Thanh khoản chờ… bùng nổ

Giá trị giao dịch ở mức thấp cho thấy dòng tiền lớn nhìn chung đang đứng ngoài, nhưng nguồn tiền chờ cơ hội giải ngân vào thị trường chứng khoán rất lớn.

Số dư tiền mặt trên các tài khoản chứng khoán tính đến cuối quý I/2024 đạt hơn 100.000 tỷ đồng

Nguồn tiền lớn chờ dấu hiệu

Sau khi VN-Index tạo đỉnh ngắn hạn gần ngưỡng 1.300 điểm vào cuối tháng 3/2024, chỉ số chung đã có nhịp giảm nhanh vào giữa tháng 4, với mức giảm khoảng 9%. Cùng với sự điều chỉnh của giá, thanh khoản có chuỗi ngày dao động ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1, phổ biến quanh mức 15.000 tỷ đồng/phiên (giá trị giao dịch trên cả ba sàn). Thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường, nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, giải ngân thăm dò hoặc giao dịch lướt sóng trên danh mục có sẵn.

Với sự phục hồi của VN-Index trong những phiên gần đây, thanh khoản được cải thiện, nhưng không đáng kể, ngoại trừ phiên 8/5 đạt hơn 26.500 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace, thanh khoản thấp duy trì rõ rệt sau phiên giao dịch ngày 15/4, đây là phiên có mức thanh khoản cao nhưng VN-Index có mức giảm điểm mạnh. Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam cho tới hiện tại chủ yếu ở trong xu hướng tăng, vì nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn chỉ chiến thắng khi thị trường tăng giá, vì khi thị trường giảm giá, ngoại trừ vị thế bán hợp đồng tương lai chỉ số trên sàn phái sinh, nhà đầu tư không có sản phẩm để có thể kinh doanh thu lợi. Do đó, thanh khoản dự kiến sẽ tăng trở lại khi VN-Index vượt ngưỡng 1.293 điểm, mở ra xu hướng tăng mới, hoặc chỉ số giảm đủ sâu để kêu gọi được dòng tiền đầu cơ giá rẻ.

Nếu nhìn vào yếu tố định giá, sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024, vùng giao dịch hiện tại là vùng trũng thông tin về hoạt động doanh nghiệp (trừ một số doanh nghiệp đặc thù có biến động về giá đầu vào, hàng hóa, tỷ giá...). Yếu tố này có thể duy trì cho tới đầu quý III, khi bức tranh kinh doanh cả năm 2024 dần thể hiện rõ ràng hơn. Bức tranh này sáng dần thì nhóm các nhà đầu tư dài hạn, các quỹ đầu tư lớn nhiều khả năng sẽ mạnh tay giải ngân, thúc đẩy thanh khoản toàn thị trường.

Một yếu tố đáng chú ý liên quan đến dòng tiền là số dư tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trong 1 năm qua có xu hướng giảm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho biết, theo báo cáo tài chính quý I/2024 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng giá trị tiền gửi tiết kiệm là 7,84 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, giá trị tiền gửi tính đến cuối quý I/2024 vẫn thấp hơn 11% so với mức đỉnh được thống kê tại thời điểm cuối quý II/2023 là 8,83 triệu tỷ đồng. Điều này được lý giải bởi lãi suất tiết kiệm giảm đáng kể, khiến một lượng tiền gửi được rút ra để tìm kiếm kênh đầu tư có hiệu suất cao hơn.

Ngược lại, dòng tiền có xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán kể từ cuối quý II/2023 cho đến nay. Hơn nữa, số dư tiền mặt trên các tài khoản chứng khoán tính đến cuối quý I/2024 đạt hơn 100.000 tỷ đồng, đây cũng là một lượng tiền lớn chờ cơ hội giải ngân.

Sức hấp dẫn của kênh chứng khoán là đáng kể trong thời gian qua khi tăng trưởng bình quân của VN-Index nhiều năm đạt 12 - 14%. Mặc dù vậy, theo góc nhìn của ông Nguyễn Tuấn Anh, có 2 điểm khiến thị trường chứng khoán chưa phải là điểm đến hấp dẫn cho dòng tiền rút ra từ kênh tiết kiệm. Thứ nhất, số lượng khách hàng tin tưởng và đầu tư dài hạn tại thị trường chứng khoán chưa cao. Số lượng tài khoản tuy phát triển mạnh trong vài năm qua, nhưng số lượng khách hàng đầu tư thực trên thị trường không nhiều, chỉ khoảng 2 - 2,5 triệu và phần lớn là không giao dịch thường xuyên. So sánh số lượng này với số lượng người sẵn sàng gửi tiết kiệm thì vẫn có sự chênh lệch lớn. Thứ hai, tổng giá trị tiền gửi tiết kiệm lớn vượt trội so với nguồn tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán. Do đó, có một phần dòng chảy từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, nhưng không nhiều và dòng tiền này cũng đang bị chi phối ở một số thị trường khác như bất động sản, vàng…

Dự báo điểm đến của dòng tiền

Thanh khoản dự kiến sẽ tăng trở lại khi VN-Index vượt ngưỡng 1.293 điểm, mở ra xu hướng tăng mới, hoặc chỉ số giảm đủ sâu để kêu gọi được dòng tiền đầu cơ giá rẻ.

Trong bối cảnh tính phân hóa của thị trường chứng khoán ngày một cao và VN-Index đang trong quá trình tìm kiếm điểm cân bằng, kịch bản thị trường nghiêng về xu hướng đi ngang. Tuy nhiên, việc nhìn vào từng nhóm cổ phiếu hoặc các mã riêng lẻ vẫn quan trọng hơn là nhìn vào thanh khoản hay sự biến động của chỉ số chung.

Thực tế, thị trường luôn có cơ hội nếu nhà đầu tư chọn đúng mã cổ phiếu, dù rằng việc lựa chọn đúng hay không phải chờ thị trường kiểm định. Nhìn về nhóm cổ phiếu có khả năng phục hồi trong ngắn và trung hạn, FinPeace nghiêng về nhóm cổ phiếu dầu khí, trong khi nhìn xa hơn cho giai đoạn nửa cuối năm 2024, nhóm ngân hàng và chứng khoán có nhiều cơ hội hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, đối với nhóm dầu khí, giá dầu thế giới ổn định ở mức cao trong nhiều tháng qua, phổ biến trên ngưỡng 80 USD/thùng. Đây là mức giá tốt cho cả ngành dầu khí, đặc biệt định giá nhóm ngành này đã trải qua một thời gian dài (8 - 9 năm) ở mức giá thấp. Trong khi đó, với nhóm ngân hàng và chứng khoán, hoạt động kinh doanh đều ổn định và có tiềm năng phát triển mạnh nhờ câu chuyện nâng hạng thị trường và sự tham gia sâu rộng hơn của nhà đầu tư cá nhân vào các dịch vụ đầu tư. Các ngân hàng tập trung vào dịch vụ bán lẻ dự kiến sẽ có mức doanh thu tốt, phi rủi ro tín dụng và tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024. Còn các công ty chứng khoán, năm nay và năm sau là giai đoạn mang tính chất lịch sử khi thị trường nâng cấp hệ thống giao dịch và chuẩn bị được nâng hạng.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Anh Khoa đánh giá cao các cổ phiếu đầu ngành, bluechip, với nền tảng cơ bản vững chắc, nhiều lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh. Nhóm VN30 đã tăng gần 14% kể từ đầu năm nay, cao hơn mức tăng khoảng 10% của VN-Index, nhưng vẫn hấp dẫn đầu tư. Bên cạnh đó, các nhóm ngành có câu chuyện đầu tư hoặc có triển vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực sẽ thu hút dòng tiền. Chẳng hạn, với nhóm ngành bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì được đà tăng trưởng. Ngành thép có triển vọng tích cực kể từ quý II/2024 nhờ sản lượng phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu “ấm” lên cùng với lực đẩy từ đầu tư công. Ngành công nghệ thông tin có dư địa tăng trưởng trong nhiều năm tới, với xu hướng chuyển đổi số và làn sóng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thanh-khoan-cho-bung-no-post345058.html