Thị trường cho vay cầm cố tài sản trị giá tỷ đô trên thế giới đang phát triển thế nào?

Phân khúc những khách hàng yếu thế, dưới chuẩn là phân khúc có nhu cầu cao nhưng luôn gặp khó khăn khi cần vốn. Cũng từ nhu cầu đó, thị trường đã sinh ra các hoạt động cho vay tiêu dùng và các công ty cho vay cầm cố tài sản.

Thị trường tỷ đô phát triển từ ngành cầm đồ

Mặc dù nhiều người vẫn luôn giữ sự ác cảm với hình thức cầm đồ truyền thống, tuy nhiên đây là loại hình cho vay tài chính xuất hiện gần như sớm nhất trong lịch sử, thể hiện bằng một mối quan hệ dân sự của xã hội. Với việc đảm bảo bằng đa dạng tài sản, việc thẩm định diễn ra nhanh chóng khiến hoạt động cầm đồ chiếm ưu thế hơn so với các loại hình cho vay khác như ngân hàng.

Đây cũng giống như một ngách phụ, phục vụ cho những người yếu thế của xã hội, những người khó có thể được thông qua khâu kiểm định cho vay ở những ngân hàng hay tổ chức tài chính lớn.

Cũng vì thế, dịch vụ cầm đồ đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở những đất nước có nền tài chính phát triển. Đơn cử như ở Mỹ, theo như các báo cáo được ghi nhận vào năm 2022, có hơn 12 nghìn cửa hiệu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Còn tại đất nước 1,4 tỷ dân như Ấn Độ, dịch vụ cầm đồ dường như là một loại hình thiết yếu, phát triển mạnh mẽ theo nhu cầu của một xã hội có sự phân hóa giàu nghèo quá lớn. Tại các thành phố của Ấn Độ, cửa hàng cầm đồ xuất hiện ở cuối mỗi con phố và người dân nơi đây có thể cầm cố bất cứ thứ gì mình có, thậm chí là vay tiền bảo đảm bằng vàng tại các cửa hiệu cầm đồ.

 Một cửa hàng cầm đồ ở Ấn độ, kiêm luôn cả hoạt động buôn bán vàng bạc

Một cửa hàng cầm đồ ở Ấn độ, kiêm luôn cả hoạt động buôn bán vàng bạc

Còn ở đất nước hàng xóm Thái Lan, dịch vụ cầm đồ phát triển hơn với các công ty lớn như Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital (MTC). Các công ty này sở hữu khoảng 10 nghìn phòng giao dịch trên cả đất nước.

Đáng nói, doanh thu của các công ty này trong thời điểm thế giới đang khốn đốn vì COVID-19 lại ghi nhận một con số khổng lồ, đơn cử như Muang Thai Capital là hơn 16 tỷ Baht, lợi nhuận đạt gần 5 tỷ Baht (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng). Điều đó cho thấy, nhu cầu với loại hình kinh doanh này không bao giờ giảm, đặc biệt là trong những thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều người chỉ có thể bám víu vào loại hình vay vốn đơn giản và lâu đời này.

Ngoài ra, nói về dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính không thể không nhắc đến MoneyMax Financial Services Ltd. (MoneyMax) của Singapore. Đây là nhà môi giới cầm đồ, nhà bán lẻ và nhà kinh doanh hàng đầu về các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng.

Kể từ khi thành lập cửa hàng đầu tiên vào năm 2008, Tập đoàn này đã phát triển và mở rộng mạng lưới của mình lên 90 cửa hàng, trở thành một trong những chuỗi môi giới cầm đồ lớn nhất có mặt ở cả Singapore và Malaysia.

Sự phát triển của một công ty cầm đồ tại trung tâm tài chính thứ 3 của thế giới cũng có nhiều sự phát triển riêng biệt hơn. Thay vì cầm cố các tài sản giá trị trung bình thường thấy của phân khúc thu nhập tầm trung và thấp, tại Singapore, MoneyMax còn thực hiện việc định giá cả các vật phẩm đắt tiền và bán lại các sản phẩm trang sức đã qua sử dụng.

 MoneyMax có nền tảng hoạt động cầm đồ trước khi phát triển thành một tập đoàn đa ngành.

MoneyMax có nền tảng hoạt động cầm đồ trước khi phát triển thành một tập đoàn đa ngành.

Năm 2015, tập đoàn này cũng phát triển trên nền tảng online, trở thành chuỗi môi giới cầm đồ đầu tiên cung cấp dịch vụ trên nền tảng trực tuyến để mua sắm, bán và định giá các vật có giá trị.

Và cũng từ nền tảng môi giới, cầm cố tài sản, MoneyMax đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành nghề, đạt nhiều giải thưởng lớn tại Singapore và là một thương hiệu được nhiều người tin dùng.

Sự phát triển tất yếu

Cùng với sự phát triển của thế giới trong thị trường tỷ đô này, các loại hình cầm cố tài sản của Việt Nam cũng phát triển rất sớm với quy mô ban đầu là những cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ. Theo thống kê của Bộ Công an vào cuối năm 2022, ước tính, tại Việt Nam có khoảng 27 nghìn cơ sở cầm đồ đang hoạt động.

Tuy nhiên, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở cầm đồ truyền thống này rất khó ước tính bởi không được thống kê rõ ràng. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, số lượng khách hàng của các loại hình cho vay này là rất lớn.

Qua các số liệu nghiên cứu cho thấy, nhu cầu vay vốn của nhóm dưới chuẩn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do thiếu khả năng chứng minh tài chính và khó giải ngân với khoản vay nhỏ, vay nhanh… ngày một gia tăng. Cũng từ nhu cầu đó đã đã đưa các công ty cầm đồ phát triển sang chiều hướng cho vay tài chính.

Đáng nói, với việc số lượng cửa hàng nhiều, hoạt động theo dạng thỏa thuận dân sự, nhiều cửa hàng cầm đồ đã phát triển theo hướng “tín dụng đen” với các loại hình như vay góp, bốc bát họ… với lãi suất có khi lên tới 1.000%.

Rất nhiều vụ việc cho vay lãi suất cắt cổ liên quan đến các cửa hàng cầm đồ đã bị công an triệt phá. Có lẽ vì lý do đó, sự xuất hiện của các cửa hàng cầm đồ truyền thống luôn tạo một sự ác cảm với nhiều người, khi hình ảnh của nó lại gắn với các vụ việc thu nợ kiểu khủng bố, gây rối mất trật tự công cộng.

 Các cửa hàng cầm đồ có mặt tại Việt Nam từ rất lâu, tuy nhiên hoạt động manh mún và thiếu sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp.

Các cửa hàng cầm đồ có mặt tại Việt Nam từ rất lâu, tuy nhiên hoạt động manh mún và thiếu sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp.

Cũng trong bối cảnh đó, các công ty cho vay cầm cố tài sản kiểu mới ra đời, cùng chịu sự quản lý của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ như các cửa hàng cầm đồ truyền thống và hoạt động dưới dạng thỏa thuận dân sự.

Tuy nhiên, các công ty này làm ăn chuyên nghiệp theo hướng tổ chức tài chính tiêu dùng, có sự tư vấn và đầu tư bài bản từ các tổ chức quốc tế nên đang định hình nên một mảng kinh doanh dịch vụ tài chính mới mẻ theo xu hướng của thế giới. Sự thay đổi này đã bù đắp các điểm yếu mà các công ty truyền thống chưa làm được như chuyên nghiệp trong khâu tổ chức hoạt động, minh bạch trong các điều khoản và thủ tục cho vay..., từ đó hạn chế được nạn “tín dụng đen”.

Đơn cử như F88 với sự đầu tư của các quỹ như Việt Nam – Oman (VOI), Mekong EnterPrise Fund IV, CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark)… VietMoney với sự đầu tư đến từ các Quỹ Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV) và Tima với sự đầu tư của các Quỹ như Dunearn Singapore Fund, G Capital, Belt Road Capital Management…

Sự khác biệt này giữa các công ty hoạt động cho vay cầm cố tài sản kiểu mới với các công ty cầm đồ truyền thống không đơn giản chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn liên quan đến hình ảnh và xây dựng thương hiệu.

Bởi lẽ, với các quỹ ngoại có quy mô lớn, việc đầu tư cho một số tiền lớn cho một công ty ngoài vấn đề về lợi nhuận thì còn đòi hỏi cả quy trình hoạt động và cách bảo vệ thương hiệu hình ảnh một cách kín kẽ nhất. Với việc vi phạm pháp luật, tự hủy hoại hình ảnh cũng đồng nghĩa với việc tự cắt đứt nguồn tiền khổng lồ đến từ các quỹ đầu tư tài chính của nước ngoài.

Cũng nhờ đó, hoạt động của các công ty cho vay cầm cố tài sản mới có quãng thời gian phát triển bền vững, ngày một phát triển hơn. Đủ sức cạnh tranh với chính các cửa hàng cầm đồ truyền thống và cả với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-cho-vay-cam-co-tai-san-tri-gia-ty-do-tren-the-gioi-dang-phat-trien-the-nao-post247103.html