Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa sâu sắc những năm tháng Bác Hồ ở Tuyên Quang

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2024), nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt tiểu thuyết mang tên 'Từ Việt Bắc về Hà Nội'. Đây là tập 3 nằm trong bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm' của nhà văn do Nhà xuất bản Văn học cùng Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

“Từ Việt Bắc về Hà Nội”, khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Chiều 2/9/1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian 5 năm đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở địa đầu Tổ quốc “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”. (Bài thơ của “Pác Bó hùng vĩ” của Bác, sau đó được chuyển thành hát Then do Hoa Cương soạn lời).

Bìa cuốn sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội”.

Bìa cuốn sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội”.

Người đọc bị cuốn hút khi đọc các trang viết về việc lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; Người cho ra tờ báo Việt Nam Độc lập; Người chỉ đạo thành lập các đội du kích nhỏ, biên soạn tài liệu “Cách đánh du kích”; Người thiết lập các mối quan hệ khá sớm với đại diện nước Mỹ ở Trung Quốc và sau đó với nhóm “Con Nai” của Mỹ ở Tuyên Quang giữa năm 1945... Những chi tiết ấy từ lịch sử đã đi vào văn chương, tạo cho nhiều trang viết mới mẻ, hấp dẫn.

Người đọc có thêm những bất ngờ thú vị khi biết thêm về những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; những chuyến qua lại biên giới Việt - Trung của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc...

Dưới đây là một trích đoạn Bác từ Pác Bó về Tân Trào:

“Ngày 21 tháng 5, mười bảy ngày kể từ khi rời Pác Bó, đoàn về đến Kim Lũng.

Mọi người đang chờ sẵn, thấy đoàn về thì chạy ào ra đón. Có Chu Văn Tấn, Song Hào và nhiều anh chị em khác.

Kim Lũng là một vùng căn cứ có vị trí chiến lược, khá gần tuyến đường nối biên giới Trung Quốc với đồng bằng, tuy nhiên do nằm giữa những dãy núi hiểm trở nên nó lại cách khá xa các trục giao thông, đảm bảo an toàn và bí mật. Đồng thời, bà con vùng Kim Lũng đều một lòng theo cách mạng.

Hồ Chí Minh đề nghị đổi tên Kim Lũng thành Tân Trào - có nghĩa là trào lưu mới. Cả anh em cán bộ, chiến sĩ lẫn bà con địa phương đều rất phấn chấn với tên gọi rất hay và ý nghĩa này.

Sau vài ngày ở tạm tại nhà một cán bộ người địa phương, Hồ Chí Minh cũng lại chọn một nơi ở trên rừng Nà Nưa để ở. Nà Nưa nghĩa là ruộng cao, có lẽ nhiều chục, nhiều trăm năm trước, đây là đám ruộng bên sườn núi, giờ là một cánh rừng. Một ngôi lán nhỏ được dựng lên ở lưng chừng núi. Để đi lên đó phải qua một con suối, leo dốc dưới tán những cây phách cổ thụ xanh um, cao vút. Ngôi lán nhỏ tựa như lán Khuổi Nậm, dựng bằng tre nứa, mái lợp lá cọ. Cầu thang lên sàn cũng bằng tre già. Cách đó một đoạn là lán của anh em bảo vệ, tổ điện đài, phục vụ.

Ổn định chỗ ăn ở, làm việc, Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ vào đầu tháng 6 năm 1945.

Khu Giải phóng Việt Bắc chính thức được thành lập gồm hai căn cứ lớn nằm trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng của các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái… Trong Khu giải phóng, các ủy ban nhân dân do dân cử được hình thành.

Khu Giải phóng này hiện có khoảng 2 triệu người với nhiều dân tộc khác nhau, đó thực sự là hình ảnh một nước Việt Nam mới. Cùng với Việt Bắc, hàng loạt các chiến khu trong cả nước đang háo hức chờ đợi ngày Trung ương đưa ra quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền” - Trích tiểu thuyết.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sẽ có 5 tập, đã ra mắt bạn đọc 3 tập, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 5 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại Người.

Tập 1 có tên “Nợ nước non” (2022), khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã lớn lên cùng lời ru đau đáu của bà, của mẹ đến ngày 5/6/1911, rời thương cảng Sài Gòn vượt trùng khơi tìm đường cứu nước.

Tập 2 có tên gọi “Lênh đênh bốn biển” (2023) khắc họa hình tượng Nguyễn Tất Thành, trong tên mới Nguyễn Văn Ba, xuống con tàu biển mang tên Đô đốc Latouche Tresville sang phương Tây, với khao khát: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Đi trọn 30 năm từ Đông sang Tây, từ Tây về Đông qua Pháp, Anh, Mỹ, châu Phi, châu Úc, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…để có sự kiện ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc, Người đại diện cho Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước thành một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng... do chính Người soạn thảo, đưa cách mạng Việt Nam bước vào trang sử mới. Ngày 23/1/1941, Người có chuyến trở về Tổ quốc như một mốc son chói lọi.

Nếu tập 4 và tập 5 của “Nước non vạn dặm” được hoàn thành đúng như dự kiến của tác giả (tập 4 sẽ ra mắt trước ngày 2/9/2024 và tập 5 ra mắt trước ngày 19/5/2025), thì đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh.

Thanh Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tieu-thuyet-cua-nha-van-nguyen-the-ky-khac-hoa-sau-sac-nhung-nam-thang-bac-ho-o-tuyen-quang-192244.html