Tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp cho công trình trọng điểm phía Nam

Chiều nay 11/5 tại Vĩnh Long, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các Bộ ngành có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh trong khu vực để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2021-2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án giao thông trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án trên khoảng 70 triệu m3 (trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng 63 triệu m3). Đối với đất đắp, nguồn cung chủ yếu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay đã xác định được nguồn cung cho 2/7 triệu m3.

Trước đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có buổi gặp gỡ với người dân khu vực khai thác cát sông Hậu (đoạn đi qua địa bàn huyện Trà Ôn).

Đối với vật liệu cát, nguồn cung đảm bảo chất lượng tập trung chủ yếu tại các tỉnh có Sông Tiền và Sông Hậu đi qua, trong đó trữ lượng lớn có tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang, đến nay đã xác định được nguồn cung cho 37/63 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn, cấp.

Theo Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang có khoảng 40 triệu m3 từ 35 mỏ (15 giấy phép đã phê duyệt trữ lượng, chưa cấp phép khai thác với tổng trữ lượng đã phê duyệt là 21,9 triệu m3; 20 mỏ đã tạm dừng khai thác nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ, trữ lượng còn lại khoảng 19,9 triệu m3). Tỉnh Bến Tre có 06 mỏ cát thuộc kế hoạch đấu giá năm 2024 với tổng trữ lượng là 15 triệu m3. Tỉnh An Giang: các khu mỏ nằm trong quy hoạch đã thu hồi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ còn đủ điều kiện để khai thác (khoảng 2,5 triệu m3).

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các Bộ ngành có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh trong khu vực để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam

Bộ TN&MT đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long" và bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Tại buổi làm việc, Bộ GTVT kiến nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre ...) phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên ngành (do Bộ TN&MT chủ trì) để tiếp tục rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng kế hoạch triển khai hoàn thành các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.

Để đảm bảo công suất theo tiến độ thi công, Bộ GTVT đề nghị xem xét cấp thêm mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù để tăng công suất khai thác đủ cung ứng theo tiến độ thi công, sau khi khai thác đủ trữ lượng sẽ giao lại cho các địa phương quản lý hoặc cấp cho các dự án khác. Ưu tiên điều chuyển một phần khối lượng cát (đã xác định được nguồn) từ các dự án có thời gian hoàn thành vào năm 2026 cho các dự án có yêu cầu hoàn thành sớm hơn, sau khi cấp đủ khối lượng, phần trữ lượng còn lại sẽ điều chuyển cho nhu cầu các dự án.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát trên đại bàn tỉnh Vĩnh Long

Về sử dụng vật liệu cát biển, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện các thủ tục giao mỏ cát biển để sớm khai thác làm VLXD cho dự án Cần Thơ – Cà Mau nói riêng và các dự án giao thông nói chung.

Trên cơ sở kết luận đánh giá của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động nghiên cứu để triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường tại các khu vực phù hợp. Phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng để triển khai các thủ tục giao mỏ.

Tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tăng công suất đối với 05 mó, hỗ trợ thủ tục để khai thác trở lại mỏ cát An Nhơn trong tháng 5/2024 như kiến nghị của Bộ GTVT

Tỉnh An Giang, Vĩnh Long rà soát các mỏ đang khai thác, khu vực mỏ mới để cấp đủ khối lượng còn thiếu (An Giang 1 triệu m3, Vĩnh Long 02 triệu m3).

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh có dự án, Ban QLDA, cần rút ngắn thời gian cấp phép theo cơ chế đặc thù, không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu bộ GTVT phân cấp thẩm quyền cho địa phương về nạo vét các tuyến sông, nhằm thực hiện thuận lợi lưu thông đường thủy.

Trước đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có buổi gặp gỡ với người dân khu vực khai thác cát sông Hậu (đoạn đi qua địa bàn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Tại buổi làm việc, người dân bày tỏ lo lắng trước việc khai thác cát sẽ xảy ra sạt lở, tác động đến môi trường, nhà cửa, đất đai và các tài sản khác. Qua đó, người dân mong muốn cơ quan chức năng khi khai thác cát cố gắng làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người dân, chịu trách nhiệm cùng với người dân giám sát, nếu xảy ra sạt lở là phải ngừng ngay.

Trước sự lo lắng của bà con khu vực khai thác cát, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao cơ quan chuyên môn tiến hành thăm dò địa chất, kiểm tra lại các vấn đề mà người dân nêu. Sau khi có kết quả, phải công bố rộng rãi cho người dân yên tâm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phương án, khu vực, độ sâu, công suất khai thác đối với các mỏ cát.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thao-go-kho-khan-ve-vat-lieu-san-lap-cho-cong-trinh-trong-diem-phia-nam-post1094589.vov