Tín dụng chính sách 'tăng lực' cho chương trình giảm nghèo

Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sinh kế giúp hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế các vùng nông thôn của tỉnh phát triển.

Gia đình ông Bạch Văn Tẩn (dân tộc Giáy) ở thôn Đá Đinh 2, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) trước đây có kinh tế rất khó khăn. Năm 2017, gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư nuôi cá và lợn sinh sản. Được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng, gia đình ông đã nâng cấp chuồng lợn, gia cố hệ thống ao, mua con giống và thức ăn để chăn nuôi. Nhờ áp dụng kỹ thuật và chăm sóc đúng quy trình, việc chăn nuôi phát triển tốt, gia đình đã trả hết nợ. Năm 2022, ông tiếp tục vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện trong chuồng nuôi của gia đình ông duy trì 6 con lợn nái và gần 50 con lợn thịt, 3 ao nuôi cá, trung bình mỗi năm xuất bán 10 tấn lợn, 20 tấn cá thương phẩm, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Gia đình ông đã có nguồn thu ổn định, trở thành hộ khá trong thôn, xã. Có được cuộc sống ổn định và cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Tẩn luôn thầm cảm ơn nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Đá Đinh 2 cũng có cuộc sống ổn định nhờ nguồn vốn chính sách. Trước đây, mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống của gia đình ông Sơn không dư giả. Muốn mở rộng sản xuất nhưng không có vốn nên đành “lực bất tòng tâm”. Từ khi được Hội Nông dân xã bảo lãnh vay 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình ông đầu tư cải tạo ao, đường ống dẫn nước, mua con giống và thức ăn để nuôi cá theo quy mô hàng hóa. Hiện việc nuôi cá của gia đình phát triển tốt, cho thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm.

Xã Tả Phời hiện có gần 700 hộ đang vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, dư nợ hơn 34 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ trong xã thoát nghèo, đời sống ngày càng nâng cao.

Ở xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên) có nhiều hộ vay vốn để trồng dâu, nuôi tằm. Năm 2022, gia đình ông Trần Xuân Thủy ở thôn Cóc Khiểng vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông dùng vốn vay để mở rộng diện tích trồng dâu, làm nhà tằm, mua né và con giống. Từ đầu năm đến nay, ông Thủy bán được 2 lứa tằm và 1 lứa mới nở. Mỗi lứa ông nuôi 4 vòng giống, thu về hơn 10 triệu đồng, lãi gần 8 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ nghề trồng dâu nuôi tằm, ngày càng nhiều hộ ở xã Việt Tiến đăng ký vay vốn để phát triển nghề.

Theo đánh giá của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Yên, năm 2023 có hơn 1.100 hộ thuộc nhóm nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 87,2%. Từ nguồn vốn vay, người dân đã xây dựng và sửa chữa hơn 1.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; tạo việc làm mới cho hơn 400 lao động... qua đó giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách ổn định cuộc sống...

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 18.500 hộ nghèo vay vốn chính sách ưu đãi với tổng số tiền hơn 206 tỷ đồng; hơn 11.400 hộ cận nghèo vay với tổng số tiền hơn 123 tỷ đồng để phát triển kinh tế; có hơn 15.000 khách hàng vay vốn giải quyết tạo việc làm và duy trì việc làm; hơn 1.200 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở. Quý I/2024, hiệu quả của nguồn vốn được phát huy, góp phần giúp 3.289 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn, trong đó có 617 hộ nghèo, 301 hộ cận nghèo và 160 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế. Tại các huyện, thành phố, thị xã, nguồn vốn chính sách đã và đang “trợ lực” tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời những hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và sử dụng vốn vay nhanh chóng, hiệu quả. Thông qua các phiên giao dịch trực tiếp, cán bộ phòng giao dịch ngân hàng chính sách các huyện, thị xã đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo để họ không ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo… Chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh luôn bảo đảm.

Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần cùng các cấp, ngành, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh là 4,43%, vượt 10,75% kế hoạch (kế hoạch năm 2023 là 4%), trong đó có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn chính sách.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tin-dung-chinh-sach-tang-luc-cho-chuong-trinh-giam-ngheo-post383507.html