Tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Tây Hồ

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, chiều ngày 4/10, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà - Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quận Tây Hồ về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo đó, đoàn đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại ngõ 23, phố Xuân La, phường Xuân La (quận Tây Hồ) đối với các hộ gia đình: Ông Phương Văn Hoàn, ông Nguyễn Văn Dũng, dãy nhà trọ số 55C, nhà số 10 ngõ 23 Xuân La. Qua kiểm tra phát hiện tại bể nước ngầm, bể cảnh ngoài trời, xô, chậu của các hộ dân có chứa ổ bọ gậy. Khi được hỏi người dân còn có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa nhận thức được đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết.

Đoàn công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại quận Tây Hồ.

Đoàn công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại quận Tây Hồ.

Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ, lũy tích từ ngày 1/1 đến ngày 3/10/2023, toàn quận Tây Hồ ghi nhận 354 ca mắc sốt xuất huyết/20 ổ dịch, xếp thứ 21/30 quận, huyện về số ca mắc. Số ca mắc phân bố tại 8/8 phường, các phường có số ca mắc cao như Xuân La 96 ca; Yên Phụ 89 ca; Thụy Khuê 37 ca. Hiện tại 13 ổ dịch đã kết thúc, còn 7 ổ dịch đang hoạt động, không ghi nhận ca tử vong.

Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong thời gian qua, tuy nhiên đoàn kiểm tra nhận định tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Tây Hồ tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch cao. Nguyên nhân chính do công tác diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch và giám sát dịch chưa triệt để.

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cho biết, cùng với cả nước, Hà Nội luôn có sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay thì quan tâm hàng đầu của Thành phố phải là phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bởi lẽ hiện nay điều kiện thời tiết nắng, mưa đan xen, kết hợp với hiện tượng El Nino thuận lợi cho việc thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Do đó, cần quyết liệt triển khai các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, quận Tây Hồ cần tập trung tuyên truyền để từng người dân, từng hộ gia đình nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Kết hợp tuyên truyền với xử lý nghiêm, nhất là đối với chủ các công trình xây dựng, chủ nhà trọ nếu như vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để khi phát hiện ca bệnh, ổ dịch, tuyệt đối không bỏ sót ổ dịch, ca bệnh để ngăn chặn nguồn lây, không để dịch bệnh bùng phát lan rộng…

Liên quan tới công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch số 242/KH-UBND về thực hiện đợt cao điểm truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố năm 2023.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; thông báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh để kịp thời điều trị và có các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và từng người dân trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, cao điểm truyền thông diễn ra trong tháng 10, tập trung tuyên truyền: Chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh; những thông tin cần biết về bệnh sốt xuất huyết, tính chất nguy hiểm và nguy cơ tử vong của bệnh sốt xuất huyết, các triệu chứng của bệnh, sự cần thiết điều trị kịp thời để giảm nguy cơ tử vong, những việc cần làm ngay khi mắc bệnh...

Dụng cụ chứa nước có chứa bọ gậy của một hộ gia đình tại ngõ 23, phố Xuân La.

Dụng cụ chứa nước có chứa bọ gậy của một hộ gia đình tại ngõ 23, phố Xuân La.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tập trung truyền thông cao điểm vào 2 tuyến thông tin chính, gồm: Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là loại trừ nơi đẻ trứng của muỗi vằn, loại trừ ổ bọ gậy, diệt muỗi vằn truyền bệnh và phòng muỗi đốt; khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, đồng thời thông báo cho trạm y tế địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, không tự ý điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, thông tin công khai diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương, như: Số ca bệnh hiện tại, số ca mắc mới, số ổ dịch, phân bổ theo địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn... Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết của chính quyền từ thành phố đến cơ sở; nỗ lực của ngành Y tế thành phố trong phòng dịch và điều trị các ca bệnh.

Truyền thông ghi nhận, biểu dương những tấm gương là cá nhân, tập thể có những sáng kiến, đóng góp tích cực, trong hoạt động phòng, chống dịch. Đẩy mạnh truyền thông cảnh báo các trường hợp chủ quan, lơ là, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc làm dịch bệnh lây lan.

Trong tuần qua, trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.578 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần 200 trường hợp so với tuần trước đó và tăng 1,5 lần so với tuần đầu tiên của tháng 9/2023). Đây cũng là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Như vậy, cộng dồn 9 tháng năm 2023, Thành phố đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-tren-dia-ban-quan-tay-ho-161117.html