Thành phố Hồ Chí Minh: Đổi mới hoạt động của bảo tàng để thu hút du khách

Nhiều bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những cách quảng bá thông qua việc số hóa di sản, tổ chức các chương trình hấp dẫn thu hút công chúng đến thưởng lãm.

Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)

Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)

Hệ thống bảo tàng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy tiềm năng của di sản.

Để lan tỏa nét đẹp văn hóa từ những kho tàng đó, nhiều bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những cách quảng bá, tổ chức các chương trình hấp dẫn thu hút công chúng đến thưởng lãm.

Nỗ lực số hóa di sản

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 bảo tàng gồm: 11 bảo tàng công lập và 6 bảo tàng tư nhân. Mỗi bảo tàng đều có nét hấp dẫn, thú vị cùng những bộ sưu tập cổ ẩn chứa nhiều câu chuyện có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của dân tộc.

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) đang sở hữu khoảng 40.000 hiện vật quý, giới thiệu về lịch sử-văn hóa nước ta từ thời nguyên thủy cho đến năm 1945.

 Lư hương nằm trong bộ sưu tập gốm thời Nguyễn độc đáo được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/ TTXVN)

Lư hương nằm trong bộ sưu tập gốm thời Nguyễn độc đáo được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/ TTXVN)

Để các hiện vật, tư liệu quý hiếm không bị “đóng băng,” bảo tàng đã ra mắt hệ thống tương tác thông minh 3D/360 giúp công chúng có thể tham quan bảo tàng chỉ bằng 1 lần “click chuột.”

Với mong muốn tạo nên sức hấp dẫn cho du khách, bảo tàng thường có các tour kèm hướng dẫn viên thuyết minh khoảng 30-60 phút đi xuyên suốt cả bảo tàng.

Đồng thời, để giúp các du khách khi tham quan có thêm hứng thú, bảo tàng đã đưa robot Batalis vào hoạt động, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng.

Robot này có thể nhảy múa theo nhạc, di chuyển và đặt câu hỏi để khách tham quan tương tác trực tiếp.

Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Anh Tuấn, bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động như: triển lãm lưu động tại trường học, tổ chức giờ học lịch sử tại bảo tàng. Do đó, việc đưa robot thông minh vào giới thiệu các nội dung tại bảo tàng nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và làm phong phú thêm các hình thức sử dụng di sản trong dạy và học.

Trong tương lai, đơn vị mong muốn sẽ đưa robot đến các trường học để giúp học sinh tiếp cận di sản văn hóa-lịch sử bằng một hình thức mới hiệu quả, sinh động và hứng thú hơn.

Tương tự, “Hộp kể chuyện” là mô hình chuyển đổi số mới nhất được áp dụng tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ từ giữa tháng 7/2023, với mong muốn giúp công chúng hiểu rõ về di sản; đồng thời, thêm yêu lịch sử, văn hóa Việt. Đây là niềm vui với các đơn vị làm bảo tàng khi có thêm kênh tương tác mới với khách tham quan thông qua thiết bị công nghệ này.

Bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thông qua “Hộp kể chuyện," đơn vị đang tiếp tục bổ sung tài liệu, hiện vật, những câu chuyện thú vị, có thêm nhiều ý tưởng phát huy tối đa các giá trị hiện vật, tư liệu quý, những câu chuyện ý nghĩa mà hệ thống bảo tàng đang nắm giữ. Qua đó, hình ảnh của các bảo tàng sẽ đến gần hơn với người dân thành phố và du khách.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đối với lĩnh vực bảo tàng, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng. Bởi khi thực hiện chuyển đổi số, các đơn vị vừa có thể làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa mang lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa đến công chúng.

Tuy nhiên, để số hóa các di sản một cách hiệu quả, các đơn vị cần đưa ra những chương trình phù hợp với tính chất của bảo tàng nhằm thu hút, hấp dẫn khách tham quan. Do đó, ngoài việc ứng dụng công nghệ, mỗi bảo tàng phải làm sao cho nội dung phù hợp, giữ được nguyên vẹn trạng thái và phát huy được tính chất vốn có của di sản.

Gắn kết bảo tàng với du lịch

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có những cách làm, hướng đi riêng để phát huy được thế mạnh của mình.

Trong số đó, nhiều bảo tàng áp dụng phương án trưng bày thường xuyên theo chuyên đề được thay đổi liên tục để du khách luôn thấy được những cái mới, cái hay và không bị nhàm chán.

 Du khách tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Quận 3). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Du khách tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (Quận 3). (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Với khoảng 30.000 hiện vật, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) luôn đổi mới phong cách trưng bày theo hướng truyền thống xen lẫn hiện đại thông qua 11 chủ đề gồm: Truyền thống phụ nữ miền Nam trước khi thành lập Đảng Cộng sản; Bác Hồ với phụ nữ miền Nam và phụ nữ miền Nam với Bác Hồ; Sự hình thành và phát triển của các tổ chức phụ nữ Việt Nam; Phụ nữ miền Nam sau ngày thống nhất đất nước; Phụ nữ miền Nam trong chính trị, quân đội, đối ngoại.

Để hệ thống bảo tàng phát huy thế mạnh, thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến văn hóa, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết bảo tàng có kế hoạch phối hợp cùng các công ty du lịch lữ hành, các trường học trên địa bàn thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước để đưa du khách và các học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Thắm mong rằng thông qua phòng trưng bày cùng các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tạo sự thích thú cho khách tham quan; từ đó, góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hiện có 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên về tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược, về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Các chuyên đề được xây dựng trên những kịch bản riêng, khoa học và hấp dẫn.

Bên cạnh đó, hàng năm, đơn vị còn thực hiện nhiều triển lãm chuyên đề ngắn như “Điện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại,” “Khát vọng sống,” “Hồi sinh những vùng đất chết”…

Theo bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách tại chỗ, hoạt động trưng bày còn được mở rộng dưới nhiều hình thức như trưng bày, triển lãm chuyên đề tại bảo tàng, triển lãm lưu động tới các quận, huyện của thành phố, các tỉnh, thành phố khác, các địa phương vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học… đưa nội dung trưng bày ngày một gần hơn với công chúng.

Mỗi câu chuyện trưng bày từ hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng là một trong những cách tiếp cận, truyền đạt thông tin và gửi đi thông điệp về hòa bình một cách mạnh mẽ nhất đến công chúng.

Đó là những ký ức, những mảnh ghép của lịch sử, cộng đồng và cả một dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập và giữ hòa bình.

Ngoài ra, các bảo tàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham gia phối hợp với Sở Du lịch quảng bá, giới thiệu về du lịch thành phố.

Trong số đó, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định với tour Biệt động Sài Gòn. Hành trình này cũng thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều du khách.

Bên cạnh việc tham quan, du khách còn có cơ hội trải nghiệm chuyến xe buýt hai tầng, đi đến những địa điểm lịch sử có hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu và trải nghiệm các món ăn địa phương.

Việc liên kết các bảo tàng với các công ty du lịch sẽ giúp bảo tàng duy trì hoạt động, cùng nhau phát triển, tạo sức hút với du khách. Qua đó, mỗi bảo tàng phát huy được thế mạnh, có nhiều chương trình hấp dẫn thu hút khách du lịch, lan tỏa nét đẹp, tinh hoa của di sản văn hóa Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-doi-moi-hoat-dong-cua-bao-tang-de-thu-hut-du-khach-post950881.vnp