Thầy Hiệu trưởng vùng cao làm giàu từ mô hình nuôi dúi

Không chỉ làm tốt công tác quản lý trường học, thầy Phạm Đức Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS xã Huy Hạ còn chăn nuôi dúi làm kinh tế giỏi.

Thầy Hạnh đang chăm sóc đàn dúi tại chuồng.

Vừa làm tốt công tác quản lý, vừa làm kinh tế giỏi

Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi dúi của thầy Phạm Đức Hạnh (SN 1973, ở tiểu khu 2, thị trấn Phù Yên, tỉnh Sơn La), Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS xã Huy Hạ. Qua tìm hiểu, được biết tận dụng thời gian rảnh rỗi vào dịp cuối tuần và kỳ nghỉ hè, thầy Hạnh đã đầu tư vốn liếng chăn nuôi. Qua quan sát, chúng tôi thấy chuồng nuôi với hàng trăm con dúi to, nhỏ khác nhau, được thầy Hạnh chia ra theo lứa tuổi để dễ chăm sóc và theo dõi.

Thầy Hạnh thổ lộ: "Tôi công tác hơn 28 năm trong nghề giáo dục. Do mức lương của nhà giáo thấp, cuộc sống ngày một phát triển, để tăng cao nguồn thu nhập, tôi luôn đau đáu trong lòng cần thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền. Sau đó, tôi sắp xếp thời gian quản lý ở trường lớp hợp lý, rồi nghiên cứu rẽ sang nghề tay trái nuôi dúi phát triển kinh tế, mà không gây ảnh hưởng đến công việc nhà trường và phân công giảng dạy học. Tính từ thời điểm tôi nuôi dúi song song với việc làm quản lý tại nhà trường, đến nay được hơn 7 năm. Trong thời gian nuôi dúi, tôi vẫn luôn làm tốt công việc Nhà nước của mình".

Thầy Hạnh đang cho đàn dúi ăn mía.

"Ban đầu mới nuôi dúi, tôi còn luống cuống và chưa bố trí được thời gian cụ thể chăm sóc. Sau đó, tôi bàn bạc với gia đình trong những ngày tôi lên trường làm việc phải cử người chăm sóc dúi. Ngày nghỉ cuối tuần, hoặc ngày nghỉ lễ Tết, nghỉ hè thì tôi sẽ chú tâm toàn lực vào chăm sóc dúi. Vì vậy, công việc ngày 1 hanh thông, không bị gặp khó khăn trở ngại", thầy Hạnh nói.

Theo thầy Hạnh kể, để nuôi và chăm sóc dúi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, thầy đã đi tham quan học hỏi nhiều mô hình nuôi dúi trong huyện. Sau đó, thầy tiếp tục lên mạng internet tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăn nuôi dúi. Tiếp đó, thầy đầu tư 30 triệu đồng làm chuồng và 14 triệu đồng mua 10 cặp dúi giống về nuôi thử. Từ 10 cặp dúi này, sau 3 tháng dúi sinh sản đồng loạt, bình quân mỗi con dúi cái sinh 3 con, lứa đầu tiên thầy Hạnh đã có gần 30 con dúi giống. Theo thời gian, đàn dúi phát triển dần lên, sau 1 năm thầy đã có dúi giống bán ra thị trường.

Dúi là vật nuôi ăn tạp nên chi phí chăn nuôi không cao như 1 số loại vật khác.

Theo kinh nghiệm của thầy Hạnh, dúi rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, không có bệnh, ít tốn diện tích làm chuồng, chủ yếu ăn đêm, ngủ ngày. Thức ăn cũng rất dễ tìm như: Tre, mía, thân cỏ voi, ngô bắp khô, rau, củ, quả… Tuy nhiên, để nuôi thành công phải nắm được đặc điểm sinh học của dúi, đó là: Điều kiện thời tiết mát mẻ, khoảng 25 độ C; chuồng nuôi phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động. Dúi ưa tối nên cần che chắn, để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp. Chuồng nuôi dúi chỉ cần làm đơn giản. Diện tích chuồng khoảng 50 m2, nền lát gạch, chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô rộng 0,6 m2 để chia cặp nuôi sinh sản.

Trong thời gian thầy Hạnh nuôi dúi gần như không có bệnh, nhưng thầy vẫn chủ động phòng bệnh cho vật nuôi theo định kỳ với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Ngoài làm chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, thầy Hạnh còn phun khử khuẩn xung quanh các ô chuồng nuôi. Cùng với đó, thầy Hạnh bổ sung một số vitamin, khoáng chất vào quá trình cho ăn để bổ sung can xi, tăng sức khỏe cho đàn dúi.

Hiện nay, nuôi dúi so với các con vật nuôi khác, ví dụ như gà chẳng hạn thì hiệu quả cao hơn rất nhiều. Giá dúi thịt bán dao động từ 500 - 700.000/kg, trong khi đó, giá 1kg gà chỉ từ 100 - 120.000 đồng. Đặc biệt, lượng thức ăn đầu tư cho gà tốn kém hơn so với nuôi con dúi. Một năm, dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con. Dúi con từ lúc cai sữa nuôi khoảng 2 tháng đạt trọng lượng 400 - 500g có thể xuất bán giống từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/cặp. Đối với cặp dúi bố mẹ trưởng thành thì có giá từ 1,8 - 2 triệu đồng", thầy Hạnh chia sẻ.

Thầy Hạnh đang kiểm tra sức khỏe cho dúi.

Thu nhập cao từ kiên trì học hỏi

Do mỗi năm đàn dúi tăng nhanh về số lượng, nên thầy Hạnh đã mở rộng thêm diện tích từ 20 m2 ban đầu lên 100 m2, với 200 ô nuôi. Tiếp đó, thầy Hạnh lắp thêm 4 chiếc điều hòa 2 chiều, đảm bảo mát về mùa hè, ấm vào mùa đông cho vật nuôi. Ngoài ra, thầy Hạnh còn lắp đồng hồ cảm biến nhiệt để theo dõi nhiệt độ trong chuồng.

Theo thầy Hạnh, để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dúi, thầy đã tận dụng 600m2 đất vườn của gia đình và thuê thêm 1.000m2 trồng cỏ voi. Mỗi năm, thầy còn mua khoảng 3 tấn ngô bắp, muối khoảng bổ sung. Chuồng nuôi dúi được thầy cải tiến thuận tiện tạo ra quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín. Một ngày, chỉ cần bỏ ra khoảng 2 giờ đồng hồ để hoàn tất quy trình cho ăn và chăm sóc đàn dúi. Dúi là con vật dễ nuôi, để nuôi dúi thành công, đòi hỏi người nuôi phải có sự đam mê, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và sự sáng tạo.

"Nuôi dúi có đầu ra ổn định, bởi các món ăn chế biến từ dúi giàu dinh dưỡng và thơm ngon nên rất được thực khách ưa thích. Tôi bán dúi chủ yếu cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh như: Yên Bái, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Từ tiền bán dúi, năm 2020 tôi đã mua được 1 chiếc xe tải chở hàng trị giá 230 triệu đồng. Hiện nay, tại chuồng của tôi 700 con dúi giống và dúi thịt, là một trong 3 mô hình nuôi dúi quy mô lớn của huyện Phù Yên", thầy Hạnh khoe.

Nhờ cách chăm sóc tốt, đàn dúi của thầy Hạnh luôn béo tốt.

Ông Đinh Văn Lắng, Chủ tịch xã Huy Hạ, huyện Phù Yên cho biết: Không chỉ làm tốt công việc quản lý lớp học và cán bộ giáo viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại nhà trường, anh Hạnh còn làm kinh tế giỏi. Anh Hạnh không giữ bí quyết cho riêng mình, anh đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi cho nhiều bà con có nhu cầu nuôi dúi. Trại nuôi dúi của anh là địa chỉ quen thuộc, để nhiều nông hộ đến tìm hiểu, học hỏi.

"Đến nay, anh Hạnh đã chuyển giao kỹ thuật nuôi dúi cho nhiều hộ gia đình, trong đó có 1 gia đình ở tỉnh Hòa Bình đến tham quan học hỏi và đã thành công với mô hình nuôi dúi với 200 cá thể. Một hộ ở huyện Bắc Yên (Sơn La) cũng được anh trợ giúp và đã nuôi dúi thành công với trên 100 cá thể dúi. Ngoài ra, anh Hạnh còn hỗ trợ bao tiêu sản phẩm dúi giống và dúi thịt cho các hộ gia đình nuôi dúi trên địa bàn huyện", ông Lắng thông tin.

Hà Hoàng - Bích Luyện

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-hieu-truong-vung-cao-lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-dui-post667267.html