Thiên tài Trung Quốc đạt IQ 146 khi mới 8 tuổi bây giờ ra sao

Cậu bé Cao Ung Hàm đạt IQ 146 khi mới 8 tuổi, em khiến gia đình lúng túng vì không biết nên nuôi dạy thế nào để không ảnh hưởng đến trí tuệ và cuộc sống của em.

Cao Ung Hàm đạt 146 điểm trong bài kiểm tra IQ. Ảnh: Sohu.

Cha mẹ thường mong có được một đứa con thông minh, IQ cao. Nhưng bạn sẽ dạy con như thế nào nếu con bạn có chỉ số IQ lọt top 2% cao nhất thế giới?

Một cặp vợ chồng ở Tây An (Trung Quốc) phải đối mặt với thách thức này khi phát hiện đứa con trai mới 8 tuổi đã có IQ 146, chỉ thấp hơn một chút so với IQ của thiên tài vật lý Albert Einstein - người có IQ khoảng 160.

Thông minh vượt trội

Đứa trẻ trong câu chuyện trên là Cao Ung Hàm (sinh năm 2007). Em khiến dư luận Trung Quốc bất ngờ vì sở hữu IQ 146 khi mới 8 tuổi, nhưng ít ai biết rằng khi mới lên 2, cậu bé từng khiến gia đình mất ăn mất ngủ vì không chịu nói, dù bạn bè cùng trang lứa đã có thể nói trôi chảy, theo China Daily.

Tuy nhiên, một ngày nọ, Ung Hàm khiến gia đình bất ngờ khi có thể đếm số từ 1-10. Cụ thể, khi được bà nội bế lên lầu, bà nội đang đếm một, hai, ba để lấy nhịp bước lên cầu thang, Ung Hàm đột nhiên tiếp lời bà và đếm các số tiếp theo.

Lên mẫu giáo, cậu bé tiếp tục bộc lộ năng khiếu với môn Toán và Đọc. Khi bạn bè ngủ trưa, em lại chăm chú ngồi đọc sách và không hứng thú với những bài học ở lớp mẫu giáo.

Thấy con mình khác thường, bố mẹ Ung Hàm quyết định cho em học ở nhà và học thêm những kiến thức cao hơn so với trẻ mẫu giáo. Điều bất ngờ là cậu bé cũng có thể chơi sudoku và rubik rất thành thạo.

Ngoài việc thuộc bảng cửu chương khi mới 3 tuổi, Ung Hàm cũng nắm vững những kiến thức khác của môn Toán dù chưa được dạy đến. Thậm chí, cậu bé có thể "đánh bại" các học sinh lớp 6 khi giải đề thi Olympic Toán.

Ung Hàm thích làm toán, đọc thơ cổ, chơi rubik và giải sudoku. Ảnh: Sohu.

Sau đó, cậu bé 8 tuổi được làm bài kiểm tra trí tuệ Wechsler - bài kiểm tra trí thông minh được quốc tế công nhận. Kết quả, em đạt 146 điểm và lọt top 2% người thông minh nhất thế giới.

Giáo viên dạy Toán của Ung Hàm nói em là học sinh thông minh nhất mà ông từng gặp trong 20 năm dạy học. Cậu bé có khả năng tìm ra những phương pháp giải toán độc đáo, thậm chí vượt quá khả năng hiểu biết của nhiều người lớn.

Không ép con học

Ngoài những kiến thức trên lớp, Ung Hàm 8 tuổi năm đó được phép học thêm kiến thức Toán, Vật lý và Hóa học của học sinh THCS - những môn mà em yêu thích. Tuy nhiên, em chỉ được học tại nhà 3 buổi mỗi tuần, không học nhiều hơn.

Do có trí thông minh vượt trội, bố mẹ của Ung Hàm rất đau đầu vì không biết nên dạy con như thế nào cho phù hợp.

Mẹ của em nói rằng việc học của con chính là mối quan tâm lớn nhất của cả gia đình vì mọi người không muốn con trai phải đánh đổi tuổi thơ chỉ để trở thành thiên tài, nhưng cũng không muốn kìm hãm khả năng phát triển của con.

Do đó, thay vì ép con học, mẹ của Ung Hàm hướng đến việc dạy con những điều phù hợp với năng khiếu và sở thích của con.

Ví dụ, khi phát hiện con rất nhạy cảm với các con số, người mẹ cố tình cho con ghi nhớ những chi tiết về các con số như đếm bậc cầu thang, xếp bát đũa...

Tiếp đó, mẹ của Ung Hàm cũng cho em rèn luyện trí nhớ và phát triển tư duy logic thông qua việc đọc các bài thơ cổ, giải sudoku... Dù con có năng khiếu trong học tập, gia đình Ung Hàm vẫn không ép em phải học càng nhiều càng tốt mà chỉ cho con học vừa phải, tránh để bị quá tải.

Hiện, Ung Hàm đã đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành và vẫn duy trì ước mơ trở thành một nhà toán học.

Dù con trai đã lớn, bố mẹ em đôi khi vẫn lúng túng trong việc dạy con. Một mặt, họ lo lắng việc cho con học từng bước sẽ làm mai một tài năng toán học của con, một mặt, họ lo rằng việc đẩy nhanh tốc độ học và sẽ khiến con quá tải, từ đó ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và các kỹ năng xã hội của con.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thien-tai-trung-quoc-dat-iq-146-khi-moi-8-tuoi-bay-gio-ra-sao-post1474700.html