TPHCM: Nhiều quận huyện khó 'về đích' chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số

Sáng 16-5, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM và các sở, ban, ngành trên địa bàn TPHCM về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Đề án 'Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030' và yêu cầu xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu chỗ học cho người dân trên địa bàn.

Áp lực xây trường

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM cho biết, tính đến năm 2025, quận Gò Vấp dự kiến đạt 262 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi). Tuơng tự, huyện Hóc Môn đến năm 2025 chỉ đạt 216 phòng học/10.000 dân số; quận 12 đạt 227 phòng học/10.000 dân số.

Như vậy, so với mục tiêu toàn thành phố đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số vào năm 2025, nhiều địa phương chưa thể hoàn thành.

Theo lý giải của Sở Kế hoạch - Đầu tư, các địa phương gặp khó khăn trong xây dựng trường lớp do vướng quy hoạch đất đai, nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện do vướng pháp lý, thủ tục đền bù, giải tỏa.

 Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM phát biểu tại buổi làm việc

Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM phát biểu tại buổi làm việc

Nhận định về thực trạng này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, khi xây dựng Đề án 4.500 phòng học hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sở GD-ĐT TPHCM đã làm việc với UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Trong đó, các dự án xây trường được xác định cụ thể địa điểm xây dựng cùng tình trạng triển khai dự án (chia thành nhiều nhóm như nhóm dự án ghi vốn thực hiện được ngay, nhóm dự án còn vướng về thủ tục pháp lý, quy hoạch đất đai...).

 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đề nghị có sự quyết tâm mạnh mẽ hơn của các địa phương trong việc xây dựng trường lớp

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đề nghị có sự quyết tâm mạnh mẽ hơn của các địa phương trong việc xây dựng trường lớp

"Quan trọng là địa phương có quyết tâm thực hiện hay không vì thực tế cho thấy một số quận huyện như Tân Phú, Bình Tân, quận 12 còn nhiều đất kho bãi bị bỏ hoang hoặc đất quy hoạch trường nhưng chưa triển khai. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và phối hợp của nhiều phòng ban, đơn vị", ông Lê Hoài Nam bày tỏ.

Đề xuất xây dựng phòng thực hành thí nghiệm dùng chung

Nhằm thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TPHCM giai đoạn 2021-2030”, tính đến giữa tháng 5-2024, toàn thành phố có 59 trường THPT và 46 trường tiểu học, THCS đăng ký thực hiện "trường học số".

Ngoài ra, 2 trường THPT chuyên (gồm THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cùng 5 trường THPT công lập khác trên địa bàn thành phố (gồm THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Du, THPT Nguyễn Hiền, THPT Marie Curie, THPT Nguyễn Hữu Cầu) đang thực hiện thí điểm Đề án giáo dục thông minh.

 Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân thông tin về kết quả thực hiện Đề án giáo dục thông minh trên địa bàn TPHCM

Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân thông tin về kết quả thực hiện Đề án giáo dục thông minh trên địa bàn TPHCM

Riêng với yêu cầu xây dựng trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, việc xây dựng trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại dễ thực hiện ở khối ngoài công lập bởi nguồn vốn đầu tư dồi dào, cơ sở vật chất đã được đầu tư từ ban đầu.

Tuy nhiên, đối với khối giáo dục công lập, nhiệm vụ này khó thực hiện hơn do các trang thiết bị chủ yếu đảm bảo điều kiện sử dụng tối thiểu để đáp ứng chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT. Do đó, việc đầu tư trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại cần kinh phí đầu tư khá cao.

Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tham mưu UBND TPHCM đề án xây dựng trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại dùng chung cho học sinh toàn thành phố nhằm tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên nâng cao chất lượng thực hành thí nghiệm, qua đó phát triển giáo dục theo hướng hiện đại, thông minh.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-nhieu-quan-huyen-kho-ve-dich-chi-tieu-300-phong-hoc10000-dan-so-post740151.html