Thiên tình sử với vua Bảo Đại của Nam Phương Hoàng hậu tài sắc

Lần đầu tiên, cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu sẽ được tái hiện đầy đủ, đặc biệt là quãng thời gian hơn 10 năm sống trong Cấm thành và cuộc sống hôn nhân của bà trong bộ phim 'Hoàng hậu cuối cùng' do 2 đạo diễn Bảo Nhân và Namcito thực hiện.

Poster phim “Hoàng hậu cuối cùng”.

“Thiên tình sử" Nam Phương Hoàng hậu và Hoàng đế Bảo Đại từ lâu đã là một giai thoại truyền kỳ. Không chỉ là vị Vua và Hoàng hậu cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam mà đây còn là cuộc "đại hôn phối" với nhiều tiền lệ chưa từng có giữa một tiểu thư "lá ngọc cành vàng" Tây học và vị Hoàng đế trẻ tuổi của xứ An Nam.

Là người phụ nữ nổi bật với vẻ đẹp thuần Việt, Nam Phương Hoàng hậu tỏa sáng với khí chất và trí tuệ. Bà luôn nhận được nhiều sự kính trọng, mến mộ của người dân Việt Nam và thế giới, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật.

Kịch bản phim “Hoàng hậu cuối cùng” được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Tình sử Nam Phương Hoàng hậu" của nhà văn Trần Thị Hảo và tác phẩm "Nam Phương hoàng hậu" của tác giả Lê Lan Khanh. Bộ phim không chú trọng vào tính "cung đấu" mà thông qua hình ảnh của Nam Phương Hoàng hậu hay Đức Thái hậu Từ Cung để thể hiện và tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Đó là thông minh, tài giỏi, dịu dàng nhưng mạnh mẽ, luôn bình tĩnh đương đầu với khó khăn, cũng như có một tình yêu lớn với quê hương đất nước.

"Hoàng hậu cuối cùng" tập trung kể về quãng thời gian hơn 10 năm sống trong Cấm thành của Nam Phương Hoàng hậu với cuộc sống hôn nhân trải qua đủ cung bậc, từ hạnh phúc đến buồn đau cùng Hoàng đế Bảo Đại cho đến ngày cả Hoàng gia rời khỏi Đại Nội. Dù trong hoàn cảnh nào, Nam Phương Hoàng hậu vẫn luôn tỏa sáng với sự tri thức, đức hạnh, tài giỏi và khéo léo để tồn tại trước mọi sóng gió của thời cuộc.

Bên cạnh đó, bộ phim khắc họa hình ảnh Đức Thái hậu Từ Cung, hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống với tình yêu và sự hy sinh cho gia đình cũng như sự quyết liệt bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của Hoàng tộc nói riêng và của dân tộc nói chung.

Bối cảnh phim chủ yếu tại quần thể di tích Huế. Đặc biệt, Điện Kiến Trung - nơi ăn ở, làm việc của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương cùng các Hoàng tử, Công chúa sẽ được chọn làm bối cảnh chính của bộ phim. Đặc biệt, đoàn làm phim nhận được sự hỗ trợ lớn từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nam Phương hoàng hậu lúc sinh thời.

Mới đây, UBND tỉnh đã lập ban hỗ trợ đoàn phim do bà Phan Thị Thúy Vân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế phụ trách, nhằm phối hợp giải quyết và giúp quá trình sản xuất được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả khi tác nghiệp tại các điểm di tích cũng như các cảnh quan khác tại Huế.

Đạo diễn Bảo Nhân cho biết, "Hoàng Hậu cuối cùng" dự kiến khởi quay năm 2025 tại Huế, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, TPHCM và vùng Chabrignac - Pháp, nơi Hoàng hậu Nam Phương đã sống những giây phút cuối cùng của một cuộc đời nhiều bước ngoặt. Vườn hồng của lâu đài Domain de la Perche vẫn luôn nở hoa cho vị Hoàng hậu cuối cùng của nước Đại Nam.

Là người con xứ Huế, Bảo Nhân rất tự hào khi tham gia vào bộ phim này, bản thân anh luôn hướng về quê hương với nhiều dự án chọn Huế làm bối cảnh, trong đó có 2 phần phim “Gái già lắm chiêu” đã thành công cả về mặt doanh thu lẫn các giải thưởng điện ảnh uy tín.

Vũ Hà

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/thien-tinh-su-voi-vua-bao-dai-cua-nam-phuong-hoang-hau-tai-sac-20240512113751149.htm