Thị xã Sơn Tây: Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thị ủy Sơn Tây xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thị xã nói riêng và Thủ đô nói chung.

Chiều 26/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn, đã triển khai giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 06) và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết 09) tại Thị ủy Sơn Tây.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; đại diện các Ban Đảng Thành ủy, sở, ngành Thành phố và thị xã Sơn Tây.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, triển khai Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, Thị ủy đã ban hành 24 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Sơn Tây có nhân cách tốt, lối sống đẹp, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, văn minh.

Trong đó xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thị xã nói riêng và Thủ đô nói chung.

Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó đã tạo được chuyển biến quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần từng bước đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về vị trí, vai trò xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và công nghiệp văn hóa.

Xác định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, Thị ủy đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa.

Năm 2022, thị xã có 96% gia đình văn hóa; 60/62 tổ dân phố văn hóa bằng 96,8%, 56/56 thôn văn hóa bằng 100%, 125 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 118/118 thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước (đạt 100%); 1 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 1 phường đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Các đồng chí trong Đoàn giám sát trao đổi làm rõ thêm nội dung giám sát

Các đồng chí trong Đoàn giám sát trao đổi làm rõ thêm nội dung giám sát

Công tác quy hoạch, tu bổ tôn tạo di tích được quan tâm. Thị xã tích cực triển khai lập hồ sơ và nghiên cứu, mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch Thị xã Sơn Tây như: Đền Và, Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ...

Cùng với đó, hàng năm, thị xã cũng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ thể thao nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các giá trị di sản văn hóa như tổ chức các sự kiện: Lễ kỷ niệm 200 năm thành cổ Sơn Tây, Nâng cấp và tổ chức Lễ giỗ Vua Phùng Hưng, vua Ngô Quyền;... tổ chức khai mạc năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, khai trương tuyến phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây; tổ chức lễ hội Đền Và với quy mô lễ hội Vùng; tổ chức hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài, Hội thảo định hướng quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội...

Để bảo tồn các di tích có giá trị trên địa bàn, Thị ủy, UBND thị xã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng các di tích có giá trị của địa phương. Từ 2021 đến nay, thị xã đã xếp hạng 5 di tích cấp Thành phố và nâng cấp xếp hạng 3 di tích cấp Quốc gia, 1 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu.

Bên cạnh đó, Thị xã cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo và phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu Sơn Tây của đội ngũ văn nghệ sỹ trên địa bàn, Hội văn nghệ sỹ xứ Đoài…

Về phát triển du lịch, theo đồng chí Nguyễn Quang Hán, thị xã sẽ phát triển, hình thành 3 khu du lịch chính: Khu du lịch Đồng Mô (là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng); Khu trung tâm thị xã - Thành cổ - Đền Và - Đường Lâm (là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng); Khu du lịch Xuân Khanh (là khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái).

Thị xã Sơn Tây định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thị xã Sơn Tây định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy cũng cho rằng, việc thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; Công tác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch còn hạn chế; Việc nâng cấp, xếp hạng để phát huy giá trị di tích còn khó khăn; Công tác phát triển hạ tầng du lịch dịch vụ, các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm… trên địa bàn còn chậm; Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thiết chế văn hóa ở xã, phường, thôn, tổ dân phố còn thiếu, chưa đồng bộ…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, cấp ủy, chính quyền thị xã Sơn Tây đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong triển khai Nghị quyết 06 của Thành ủy, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo sản phẩm mới trong lĩnh vực văn hóa; kết hợp với các chương trình khác như phát triển du lịch, đô thị để phát triển thị xã một cách năng động, văn minh.

Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Thị ủy Sơn Tây cần quán triệt và triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình 06, kể cả đối với các cơ quan của thị xã trong hệ thống chính trị, cấp cơ sở, thôn, tổ dân phố, phải xác định rõ quan điểm văn hóa là nhiệm vụ cần triển khai thường xuyên, liên tục. Trong đó, phải bám sát vào phương hướng, mục tiêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, phát triển con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hào hoa, gắn với tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của văn hóa xứ Đoài.

Nên có các đề án tổng thể chuyên đề phát triển văn hóa xứng tầm, đồng thời nghiên cứu xây dựng quy hoạch và có kế hoạch phát triển đồng bộ, lâu dài. Tập trung triển khai công tác tu bổ, tôn tạo các di tích đã được phê duyệt.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu Thị ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai; tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong phát triển văn hóa.

Trần Vũ

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-xa-son-tay-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-161980.html