Thư về tòa soạn: Khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính

Thi hành án hành chính (THAHC) là giai đoạn xuất hiện sau khi bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

THAHC có ý nghĩa quan trọng, bản án, quyết định của tòa án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, THAHC còn có tác dụng quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, năng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, tạo niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tại tỉnh Kon Tum đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác THAHC trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau: Một số bản án, quyết định của tòa án tuyên hủy một phần diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, hiện nay quy định của pháp luật về đất đai không có quy định, hướng dẫn việc hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng quy định, nhưng người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền theo quy định thì Nhà nước không thu hồi. Tuy nhiên, tại các bản án, tòa án vẫn tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được chuyển quyền cho chủ thể mới và đã được giải quyết theo quy định là chưa phù hợp, dẫn đến phát sinh khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận chuyển quyền vì không liên quan đến sự việc; việc sở tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND cấp huyện đã cấp lần đầu, không làm thay đổi hình thể, diện tích, vị trí thửa đất và được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi phát sinh khiếu kiện có liên quan đến việc tranh chấp đất đai thì sở tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai được xác định là người bị kiện và phải chịu trách nhiệm nộp các khoản án phí và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là không phù hợp...

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, trong thời gian tới, cơ quan liên quan cần thường xuyên hướng dẫn công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cấp, các ngành trong công tác THAHC như phối hợp chuyển giao kịp thời, đầy đủ bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính để theo dõi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác THAHC định kỳ, đột xuất theo yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong công tác THAHC.

Luật sư ĐỖ VĂN NHÂN (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-ve-toa-soan-kho-khan-vuong-mac-trong-cong-tac-thi-hanh-an-hanh-chinh-775423