Thiết kế và sử dụng bảo tàng số hóa trong dạy và học Giáo dục địa phương - Dự án có tính ứng dụng cao

Nhằm hỗ trợ, đổi mới phương pháp dạy và học môn Giáo dục địa phương cho học sinh và các trường THPT trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhóm học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã nghiên cứu dự án 'Thiết kế và sử dụng bảo tàng số hóa trong dạy và học Giáo dục địa phương ở trường THPT tỉnh Lạng Sơn'.

Giáo dục địa phương là môn học mới được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương.

Với mong muốn giúp giáo viên và học sinh có nguồn tư liệu trên nền tảng số, nhóm học sinh gồm Nông Quế Hằng và Nguyễn Trường Giang lớp 11A1, Trường THPT chuyên Chu Văn An đã nghiên cứu và thực hiện dự án “Thiết kế và sử dụng bảo tàng số hóa trong dạy và học Giáo dục địa phương ở trường THPT tỉnh Lạng Sơn”. Dự án được cô Nguyễn Thị Hoài Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Chu Văn An hướng dẫn.

Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng thực hiện dự án, em Nông Quế Hằng cho biết: Theo tìm hiểu chúng em được biết, sử dụng tư liệu từ bảo tàng trong dạy và học đã được thực hiện ở nước ngoài và Việt Nam trong nhiều năm qua. Việc sử dụng bảo tàng số hóa sẽ giúp các trường học có thêm một phương tiện dạy học tiên tiến cho học sinh. Bảo tàng số hóa trong dạy học Giáo dục địa phương ở trường THPT là tập hợp, quản lý, trưng bày và xử lí tất cả các khía cạnh của di tích văn hóa của bảo tàng ở dạng kỹ thuật số và có thể cung cấp cho người dùng nghiên cứu thông qua internet. Qua đó, góp phần khắc phục những cản trở về vị trí địa lí cũng như kinh phí di chuyển đến bảo tàng thật.

Dự án được nhóm nghiên cứu dựa trên nội dung kiến thức lĩnh vực văn hóa, lịch sử (Giáo dục địa phương lớp 11); lĩnh vực địa lý, kinh tế, hướng nghiệp (Giáo dục địa phương lớp 10, 11); lĩnh vực chính trị - xã hội, môi trường (Giáo dục địa phương lớp 10, 11). Sau khi xác định được mục tiêu bài học, các em đã chọn tư liệu, hiện vật được số hóa gồm: ảnh kèm mô tả thông tin chi tiết hiện vật; video giới thiệu về hiện vật; ghi âm thuyết trình về hiện vật; trò chơi tìm hiểu hiện vật; diễn đàn thảo luận tìm hiểu hiện vật; câu hỏi trắc nghiệm, các câu hỏi mở, bài tập thực hành… Sau cùng số hóa các tư liệu, hiện vật bằng một số phần mềm chuyên dụng.

Cô Nguyễn Thị Hoài Hạnh, giáo viên hướng dẫn cho biết: Dự án được chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm từ tháng 8/2023. Khi thực hiện dự án, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm tư liệu đã được thẩm định bởi Giáo dục địa phương là bộ môn mới đưa vào giảng dạy từ năm học 2022 - 2023, hệ thống tư liệu phục vụ cho môn học còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự say mê, nhiệt huyết chịu khó tìm tòi, học hỏi các em đã xây dựng thành công bảo tàng số hóa trong dạy và học môn Giáo dục địa phương.

Bảo tàng số hóa trong dạy học Giáo dục địa phương ở trường THPT là tập hợp, quản lý, trưng bày và xử lí tất cả các khía cạnh của di tích văn hóa của bảo tàng ở dạng kỹ thuật số và có thể cung cấp cho người dùng nghiên cứu thông qua internet. Qua đó, góp phần khắc phục những cản trở về vị trí địa lí cũng như kinh phí di chuyển đến bảo tàng thật.

Dự án được nhóm tác giả công khai trên các trang mạng xã hội để tất cả người dùng có thể sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực như: đảm bảo mục tiêu bài học; phù hợp với năng lực, triển khai bài giảng của giáo viên; phù hợp với điều kiện vật chất…

Em Nguyễn Trần Hoàng Anh lớp 11A1, Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Em cảm thấy môn Giáo dục địa phương thú vị hơn từ khi sử dụng bảo tàng số hóa trong môn học. Em có thể sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính để truy cập bảo tàng, bấm chọn lật mở quan sát nhiều hình ảnh, đọc thông tin mô tả hiện vật…

Nhận xét về dự án, cô Lê Thị Mạnh Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Dự án đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Giáo dục địa phương. Dự án hiện vẫn đang trong quá trình tiếp tục cập nhật, hoàn thiện ứng dụng để quảng bá rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

“Thiết kế và sử dụng bảo tàng số hóa trong dạy và học Giáo dục địa phương ở trường THPT tỉnh Lạng Sơn” là dự án có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023 – 2024, dự án đã được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao và giành giải nhất.

THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thiet-ke-va-su-dung-bao-tang-so-hoa-trong-day-va-hoc-giao-duc-dia-phuong-du-an-co-tinh-ung-dung-cao-5003261.html