Trong thời kỳ này, trà chỉ được thưởng thức bởi các nhà sư, quan lại triều đình, chiến binh và các gia đình thuộc đẳng cấp cao. Trong các tu viện, việc uống trà cùng nhau đã trở thành một nghi lễ quan trọng hàng ngày. Trà được phục vụ trong buổi họp mặt đầu tiên của các nhà sư vào buổi sáng.

Chẳng mấy chốc, họ đã nghi thức hóa việc họp mặt này bằng cách đưa ra các quy tắc pha và dọn trà, một truyền thống mà cuối cùng được biết đến là sarei, tức nghi thức pha trà. Vậy là một bước nữa đã được thực hiện đối với sự phát triển của trà đạo chính thức, khi các nhà sư trong thế kỷ thứ 12 và 13 tập trung mỗi buổi sáng để bắt đầu một ngày của họ bằng một bát trà xanh đánh.

Mặc dù Nhật Bản vào những năm đầu của thế kỷ thứ 14 đầy biến động chính trị và xã hội, nhưng đó là thời kỳ với những biểu hiện văn hóa phong phú, và là giai đoạn đất nước tiếp tục phát triển bản sắc dân tộc. Các nghệ sĩ Nhật Bản đã nuôi dưỡng phong cách độc đáo trong thơ ca, sân khấu, thiết kế vườn, tranh mực, cắm hoa - và việc pha chế, phục vụ trà cũng thăng hoa.

Sự phổ biến của trà tiếp tục tăng trong thời gian này vì hai lý do khác nhau. Thứ nhất, nó vẫn là một phần quan trọng và có giá trị của đời sống tu viện, thứ hai là có nhiều người học về trà hơn, vì nó được du khách mang từ nơi này đến nơi khác.

Từ khi Eisai giới thiệu trà như một sự trợ giúp cho thiền định, nó đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của nhà sư. Vào thời điểm này, trà chỉ được trồng và chế biến tại các tu viện, và các nhà sư là những trà sư đầu tiên ở Nhật Bản. Do đó, sự liên kết giữa Zen và trà tiếp tục được củng cố.

Khi ngày càng có nhiều người đến thăm các ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Thần đạo, các thương nhân đã làm ra xe đẩy và xe do ngựa hoặc bò kéo để bán trà của địa phương cho khách du lịch. Bằng cách này, thông tin về hương vị của trà lan truyền nhanh chóng khắp cả nước.

Khi khách du lịch trở về nhà và làng quê của họ, họ đã nói về thứ đồ uống mới từ Trung Quốc và nhu cầu về trà bắt đầu tăng lên. Trà sớm được trồng ở những nơi khác ngoài các tu viện và những vườn trà được đặt ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản. Honyama, tại tỉnh Shizuoka, nhanh chóng trở thành trung tâm buôn bán trà của Nhật và ngày nay vẫn là một trong những vùng sản xuất trà quan trọng nhất của đất nước.

Và nhờ vậy, từ sự phổ biến trong cộng đồng tôn giáo, trà đã tìm được con đường đến với trái tim, trí tuệ và cửa miệng của mọi người thuộc đủ tầng lớp trên khắp Nhật Bản. Các nhà sư đã rất cẩn thận tỉ mỉ trong việc chế biến và phục vụ trà, và rồi sự chú ý đến tiểu tiết đấy nhanh chóng trở nên quan trọng ở bất cứ đâu khi người ta đến với nhau để cùng uống một chén trà, cả ở nông thôn hay trong các làng mạc.

Việc uống trà chung với bạn bè, ngay cả trong những năm đầu tiên này, là biểu hiện của các giá trị truyền thống Nhật Bản, điều này rất quan trọng đối với mối quan hệ gần gũi của gia đình và cộng đồng. Trà được chia sẻ có nghĩa là tình bạn cũng được chia sẻ.

Laura C Martin/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/tra-da-chinh-phuc-nguoi-nhat-nhu-the-nao-post1451054.html