Thiêng liêng đất Tổ - Đền Hùng

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh có độ cao 175 m, giữa đất Phong Châu, từ 40.000 năm trước, nay là thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Di tích Lịch sử đền Hùng là nơi thờ các vị vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta, nằm trên diện tích hơn 1.000 ha.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh Báo Phú Thọ.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh Báo Phú Thọ.

Trong các truyền thuyết của người Việt có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến thời đại của các Vua Hùng được truyền lại trong dân gian đến ngày nay. Chuyện Hùng Vương kén rể và thiên tình sử mối tình tay ba Sơn Tinh - Thủy Tinh với nàng Mỵ Nương công chúa; chuyện công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử; sự tích bánh chưng, bánh dày gắn với tích Hùng vương chọn người truyền ngôi báu; tích rước chúa gái về nhà chồng... hay những tên làng quê cổ: Minh Nông nơi có ngày hội xuống đồng diễn lại tích Hùng Vương dạy dân cấy lúa; Thậm Thình tiếng chày giã gạo, dấu tích của đền đài cung phủ, các tên gọi lầu Thượng, lầu Hạ, An Thái, Phượng Lâu, Cẩm Đội gắn với các sự tích Hùng Vương.

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức coi trọng đầu tư cho các công trình nghiên cứu khảo cổ học để tìm ra những bằng chứng đích thực của buổi bình minh dựng nước. Qua những công trình nghiên cứu khoa học đó và quá trình khai quật khảo cổ đã tìm thấy hàng ngàn di chỉ dấu tích của một nền văn minh xung quanh Đền Hùng, nhiều hiện vật được trưng bày tại nhà bảo tàng Hùng Vương đủ để khẳng định Đền Hùng - Phú Thọ là đất phát tích - cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh có độ cao 175 m, giữa đất Phong Châu, từ 40.000 năm trước, nay là thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đến nay Di tích Lịch sử đền Hùng là nơi thờ các vị vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam ta, nằm trên diện tích hơn 1.000 ha.

Toàn bộ khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 7km, và cách Hà Nội 90km. Từ thủ đô du khách có thể đến đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 và mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển để về đến Phú Thọ.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng có các Lăng tẩm, đền chùa ở 3 khu vực do nhân dân của 3 làng cổ: Làng Cả, làng Vi và làng Triệu Phú (làng Trẹo) xây dựng. Trong đó đền Trung còn gọi là “Hùng Vương Tổ miếu” được làm đầu tiên. Đây là nơi các vua Hùng cùng Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước, là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày và được lên ngôi kế vị...

Làng Cả xây dựng Đền Thượng tại nơi mà các Vua Hùng lập Đàn tế trời đất cầu mưa thuận gió hòa mang lại ấm no cho muôn dân. Kề bên Đền Thượng dân làng Cả còn lập miếu thờ Tổ Hùng Vương thứ 6 (còn gọi là lăng mộ Tổ).

Làng Vi xây dựng đền Hạ và chùa “Thiên Quang thiền tự”, phía trước dựng gác chuông. Đền Hạ thờ Mẫu Âu Cơ (mẹ Tiên) nơi tục truyền mẹ Âu Cơ sinh ra 1 bọc có trăm trứng, nở ra 100 người con. Dân tộc Việt có dòng dõi Tiên Rồng là từ huyền thoại này. Dưới chân núi Hùng có giếng Ngọc là nơi hai nàng công chúa là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương chải tóc đã được dân xóm Phân Trà xây dựng đền Giếng để thờ 2 nàng.

Đại biểu Báo Đảng các địa phương dâng hương tại Đền Hùng.

Đại biểu Báo Đảng các địa phương dâng hương tại Đền Hùng.

Mỗi một địa danh trên đất Phú Thọ đặc biệt là dải đất từ Việt Trì đến Đền Hùng đều có tên gọi gắn với một tích cổ thời Hùng Vương. Tích Vua Hùng chọn đất đóng đô ở Bạch Hạc nơi hội tụ của 3 con sông cửa ngõ giao lưu đường thủy. Hằng năm, vào mùa xuân trên bến sông này có ngày hội bơi chải diễn lại tích “Thổ lệnh Thạch Khanh” từ thời nhà Hùng. Ở Minh Nông diễn tích Vua Hùng dạy dân cấy lúa, đất Dữu Lâu có vườn trầu của nhà Vua; Hương Trầm nơi có cánh đồng mà Hoàng tử Lang Liêu trồng thứ lúa thơm làm bánh chưng, bánh dày; làng Quýt, Mộ Xy, Lâu Thượng, Tiên Cát, Cẩm Đội (Thụy Vân)...

Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có một khu di tích chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về cội nguồn dân tộc thiêng liêng như Đền Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên bền vững và sống mãi trong tâm thức của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt truyền từ đời này sang đời khác đã làm nên sức mạnh phi thường, truyền thống của cả dân tộc Việt trên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và đấu tranh bảo vệ đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm vào ngày 10/3 Âm lịch là khát vọng tâm linh của mỗi người Việt Nam hướng về nguồn cội, nó thúc giục hàng triệu triệu con tim, khối óc khắp các vùng miền trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài tìm về. Đền Hùng trở thành điểm hội tụ cho ý chí đoàn kết cộng đồng của dân tộc Việt, là “hiện tượng lịch sử độc nhất vô nhị” trên thế giới. Thông qua các hoạt động ngày hội mở, khách thập phương như được đắm mình trong những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang bản sắc đặc trưng riêng biệt.

Với ý nghĩa đặc biệt đó, năm 2009, Đền Hùng được công nhận di tích quốc gia đặc biệt… Từ đỉnh núi Hùng - Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước, theo dòng chảy thời gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác.

Ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, cùng với Phú Thọ, các địa phương có điểm thờ Hùng Vương đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng một cách trang trọng, thành kính, thể hiện sự tri ân, công đức Tổ tiên của các thế hệ con cháu với công lao dựng nước của các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt để “cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước”, con Lạc cháu Hồng chung vai góp sức gìn giữ, phát triển giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân.

P.V (T/h)

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thieng-lieng-dat-to-den-hung-3168649.html