Tiền Giang: Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường, phát triển các loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả mọi người.NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG

Trường Mầm non Thiên Thần Nhỏ (huyện Chợ Gạo) đưa vào sử dụng từ tháng 6-2023.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 19 trường mầm non ngoài công lập, 120 cơ sở giáo dục độc lập, tư thục; 1 trường tiểu học dân lập và 1 trường THPT tư thục. Qua thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2023, toàn tỉnh có tổng cộng 9 dự án đã thực hiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 157 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, năm học 2020 - 2021, Tiền Giang có 10 dự án trường học đang kêu gọi đầu tư gồm 3 dự án ở huyện Cái Bè; 4 dự án ở huyện Gò Công Tây và TX. Cai Lậy; 2 dự án ở huyện Cai Lậy và Châu Thành. Trong đó, có 3 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm gồm: Dự án Trường Mầm non Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), tổng mức đầu tư 15,8 tỷ đồng; Dự án Trường Mầm non trung tâm TX. Cai Lậy, tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng; Dự án Trường Mầm non Tân Hương tại Khu tái định cư xã Tân Hương (huyện Châu Thành) với quy mô 1 trệt, 3 lầu, diện tích đất đầu tư 6.820 m2.

Cũng trong năm 2023, Sở GD-ĐT đã đăng ký 2 dự án kêu gọi đầu tư tại khu đất số 5, đường Hùng Vương, phường 1 và khu đất đường Nguyễn Công Bình, xã Trung An, đều thuộc TP. Mỹ Tho để xây dựng và thành lập trường tư thực chất lượng cao có nhiều cấp học.

Song song đó, bên cạnh các giải pháp kêu gọi XHH đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan có các giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ kinh phí trên 3,7 tỷ đồng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ cho 30 cơ sở giáo dục ngoài công lập có nhu cầu vay vốn, chiếm tỷ lệ 25%, số tiền đăng ký vay là 2,6 tỷ đồng.

GỠ KHÓ, KÊU GỌI ĐẦU TƯ

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, từ năm 2011 đến nay, Tiền Giang đã phát triển thêm 10 trường mầm non tư thục và 115 cơ sở độc lập tư thục. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được hình thành và phát triển theo chủ trương đa dạng hóa các loại hình trường, lớp nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Mạng lưới trường, lớp và nhóm trẻ gia đình được phát triển ở diện rộng không còn tập trung ở vùng thị trấn, thị xã mà còn lan tỏa đến vùng nông thôn, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XHH giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay cũng gặp không ít khó khăn nhất định. Do đặc thù của tỉnh, hệ thống trường, lớp ngoài công lập phát triển chưa nhiều, còn hạn chế so với trường công lập và chủ yếu là những nhóm, lớp lẻ quy mô nhỏ.

Một số nhóm trẻ giấy phép hoạt động đã lâu đến nay không còn phù hợp về quy mô nhưng chưa xin cấp phép lại. Đề án XHH lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại một số địa phương do cơ chế tự chủ không khả thi nên chưa thực hiện được; có dự án không có quỹ đất để giao theo yêu cầu của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư còn hạn chế trong việc nắm bắt thông tin về các chính sách liên quan đến lĩnh vực XHH. Sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng phục vụ cho các dự án kêu gọi đầu tư không theo kịp yêu cầu phát triển, đầu tư; cơ chế thực hiện chưa được cụ thể hóa… ít nhiều ảnh hưởng đến công tác XHH…

Thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục cùng với các địa phương tranh thủ từ các nguồn vốn, ngân sách và đẩy mạnh công tác XHH giáo dục ngày càng thu được hiệu quả cao trong việc xây dựng, chỉnh trang cơ sở vật chất trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, học sinh các nhà trường giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đồng thời, ngành kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách để hỗ trợ các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục độc lập (hỗ trợ cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự quản lý, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của chủ cơ sở, giáo viên,...); nâng cao chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục độc lập trên địa bàn.

Cùng với đó là thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục độc lập tại khu vực có khu công nghiệp theo Nghị định 105 của Chính phủ, Nghị quyết 106 của HĐND tỉnh; có chính sách hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục độc lập tại khu vực đông dân; chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành tại các địa phương trong việc quản lý, giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục độc lập theo quy định…

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202310/tien-giang-hieu-qua-tu-cong-tac-xa-hoi-hoa-giao-duc-992089/