Tạo cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An

Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và trình tự, thủ tục rút gọn.

BÁM SÁT 4 QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

Để phát huy tối đa, sớm đưa Nghị quyết 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những nội dung rất quan trọng là ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhiều lần khẳng định: Việc tập trung phối hợp tham mưu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là một trong những ưu tiên trọng tâm của năm 2024.

Với tính chất đó, thời gian qua, tỉnh Nghệ An, mà trọng tâm là Tổ công tác do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Tổ trưởng đã tập trung phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội xây dựng nội dung dự thảo Nghị quyết với tiến độ rất khẩn trương, đảm bảo chất lượng.

Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh tư liệu: Duy - Cường

Ngày 3/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị quyết số 39/NQ-CP của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024; trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp thứ 32, ngày 19/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, thống nhất bổ sung Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và trình tự, thủ tục rút gọn.

Quang cảnh cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.V

Qua theo dõi nội dung dự thảo Nghị quyết, có thể nói nội dung đã bám sát 4 quan điểm chỉ đạo. Đó là các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, phù hợp với các thông lệ quốc tế và đảm bảo tính khả thi.

Việc đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của tỉnh nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển của tỉnh.

Mặt khác, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An; cũng như đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của tỉnh Nghệ An.

Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

CHÍNH SÁCH PHẢI ĐÚNG, TRÚNG, KHẢ THI

Qua nhiều cuộc làm việc xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; đặc biệt là của Đảng đoàn Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết đi đến thống nhất 19 chính sách thuộc 4 nhóm lĩnh vực trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trong đó, nhóm quản lý tài chính - ngân sách có 5 chính sách; nhóm quản lý đầu tư có 7 chính sách; nhóm quản lý đô thị, tài nguyên rừng có 2 chính sách; nhóm tổ chức bộ máy và biên chế có 5 chính sách.

Tại cuộc làm việc giữa với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội nhấn mạnh một trong những yêu cầu quan trọng là các chính sách phải bảo đảm dễ thực hiện, khả thi.

Thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 trong giai đoạn trước cho thấy, nếu Nghệ An không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh không thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững và rất khó để triển khai, hoàn thành được mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An cho ý kiến về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39 -NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: T.D

Năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và có hiệu lực từ năm 2022, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách trên chưa bảo đảm để thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An trong bối cảnh mới, đặc biệt là để thực hiện được thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Cho nên, để tạo điều kiện cho Nghệ An thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết, nhằm định hướng, tạo động lực giúp tỉnh vươn lên phát triển xứng đáng với vị thế, tiềm năng trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc-Nam của cả nước. Ảnh: Nhật Thanh

Sự vào cuộc rốt ráo, phối hợp nhịp nhàng trong thời gian qua giữa tỉnh Nghệ An, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội nhằm chuẩn bị nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây, sẽ sớm thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung trong việc sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tổ chức vào ngày 25/5/2023. Đó là địa phương phải cố gắng quyết liệt hơn, là chủ lực, là nội lực, là người phải thực hành, không được ỷ lại vào Trung ương; nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng rất quan trọng, không được khoán trắng cho địa phương.

Thành Duy

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tao-co-che-chinh-sach-dac-thu-du-manh-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-nghe-an-post288477.html