Tân Phú nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Năm 2025, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang chạy đua trong xây dựng NTM nâng cao để góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh. Trong đó, Tân Phú do đặc thù huyện vùng núi, địa bàn rộng, dân cư thưa, yêu cầu đầu tư cho hạ tầng nông thôn lại rất lớn nên gặp nhiều khó khăn để đạt mục tiêu đề ra.

Tuyến đường kiểu mẫu tại xã Phú An, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên

Tuyến đường kiểu mẫu tại xã Phú An, huyện Tân Phú. Ảnh: B.Nguyên

Địa phương này đang huy động mọi nguồn lực, xin cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng NTM nâng cao, góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh đến năm 2025.

* Đặt mục tiêu cao

Với quyết tâm nỗ lực, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình Xây dựng NTM 2024-2025 của tỉnh, huyện Tân Phú phải hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Cụ thể, toàn huyện phải có 12/17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, huyện phải đạt nhiều tiêu chí khó theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Trong khi đó, đến nay toàn huyện mới có 4/17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn mới (đạt tỷ lệ 23,5%), 8 xã còn lại chỉ đạt từ 13-15 trên tổng số 19 tiêu chí.

Năm 2024, huyện Tân Phú đặt ra mục tiêu cao là phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn mới, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thị trấn Tân Phú đạt chuẩn đô thị văn minh. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì những tiêu chí còn lại đều là tiêu chí khó.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI nhấn mạnh, huyện Tân Phú phải tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động người dân để có sự đồng thuận, hỗ trợ, cùng chính quyền xây dựng NTM qua những đóng góp cụ thể như: hiến đất, cây trồng, ngày công lao động…

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho biết, cả 5 xã xây dựng NTM nâng cao năm 2024 đều gặp khó khăn đối với các chỉ tiêu về đầu tư trường học. Hiện các trường học đều còn thiếu về cơ sở vật chất theo tiêu chí đề ra do thủ tục đầu tư gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến việc đề nghị kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn. Về tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, các xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới phải đạt từ 65% trở lên. Nhưng đến nay, trên địa bàn nông thôn toàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung chỉ đạt hơn 21,8%. Đời sống người nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả tỉnh, một số hộ nghèo có nguy cơ tái nghèo cao. Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn còn lại trên địa bàn các xã để đáp ứng yêu cầu tiêu chí gặp nhiều khó khăn trong vận động người dân đóng góp. Nguyên nhân do các tuyến đường còn lại đều thưa dân cư, trong khi tuyến đầu tư dài, chi phí rất lớn, dẫn đến mức đóng góp trên mỗi hộ dân khá cao.

* Cần cơ chế đặc thù

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Phú, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là đầu tư về đường giao thông. Huyện mong được tỉnh quan tâm, hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án để đạt tiêu chí về giao thông. Cụ thể, để đạt tiêu chí giao thông đối với đường huyện, toàn huyện còn 2 dự án cần đầu tư với tổng số vốn 127 tỷ đồng. Đối với đường xã, toàn huyện còn gần 55km cần đầu tư để hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao trong năm 2024 với tổng kinh phí khoảng 110 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện mong được hỗ trợ kinh phí khoảng 50 tỷ đồng đầu tư đạt về tiêu chí điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nhu cầu cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn huyện dự kiến là 131 tỷ đồng; trong đó xã hội hóa 90 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại huyện kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi nhận xét, tiến độ thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tân Phú còn chậm so với các địa phương khác của tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2022 và 2023, huyện đã nỗ lực đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Năm 2024, Tân Phú có quyết tâm rất cao khi đặt mục tiêu có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Ngoài nỗ lực hoàn thành các tiêu chí cứng trong xây dựng NTM, huyện cần quan tâm phát triển sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh xuất khẩu; rà soát lại lợi thế của từng địa phương để triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ góp ý, huyện Tân Phú nên tập trung đẩy nhanh các tiêu chí có điều kiện thực hiện. Địa phương gặp nhiều khó khăn, cần rất nhiều nguồn lực để hoàn thành nhiều tiêu chí cứng, nhất là tiêu chí về giao thông nông thôn. Nguồn ngân sách của tỉnh đã có sự phân cấp nên địa phương cần có sự chủ động thực hiện. Đặc biệt, với các dự án xin cơ chế đặc thù, địa phương cố gắng hoàn thành về phần hồ sơ, thủ tục ngay khi tỉnh có chủ trương đầu tư để triển khai nhanh khi được HĐND tỉnh chấp thuận.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định quyết tâm đến năm 2025, Đồng Nai sẽ về đích NTM nâng cao. Trên tinh thần này, các xã, huyện trên địa bàn tỉnh phải quyết tâm thực hiện, góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh. Với những đề xuất, kiến nghị của huyện Tân Phú, các sở, ngành liên quan cần khẩn trương phối hợp với huyện để rà soát, đề xuất với tỉnh trong xây dựng chính sách hỗ trợ, kịp đưa vào kỳ họp của HĐND tỉnh vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, Tân Phú phải chủ động trong công tác vận động người dân tích cực tham gia bảo trì, duy tu, sữa chữa các tuyến đường trên địa bàn huyện.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/tan-phu-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-a8d5d9e/