Tổng Giám đốc May 10 kể chuyện 'dở khóc, dở cười' trong hoạt động sản xuất thời giãn cách

ng Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 cho biết: Do đặc thù doanh nghiệp có nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm tại nhiều địa phương, nên trong thời gian qua đã xuất hiện những câu chuyện mà theo ông, 'chẳng biết nên khóc hay nên cười'.

Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành nghề kinh tế trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Chính vì lẽ đó, nhiều Hiệp hội, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên tiếng, kiến nghị Chính phủ và các địa phương có giải pháp đồng bộ, khoa học để tháo gỡ các khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải.

Không cấm doanh nghiệp hoạt động sản xuất nhưng bắt người lao động "ở nhà, ai ở đâu yên đó" (?!)

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 khẳng định: Trong gần 2 năm xuất hiện đại dịch, các ngành nghề sản xuất sử dụng nhiều lao động, như may mặc, giày dép và thủy sản đã vướng phải vô vàn khó khăn. Ngoài các tác động của đại dịch, các doanh nghiệp còn vướng phải những nút thắt liên quan tới công tác quản lý của các địa phương.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP May 10.

Thẳng thắn chia sẻ, ông Việt nói: Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt trên 40 tỷ đô, riêng May 10 đóng góp khoảng 150 triệu đô trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là con số không hề nhỏ trong các ngành nghề.

Bên cạnh đó, hiện May 10 có khoảng 12.000 cán bộ, người lao động tại 7 tỉnh, thành trên cả nước. Do đặc thù doanh nghiệp có nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm tại nhiều địa phương, nên trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều câu chuyện chẳng biết khóc, hay cười.

“Các địa phương hiện nay thực hiện giãn cách xã hội không thống nhất, chúng tôi rất lúng túng trong công tác sản xuất. Ví dụ, tại Hà Nội, dù thực hiện giãn cách, nhưng chúng tôi vẫn được sản xuất theo mô hình 1 cung đường, 2 điểm đến, tạm gọi là ổn. Thế nhưng, tại Quảng Bình, khi có dịch, tỉnh này lập tức cấm hết, bất luận điều gì, các hoạt động sản xuất cũng phải ngừng”, ông Việt nói.

Theo Tổng Giám đốc May 10, cho dù lãnh đạo doanh nghiệp đã trình bày rất nhiều phương án phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất, tạo vùng xanh, tất cả các phương án đều không được chấp nhận.

Ngoài câu chuyện cách thực hiện Chỉ thị 16 thiếu sự thống nhất giữa các địa phương, Tổng Giám đốc Công ty May 10 còn nêu một ví dụ có thật, về sự thiếu đồng bộ giữa các cấp chính quyền.

Ông Việt nói: Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo địa phương khẳng định không hề cấm doanh nghiệp hoạt động sản xuất, thế nhưng khi người lao động đi qua các chốt kiểm dịch, thì xã, thôn, phường lại không cho họ đi, bắt ở nhà, ai ở yên đó. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kiểu gì.

“Tôi đồng tình khi Chính phủ khẳng định sẽ lấy sức khỏe của người dân là yếu tố quan trọng, nhưng nếu lãnh đạo địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một cách máy móc, điều này không chỉ dồn doanh nghiệp vào đường cùng, mà còn khiến hàng nghìn người lao động phải thất nghiệp, gây bất ổn xã hội rất lớn”, ông Thân Đức Việt nói.

Doanh nghiệp chỉ muốn đóng cửa "ngủ đông"

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã xác định lại không thể nào chống dịch tuyệt đối, thay vào đó, các doanh nghiệp, người dân phải xác định sống chung với dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.

Theo ông Thân Đức Việt, khái niệm này rất khó xác định, nhưng ít nhất đã mở ra nút gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất có kim ngạch xuất khẩu lớn.

“Trở lại câu chuyện lãnh đạo địa phương nói không cấm doanh nghiệp sản xuất, nhưng cấm người lao động ra đường, sau chỉ đạo mới của Thủ tướng, đến nay đã được giải quyết. Tôi cho rằng đây là một câu chuyện rất tích cực”, ông Việt chia sẻ.

Thế nhưng, doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều vấn đề liên quan tới việc truyền thông quá mức về dịch bệnh, khiến tư duy quản trị của địa phương, lẫn tâm lý của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Thứ hai, liên quan việc quy trách nhiệm cho các doanh nghiệp để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, theo ông Việt như vậy là bất cập.

Ông Việt lấy ví dụ từ chính May 10, với 12.000 người lao động, phân bố ở nhiều địa phương khác nhau, nên việc kiểm soát dịch bệnh là vô cùng khó khăn.

“Để sống chung với dịch, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền cho người lao động, thậm chí chúng tôi còn vận động người lao động tuyên truyền chống dịch cho người thân và bạn bè. Ngay cả khi chúng tôi cam kết thực hiện các phương án chống dịch, nhưng với 12.000 người lao động, nằm rải rác ở các địa phương, việc kiểm soát rất khó, khả năng lây nhiễm chéo cao”, ông Việt nói.

Theo ông Việt, trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn đóng cửa, nghỉ đông chờ qua dịch rồi tính tiếp, thế nhưng, do đặc thù ngành nghề nhiều khách hàng, đồng thời có hàng nghìn người lao động đang phải vật lộn mưu sinh, nên bắt buộc phải duy trì hoạt động.

“Hiện nay, nhiều đơn vị của chúng tôi đang thực hiện sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, thế nhưng năng suất chỉ bằng 40% - 50% so với bình thường, chi phí thì bị độn lên 4 - 5 lần. Dù vậy, chúng tôi vẫn mong các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, vừa cứu doanh nghiệp lại cứu người lao động”, ông Việt nói thêm.

Sống chung với dịch bắt buộc phải chuyển đổi số

Với ngành nghề kinh doanh đặc thù, ngành may mặc bắt buộc phải có chuyên gia kiểm định từng sản phẩm một, trước khi xuất khẩu và giao tới tay khách hàng. Thế nhưng, do các địa phương hiện đang “ngăn sông, cấm chợ”, nên việc làm này gần như bất khả thi. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số.

“Hiện nay, chúng tôi có bộ phận kiểm định hàng hóa online. Tức là, từng chiếc áo, từng chiếc bộ vest phải chụp lại, gửi hình ảnh cho bộ phận kiểm định online thẩm định trước khi xuất khẩu”, ông Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, việc kiểm định online có rủi ro rất lớn, nếu doanh nghiệp để xảy ra sai sót có thể bị đền hàng triệu USD, thậm chí chục triệu USD cho phía khách hàng.

“Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải chuyển đối số nhanh, đông bộ, tránh rui ro cho doanh nghiệp”, ông Việt chia sẻ thêm.

Dù đã có nhiều phương án sống chung với dịch bệnh, thế nhưng, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, vắc-xin mới là ra chắn tốt nhất để giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất.

Hiện nay, Chính phủ phân phối vắc-xin theo từng nhóm địa phương có nguy nguy cơ lao lây nhiễm, nhưng theo quan điểm của ông Thân Đức Việt, Chính phủ nên chủ động phân phối cho cả những địa phương có nguy cơ lây nhiễm thấp, để chủ động phòng tránh.

“Nếu tiêm phòng tránh trước 1 bước, chắc chắn sẽ ổn định được tình hình sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chứ đừng để bùng phát rồi mới tiêm, như vậy không hiệu quả”, ông Việt chia sẻ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-giam-doc-may-10-ke-chuyen-do-khoc-do-cuoi-trong-hoat-dong-san-xuat-thoi-gian-cach-post155287.html