Tam thất, vị thuốc chữa bệnh phần huyết có phải là thuốc bổ

Thuộc nhóm thuốc hoạt huyết chống tụ máu, tam thất tuy không được xếp trong nhóm thuốc bổ nhưng với các trường hợp huyết hư ứ trệ thì công dụng hoạt huyết của tam thất có ý nghĩa bổ huyết một cách gián tiếp.

Đặc điểm và công dụng của tam thất

Tam thất có tên khoa học Panax Notoginseng (Bark) F. H. Chen., họ Nhân sâm (Araliaceae). Tam thất còn có tên khác là "sâm tam thất"; "kim bất hoán" có nghĩa là "vàng không đổi được" có tác dụng tăng lực tốt giống như nhân sâm nên nhiều người tưởng lầm tam thất là thuốc bổ…

Theo Đông y: Tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm; lợi vào 2 kinh Can và Vị. Có tác dụng cầm máu, hành ứ (tiêu các cục máu đông), dùng trong các trường hợp xuất huyết do máu bị ứ đọng bên trong mạch máu, khiến huyết dịch tràn ra ngoài mạch.

Trên lâm sàng, hiện nay tam thất thường được sử dụng để chữa bệnh thiếu máu; các chứng xuất huyết như ho ra máu, xuất huyết đáy mắt, xuất huyết não, các bệnh huyết mạch như bệnh mạch vành tim, tăng lipid máu, tăng huyết áp, thiên đầu thống (đau nửa đầu)...

Củ tam thất, vị thuốc chữa bệnh về huyết.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại

Thành phần trong tam thất chủ yếu là saponin nhóm dammaran hàm lượng cao giống như trong nhân sâm, ngoài ra còn chứa các acid amin, các chất polyactylen, panaxytriol… xúc tiến hấp thụ chất mỡ, thúc đẩy sự hợp thành protein và acid amin trong cơ thể.

Tam thất có tác dụng cầm máu; rút ngắn thời gian đông máu; xúc tiến quá trình tạo máu. Ngoài ra, tam thất còn có tác dụng hạ huyết áp; giúp điều hòa nhịp tim; Chống xơ mỡ động mạch; Tăng lưu lượng máu trong não, chống thiếu máu não; Tăng cường chức năng miễn dịch; Điều hòa đường huyết; Bảo vệ gan; Phòng chống ung thư; Chống lão suy.

Tam thất chữa bệnh gì?

Tam thất được ưu tiên dùng cho phụ nữ sau sinh giúp nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Tam thất cũng được sử dụng hiệu quả trong các trường hợp bị thương mất máu, trĩ xuất huyết, nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, băng huyết, đa kinh, sau sốt xuất huyết, sốt rét, hoặc các trường hợp thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt…

Món ăn bài thuốc có tam thất:

Gà ác hầm tam thất

Thành phần: Gà ác (gà lông trắng, chân màu chì) 1 con; Tam thất thái lát hoặc tán bột 9g.

Sau khi làm sạch (bỏ hết phủ tạng), cho tam thất vào trong bụng gà, hấp cách thủy cho chín. Ăn liền 3 - 4 tuần. Mỗi tuần 2 - 3 con.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt gà có công dụng ích ngũ tạng, bổ hư tổn, kiện tỳ vị và cường gân cốt. Gà hầm với tam thất tạo nên món ăn thuốc có công dụng ích ngũ tạng, bổ khí huyết, cường gân cốt, hoạt huyết chỉ huyết và giảm đau.

Bột tam thất mật ong không nên dùng trong thời gian dài.

Tam thất trộn mật ong

Tam thất rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn. Ngày 2 lần, mỗi lần 3 - 5g trộn mật ong hoặc dùng với nước ấm để chiêu thuốc.

Công dụng trị suy nhược cơ thể, giảm đau, nhuận tràng, viêm dạ dày, viêm loét da... Trong bài: Tam thất cải thiện chức năng tim mạch, xúc tiến tạo máu, tăng cường miễn dịch lại có thêm tác dụng bổ dưỡng của mật ong giúp tiêu hóa, giải độc và điều hòa vị thuốc…

Lưu ý khi dùng tam thất

Tam thất là vị thuốc chữa bệnh phần huyết (thuốc "hoạt huyết hóa ứ") không nên dùng trong thời gian dài. Cần sử dụng dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.

Khi sử dụng vị thuốc tam thất tránh nhầm lẫn với một số cây khác như:

Tam thất hoang (Panax stipuleanatus H.T.Tsai et K.M. Feng), họ Nhân sâm (Araliaceae).
Tam thất Gừng (Stablianthu thorelli Gagnep.), họ Gừng (Zingiberaceae).
Thổ tam thất (Gynura pinnatifida L.), họ Cúc (Asteraceae),.

Phụ nữ có thai không được dùng tam thất.

Những điều dân gian kiêng kỵ trong ngày Rằm tháng Giêng để cả năm may mắn | SKĐS

ThS. BS Hoàng Khánh Toàn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tam-that-vi-thuoc-chua-benh-phan-huyet-co-phai-la-thuoc-bo-169240224110740727.htm