TP.Hà Nội: Ưu tiên phát triển khu, cụm công nghiệp xanh (Bài 4)

Từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý TP.Hà Nội ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng xanh, tập trung những ngành nghề tạo giá trị gia tăng cao.

Tạo động lực phát triển thủ đô

Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%.

Các KCN đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.

Khu Công nghiệp Công nghệ cao sinh học Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội có 70 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Hiện, đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 CCN và tổ chức thẩm định thành lập 25 CCN với diện tích 288ha.

Việc hình thành các CCN đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào CCN, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.

Để phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP trong thời gian tới, UBND TP.Hà Nội định hướng phát triển các khu, CCN đến năm 2030. Theo đó, bổ sung 9 KCN với diện tích 2.911 ha triển khai trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phương án phát triển CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã gửi xin ý kiến Bộ Công Thương, giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn TP Hà Nội dự kiến có 174 CCN, tổng diện tích 5.824ha.

Các KCN đang hoạt động

-KCN Nội Bài, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, TP. Hà Nội, chủ đầu tư là Tổng công ty TNHH phát triển Nội Bài. Được thành lập vào năm 1994 với diện tích 100ha, được chia thành 2 giai đoạn phát triển là: Giai đoạn 1 (50ha) và giai đoạn 2 (50ha). KCN Nội Bài đang là địa điểm đặt nhà xưởng, văn phòng của hơn 40 doanh nghiệp, chủ yếu đến từ Nhật Bản.

KCN Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

-KCN Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh, TP.Hà Nội Chủ đầu tư: Công ty TNHH KCN Thăng Long (liên doanh giữa tập đoàn Sumitomo Nhật Bản và Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi). Tổng diện tích là 302 ha và được chia thành 3 giai đoạn phát triển là: giai đoạn 1 (121,23ha), giai đoạn 2 (80ha) và giai đoạn 3 (100,77ha). KCN Thăng Long hiện là địa điểm đặt nhà xưởng, văn phòng của 87 nhà đầu tư và doanh nghiệp, chủ yếu đến từ Nhật Bản.

-KCN công nghệ cao sinh học, xã Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Minh Khai thuộc huyện Nam Liêm Từ Liêm, TP. Hà Nội. Chủ đầu tư: Pacific Land ltd và Cty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng & Ứng dụng Công nghệ mới Vinaconex R&D với diện tích khoảng 280,89ha.

-KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển D.I.A - Hà Tây Dự án KCN Bắc Thường Tín được xây dựng từ năm 2007 với tổng diện tích 112ha. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, tính đến năm 2057.

-KCN Quang Minh năm trên trục đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Đức. KCN được thành lập vào năm 2004 với tổng diện tích là 344.4ha thu hút hơn 190 doanh nghiệp trong và ngoài nước.. Đây được xem là một trong những KCN lớn nhất tại Hà Nội.

KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội.

-KCN Phú Nghĩa năm trên trục quốc lộ 6, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp Phú Mỹ được xây dựng từ năm 2007 với tổng diện tích là 170ha. Sau 15 năm đi vào hoạt động, KCN Phú Nghĩa đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư. Trong đó, có những tên tuổi lớn như: Vietnam Corporation, BW, VMEP Corporation, Star Fashion, CheeWah, Hapulico…

-KCN Sài Đồng A, thị trấn Sài Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Chủ đầu tư: Liên doanh giữa Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) và Công ty Deawoo Engineer Contruction (Hàn Quốc). KCN Sài Đồng A là tổ hợp KCN, thương mại và dịch vụ có tổng diện tích là 420ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp là 197ha.

-KCN Thạch Thất – Hà Nội, thị trấn Quốc Oai, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội; Chủ đầu tư: Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hà Tây, KCN Thạch Thất được xây dựng từ năm 2007, diện tích: 150.12 ha.

-KCN Sóc Sơn – Hà Nội, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Chủ đầu tư: Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng DDK. Diện tích: 204 ha, KCN này hiện nay đang được hoàn thiện về mặt cơ sở hạ tầng, số vốn đầu tư khoảng 3.266 tỷ đồng.

1-KCN Đông Anh – Hà Nội, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội; Chủ đầu tư: Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam. Diện tích 470 ha, được đưa vào vận hành từ năm 2021.

Khởi công hàng loạt CCN

Thời gian qua TP.Hà Nội cũng khởi công hàng loạt các CCN tại các huyện cụ thể như tại huyện Đông Anh khởi công 4 CCN: CCN Thiết Bình (xã Vân Hà) có diện tích khoảng 20,98ha, tổng vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng và CCN Liên Hà 2 (xã Liên Hà) có diện tích 21,99ha, tổng vốn đầu tư khoảng 426,776 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - thành viên của Tập đoàn AMACCAO, làm chủ đầu tư. CCN Dục Tú (xã Dục Tú) có diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 336,78 tỷ đồng do Công ty CP Đông Thành Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. CCN Thụy Lâm (xã Thụy Lâm) có diện tích 17ha; tổng vốn đầu tư khoảng 326,243 tỷ đồng; chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thanh Bình.

Cụm công nghiệp xanh là hướng ưu tiên của Hà Nội.

Tại huyện Phúc Thọ, khởi công CCN Tam Hiệp, CCN Liên Hiệp - Giai đoạn 2, tại xã Tam Hiệp. CCN Liên Hiệp - Giai đoạn 2, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương làm Chủ đầu tư, có diện tích khoảng 12ha, tổng mức đầu tư 249 tỷ đồng; CCN Tam Hiệp, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Minh Dương làm Chủ đầu tư, có diện tích 20,99ha, tổng mức đầu tư khoảng 454 tỷ đồng

Tại huyện Chương Mỹ, khởi công CCN Đông Phú Yên nằm trên địa bàn 3 xã của huyện hương Mỹ, với tổng diện tích 41,2 ha, chủ đầu tư là Tập đoàn Phú Mỹ.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội khẳng định: Đầu tư vào KCN và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố nói chung và tại CCN là đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là 10,2%/năm. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc hình thành các CCN đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào CCN, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.

Còn nữa....

Hà Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tpha-noi-uu-tien-phat-trien-khu-cum-cong-nghiep-xanh-bai-4-87454.html