Thái Bình: Thông qua Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã

Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình là 242 đơn vị, giảm 18 xã. Cụ thể, huyện Đông Hưng giảm 6 xã, huyện Quỳnh Phụ giảm 2 xã, huyện Tiền Hải giảm 4 xã, huyện Kiến Xương giảm 4 xã, huyện Hưng Hà giảm 2 xã...; số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 265 người, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 106 người.

Quang cảnh Kỳ họp.

Quang cảnh Kỳ họp.

Ngày 15/5, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, thảo luận, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh…

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình đã biểu quyết thông qua 12 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025 và Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025.

Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là 242 đơn vị, giảm 18 xã. Cụ thể, huyện Đông Hưng giảm 6 xã, huyện Quỳnh Phụ giảm 2 xã, huyện Tiền Hải giảm 4 xã, huyện Kiến Xương giảm 4 xã, huyện Hưng Hà giảm 2 xã...; số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 265 người, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 106 người. Số cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư này được hưởng chính sách do Chính phủ quy định.

Sau sắp xếp, mỗi một đơn vị hành chính cấp xã được bố trí 1 trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND và UBND xã; 1 trụ sở làm việc của lực lượng Công an cấp xã; 1 trụ sở Nhà văn hóa xã. Trụ sở, tài sản công không tiếp tục sử dụng sẽ được kiểm kê, đánh giá lại và thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định hiện hành.

Cũng tại Kỳ họp, các đại biểu cũng thông qua các Nghị quyết như: Nghị quyết quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm đối với dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Bình; Nghị quyết Phê duyệt bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024; Nghị quyết phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Nghị quyết Phê duyệt bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024; Nghị quyết phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Bình….

Phát biểu thảo luận, các đại biểu nhất trí và đánh giá các tờ trình trình kỳ họp đều mang tính cấp thiết, quan trọng, có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến vào nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; đồng tình với việc bàn hành các nghị quyết. Các đại biểu đề nghị sau khi nghị quyết được ban hành, các địa phương tăng cường tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm bắt, giám sát việc triển khai thực hiện ở cơ sở; các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong hướng dẫn, triển khai, giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, đúng chính sách để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, phục vụ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Ngoài ra, tại Kỳ họp, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết miễn nhiễm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Trần Thị Bích Hằng do được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình điều động đến nhận công tác tại Huyện ủy Thái Thụy, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức Bí thư Huyện ủy Thái Thụy nhiệm kỳ 2020-2025 (theo Quyết định số 1099-QĐ/TU ngày 10/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình); bầu đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, HĐND tỉnh Thái Bình đã dân chủ thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện và biểu quyết thông qua 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Các Nghị quyết có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và đời sống nhân dân trong tỉnh, là cơ sở pháp lý, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phục vụ mục tiêu cấp bách phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để thực hiện tốt các Nghị quyết, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần tập trung thực hiện tuyên truyền, phổ biến, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết HĐND tỉnh ở các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và tầng lớp nhân dân... Trong đó quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, đồng sức, đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024./.

TH

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tam-nhin-moi-muc-tieu-moi-phat-trien-6-vung-chien-luoc/dong-bang-song-hong/thai-binh-thong-qua-nghi-quyet-sap-xep-cac-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-665151.html