Tình hình dịch sáng 12/6: Thế giới ghi nhận trên 3,8 triệu ca tử vong

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN

* Dịch COVID-9: Mỹ phải vứt bỏ 60 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 12/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 176.026.374 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.800.087 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 159.929.013 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 14.928 ca nhiễm mới và 406 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 34.305.280 ca và 614.717 ca.

Ấn Độ đứng thứ 2 với tổng số 29.358.033 ca bệnh, trong đó 367.097 ca tử vong sau khi có thêm 84.695 ca nhiễm mới và 4.000 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với tổng số 17.301.220 ca nhiễm, trong đó 484.350 ca tử vong.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 12/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận 35 ca nhiễm mới trong ngày 11/6, tăng từ mức 22 ca của một ngày trước đó. Trong số những ca nhiễm mới, có 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở tỉnh Quảng Đông (Guangdong), miền Nam Trung Quốc. Hiện tổng số ca bệnh tại Trung Quốc đại lục tăng lên 91.394 ca, trong đó 4.636 ca tử vong.

Hàn Quốc ngày 12/6 cũng ghi nhận thêm 565 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 147.422 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 1 người không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 1.982 ca. Tỉ lệ tử vong là 1,34%.

Tại châu Mỹ, số ca tử vong tại Argentina đã vượt quá 84.000 ca sau khi ngày 11/6 ghi nhận thêm 689 ca tử vong do COVID-19. Hiện tổng số người không qua khỏi do dịch bệnh này tăng lên 84.628 ca.

Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 26.934 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.093.090 ca. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cùng ngày cho biết nước này sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội và phòng ngừa dịch bệnh bắt buộc nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan cho đến ngày 25/6 tới.

Bộ trưởng Vizzotti ngày 11/6 cũng đã ký quyết định cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Convidecia ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Cansino Biologics của Trung Quốc nghiên cứu và bào chế trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải gồng mình đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng cao.

Cùng ngày, Argentina cũng đã ký hoàn tất một hợp đồng mua vắc xin của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc và sẽ tiếp nhận thêm trong tháng này 2 triệu liều vắc xin của hãng.

Trong khi đó, đầu tuần tới một chuyến bay chở 943.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Mexico sẽ tới Argentina. Ngoài các loại vắc xin trên, Argentina cũng đã ký hợp đồng mua vắc xin ngừa COVID-19 của các đối tác khác nhau như Sputnik V của Nga và Covishield của Ấn Độ. Argentina cũng tham gia cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối để có thể tiếp cận được với những nguồn vắc xin cần thiết khác.

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 11/6 cho biết chưa phát hiện mối liên hệ nào giữa vắc xin COVID-19 do hãng sản xuất với những trường hợp mắc hội chứng viêm tim hiếm gặp được ghi nhận ở những thanh niên sau khi tiêm vắc xin của hãng. Moderna nhấn mạnh kết luận này được đưa ra sau khi "xem xét kỹ lưỡng dữ liệu an toàn sẵn có đối với vắc xin COVID-19 của hãng đối với những trường hợp mắc chứng viêm cơ tim và/hoặc viêm màng ngoài tim".

Trong một tuyên bố, Moderna nêu rõ "sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những thông tin liên quan và chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý cũng như giới y tế cộng đồng để đánh giá sâu hơn về vấn đề này".

Trong một phát biểu ngày 11/6, ông Ralph Goodale, Cao ủy Canada tại Vương quốc Anh cho biết Canada sẽ đóng góp 100 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp.

Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến sẽ đưa ra thông báo này vào ngày 13/6 khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Cornwall, Vương quốc Anh. Thông báo của Thủ tướng Trudeau sẽ là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo G7 về việc cung cấp tổng cộng ít nhất một tỉ liều vắc xin phòng COVID-19 cho các quốc gia khác.

* Ngày 11/6, tờ The New York Times đưa tin giới chức y tế Mỹ buộc phải vứt bỏ khoảng 60 triệu liều vắc xin loại một mũi tiêm duy nhất của Johnson & Johnson (J&J) do sự cố nhiễm bẩn tại nhà mày sản xuất ra chúng ở Baltimore.

Theo báo trên, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cho biết ngoài ra, còn có 10 triệu liều vắc xin khác của nhà máy này sẽ được phân phối, nhưng cơ quan trên không thể đảm bảo rằng chúng được sản xuất theo đúng quy trình an toàn.

FDA hiện vẫn chưa quyết định có mở cửa trở lại nhà máy hiện do công ty Emergent BioSolutions vận hành này hay không.

Việc phải vứt bỏ 60 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 vào thời điểm này là bước lùi mới nhất đối với Emergent BioSolutions, vốn đã được giám sát chặt chẽ trong nhiều tháng sau khi xảy ra sự cố nhiễm bẩn chéo trong một thành phần của vắc xin AstraZeneca với một thành phần của vắc xin J&J. Những sự chậm trễ sau đó khiến hàng triệu liều vắc xin J&J tại đây đã không thể được chuyển tới các cơ sở tiêm chủng.

Trong khi đó, các bệnh viện, các sở y tế của bang và chính quyền liên bang Mỹ cũng đang phải gấp rút tính xem nên làm gì với hàng triệu liều vắc xin J&J sắp hết hạn trong tháng Sáu này.

Theo tờ The Wall Street Journal cho biết, viễn cảnh số vắc xin này phải tiêu hủy trong khi các nước đang phát triển lại không có vắc xin để tiêm chủng khiến chính quyền của Tổng thống Joe Biden gánh thêm nhiều sức ép phải chia sẻ ngay số vắc xin này cho các nước càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể chuyển cho các nước số vắc xin này một cách nhanh chóng, kịp thời trước khi hết hạn không phải là việc dễ dàng.

Bang Philadelphia hiện có 42.000 liều vắc xin J&J sắp hết hạn, còn các bang như West Virgina, Oklahoma, Ohio và Arkansas cũng đang trữ hàng nghìn liều vắc xin J&J sắp hết hạn. Trong khi đó, một số lượng khá lớn hai loại vắc xin khác của Mỹ là Pfizer/BioNTech và Moderna cũng sắp hết hạn trong vài tháng tới bởi thời hạn của các loại vắc xin là sáu tháng.

Để nhanh chóng giải quyết số vắc xin kể trên, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế tại các bang của Mỹ đã phải đưa ra các hình thức khuyến khích với hy vọng có thêm nhiều người dân sẽ chấp nhận tiêm vắc xin J&J trước khi số vắc xin này hết hạn. Tuy nhiên, những cố gắng này chưa mang lại nhiều hiệu quả bởi tiến trình tiêm chủng tại nước Mỹ đã bắt đầu chậm lại.

Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước Mỹ mới sử dụng hết khoảng hơn một nửa trong tổng số 21,4 triệu liều vắc xin J&J được phép lưu hành nhưng đã dùng hết 83% số vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna được sản xuất.

T.LÊ (tổng hợp từTTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/256765/tinh-hinh-dich-sang-12-6--the-gioi-ghi-nhan-tren-3-8-trieu-ca-tu-vong.html