Thực thi pháp luật để giảm thiểu biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt. Hành vi của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi cá nhân; tính nhất quán giữa quy định pháp luật với hành động của từng chủ thể liên quan đến BĐKH là vấn đề mang tính cấp thiết.

Ảnh: HÀ PHÚC

Ảnh: HÀ PHÚC

Luật Đa dang sinh học, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đều quy định nội dung thích ứng BĐKH. Song, pháp luật chỉ quy định chuẩn mực để thích ứng.

Có thể hiểu, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào hệ quả BĐKH cần giải quyết. Trong khi đó, hành vi phòng, chống cần thực hiện trước tiên. Vì thế, phải có hành lang pháp lý thông qua chế tài áp dụng đối với từng vi phạm cụ thể. Từ đó, sẽ góp phần giảm thiểu tác động môi trường bởi BĐKH.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không có điều luật nào quy định tội phạm cụ thể về môi trường là tội đặc biệt nghiêm trọng. Dù rằng trên thực tế, tác động của tội phạm này ảnh hưởng lớn đến môi trường về hậu quả. Phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng đối với loại tội phạm này.

Chủ thể vi phạm là pháp nhân thương mại có thể phải chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc trưng của doanh nghiệp thường mang tính dây chuyền trong giao kết hợp đồng giữa các bên. Khả năng tranh chấp phát sinh khi doanh nghiệp bị đình chỉ kinh doanh do chấp hành hình phạt bổ sung của pháp nhân thương mại cũng là vướng mắc cần được giải quyết ở khâu vận hành nền kinh tế.

Hiện nay, với diễn biến bất thường của thời tiết từ các đợt nắng nóng, bão, giông lốc và lũ lụt, sự gián đoạn của hệ thống thực phẩm, sự gia tăng bệnh lây truyền từ động vật sang người và thực phẩm đã tác động đến sinh kế, sự bình đẳng và khả năng tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội.

BĐKH không chỉ gây tổn hại đến môi trường, mà còn làm suy yếu hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, làm cạn kiệt dòng sông, giảm thu hoạch, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng; cộng đồng phải di dời. Đa dạng sinh học thay đổi cấu trúc hệ sinh thái, tính thiếu bền vững của môi trường, xã hội và kinh tế.

Biện pháp giảm thiểu BĐKH cần được thực hiện trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế. Trên phương diện thực tế, con người đang tự mâu thuẫn khi muốn hành động vì môi trường và có trách nhiệm với xã hội, nhưng lại không muốn cắt giảm mức tiêu thụ điện về công nghệ, giải trí. BĐKH là quá trình vật lý - địa lý tập trung vào hành động riêng tư của cá nhân, đòi hỏi sự hiểu biết về yếu tố sinh thái, đạo đức, xã hội, kinh tế và chính trị.

Người tiêu dùng luôn kỳ vọng công ty cải thiện quy trình sản xuất, nhưng doanh nghiệp lại cho rằng người tiêu dùng có lỗi vì muốn giá sản phẩm thấp. Như vậy, việc giải quyết BĐKH một cách hiệu quả sẽ phụ thuộc vào hành động được thực hiện bởi chủ thể có trách nhiệm làm giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc thiết lập hành động của cá nhân và tổ chức còn tách rời giữa mục tiêu chuẩn mực với hành vi thực tế. Vì vậy, các chủ thể phải có trách nhiệm về hậu quả do hành động của mình, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghĩa vụ mang tính quy phạm và hiện thực hóa pháp luật bằng hành vi của con người.

Nhìn chung, giải quyết khủng hoảng khí hậu đòi hỏi phải có hành động triệt để, khẩn cấp ở mỗi cá nhân. Hành vi phải bắt đầu từ vị trí hiện tại của mình - thay đổi bản thân bằng việc tắt bớt bóng đèn khi không cần thiết sử dụng hoặc thừa ánh sáng. Các cuộc họp cơ quan cần được mở toang cửa sổ, thay cho việc đóng kín cửa phòng, máy lạnh bật hết công suất giữa tiết trời khắc nghiệt.

Từ đó, mỗi cá nhân sẽ thấu cảm trách nhiệm của chính mình cần phải làm gì để góp phần giảm thiểu BĐKH. Đó là tiêu chí quan trọng định hướng sự thay đổi các cấp độ xã hội ở quy mô rộng hơn. Giải pháp này mang lại hiệu quả tối ưu của tiến trình thực thi pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

DIỄM QUỲNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thuc-thi-phap-luat-de-giam-thieu-bien-doi-khi-hau-a395298.html