Thị trường EU: Liên tục vào 'tầm ngắm', nông sản xuất khẩu cần nỗ lực để thoát khỏi bị 'soi'

Nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ đạo của nước ta với kim ngạch tỷ đô mỗi năm, tuy nhiên thời gian qua, một số mặt hàng thế mạnh bị đưa vào diện kiểm soát tại thị trường EU. Theo các chuyên gia, để tránh được những rủi ro và xuất khẩu bền vững sang thị trường hàng đầu này cần sự nỗ lực lớn của cả nhà nước, doanh nghiệp và nhà sản xuất.

Tiếp tục có 5 mặt hàng bị rơi vào “tầm ngắm”

Thời gian qua, nông sản Việt đã vượt qua được các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe của EU để xuất khẩu thành công vào thị trường này. Đặc biệt, “kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhanh chóng và đạt nhiều kết quả ấn tượng chưa từng có” - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thị trường khó tính bậc nhất thế giới này không ngừng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, tần suất giám sát, kiểm tra về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ nông sản cao hơn các thị trường khác. Việc nông sản xuất khẩu chưa đáp ứng đủ các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…bị đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ, hay bị dừng hợp đồng diễn ra khá phổ biến.

Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ.

Mới đây, thông tin từ Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, EU vừa ra Thông báo số G/SPS/N/EU/712, trong đó đưa ra các quy tắc liên quan đến việc tăng/giảm tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức khi nhập khẩu vào khu vực này. Theo đó, Việt Nam có 5 mặt hàng thuộc diện kiểm soát gồm ớt chuông (tần suất kiểm tra 50%), mì ăn liền có chứa gia vị/bột nêm hoặc nước sốt (tần suất kiểm tra 20%), sầu riêng (tần suất kiểm tra 10%). Đối với Phụ lục 2, có đậu bắp (tần suất kiểm tra 50%), thanh long (tần suất kiểm tra 20%). Được biết, quy định này của EU sẽ chính thức áp dụng vào ngày 6/2 tới.

Lần đầu tiên sầu riêng bị EU đưa vào diện kiểm tra dư lượng hóa chất tại cửa khẩu. Ảnh: TL

Như vậy, so với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, 4 mặt hàng là đậu bắp, mì ăn liền, ớt chuông và thanh long giữ nguyên tần suất kiểm tra. Duy nhất sầu riêng được bổ sung, với tần suất kiểm tra 10%. Đây là lần đầu tiên trái cây này bị EU đưa vào diện kiểm tra dư lượng hóa chất tại cửa khẩu.

Theo chia sẻ của ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nguyên do là trong 6 tháng cuối năm 2023, nước ta có 3 lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm quy định kiểm dịch của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa mặt hàng này vào diện kiểm soát.

Được biết, trước đó, nước ta đã nỗ lực đưa được mặt hàng rau gia vị khỏi danh mục kiểm tra của EU, hay chuyển mì ăn liền từ Phụ lục 2 sang Phụ lục 1 - không yêu cầu lấy mẫu và phân tích kèm lô hàng xuất khẩu.

Cần thay đổi nhận thức và nghiêm túc tuân thủ quy định để tránh bị “soi”

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều rủi ro trong tương lai nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường EU. Thậm chí, không riêng gì thị trường EU, hầu hết các nước khác đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của không chỉ mặt hàng đó mà còn cả ngành hàng và nông sản Việt.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thực tế cho thấy, ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định, tiêu chí của nhà sản xuất và của doanh nghiệp Việt còn hạn chế chính là rào cản để mở rộng thị phần của nông sản nước ta tại thị trường tiềm năng bậc nhất thế giới này.

Doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các quy định của EU về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: TL

Giữa năm 2023, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR). EUDR được ban hành nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31.12.2020. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của nước ta bị ảnh hưởng bởi quy định này. EUDR được áp dụng từ tháng 1/2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025.

Do đó, trước hết, bản thân nhà sản xuất trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác cần tuân thủ đúng các quy định của EU về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, nhất là những hoạt chất có trong danh sách cấm; đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Về lâu dài, nhà sản xuất nên tích cực chuyển đổi sang hướng canh canh tác hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu rất cần nâng cao nhận thức, ý thức và hiểu một cách sâu sắc rằng chỉ cần bị “tuýt còi” một lần sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu, gây tốn kém chi phí lên nhiều lần. “Doanh nghiệp Việt cần cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt chú ý chất lượng sản phẩm, cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch về nguồn gốc, tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Còn theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp hiệu quả và chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà sản xuất để kiểm soát tốt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với tất cả nông sản xuất khẩu. Trong đó, trước mắt đặc biệt chú ý đến mặt hàng đang trong “tằm ngắm” để trên cơ sở đó, EU xem xét gỡ bỏ quy định kiểm soát. Đặc biệt, chúng ta rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý cấp địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hành nông nghiệp tốt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, cũng như khuyến nghị người sản xuất hiểu chắc, nắm rõ vấn đề./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-eu-lien-tuc-vao-tam-ngam-nong-san-xuat-khau-can-no-luc-de-thoat-khoi-bi-soi-144157.html