Tâm thành hướng Phật ắt được gặp Phật

Thời Thế Tôn tại thế, có những trường hợp tu hành vô cùng đặc biệt, chỉ thành tâm hướng Phật và sau đó được gặp Phật rồi chứng ngộ nhanh chóng.

Liên hệ với thời đại chúng ta, tuy cách Phật lâu xa nhưng nếu thành tâm hướng Phật, tin tưởng sâu sắc và thực hành theo giáo pháp, chúng ta sẽ có cơ hội được gặp Ngài qua những hóa thân hoặc thể tánh pháp thân.

Tâm thành hướng Phật

Kinh Giới phân biệt (Trung bộ kinh, số 140) ghi rằng: Khi du hành ở xứ Magadha, Thế Tôn đi đến nhà thợ gốm Bhaggava thì trời tối liền xin nghỉ lại một đêm. Bấy giờ nhà thợ gốm Bhaggava đã có một vị xuất gia đang tá túc, thầy ấy tên là Pukkusati.

Thương thầy Pukkusati, do lòng tin vào Đức Thế Tôn đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với lòng tin tưởng và nhiệt thành với đạo nhưng chưa từng gặp Phật bao giờ. Vì không hề biết bậc Đạo sư nên khi Thế Tôn xin phép được nghỉ lại, thầy rất hoan hỷ. “Rộng rãi, thưa Hiền giả, là trú xứ của thợ gốm. Tôn giả có thể ở, tùy theo sở thích”.

Chúng ta tu tập hiện nay có phần giống với Pukkusati, chỉ biết Phật qua kinh pháp. Với lòng tin trong sạch vào Tam bảo, nguyện đem hết đời mình dấn thân theo giáo pháp của Thế Tôn. Ngài là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Nếu như hiện thời được gặp hóa thân Phật hẳn chúng ta cũng hồn nhiên chẳng khác gì Pukkusati. Câu “tâm thành thì Phật chứng” đối với Pukkusati đã ứng nghiệm.

Pukkusati ngỡ Đức Phật là một bạn đồng tu nên cung kính gọi Ngài là Hiền giả, Tôn giả như bao người tu khác. Đêm ấy Thế Tôn ngồi thiền, Pukkusati cũng ngồi thiền. Tọa thiền xong, Thế Tôn cùng với Pukkusati đàm đạo. “Này, ông xuất gia, y cứ vào ai? Ai là đạo sư của ông? Ông chấp nhận pháp của ai?”. Pukkusati thành thật tỏ bày: “Thưa Hiền giả, có Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama ấy: ‘Ngài là bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn’. Tôi đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Ngài là bậc Ðạo sư của tôi. Và tôi chấp thuận pháp của bậc Thế Tôn ấy”.

Chúng ta tu tập hiện nay có phần giống với Pukkusati, chỉ biết Phật qua kinh pháp. Với lòng tin trong sạch vào Tam bảo, nguyện đem hết đời mình dấn thân theo giáo pháp của Thế Tôn. Ngài là Phật đã thành, chúng ta là Phật sẽ thành. Nếu như hiện thời được gặp hóa thân Phật hẳn chúng ta cũng hồn nhiên chẳng khác gì Pukkusati. Câu “tâm thành thì Phật chứng” đối với Pukkusati đã ứng nghiệm.

Đức Phật đã vì Pukkusati dạy về: “Sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý hành, bốn thắng xứ, chớ có buông lung trí tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí, hãy tu học tịch tịnh”. Sau khi nghe xong pháp thoại, trực giác đã mách bảo cho Pukkusati biết rằng, người đang thuyết pháp cho mình chính là bậc Đạo sư nên chí thành sám hối và xin được thọ giới.

Dù chưa đủ duyên thọ giới Tỳ-kheo nhưng Pukkusati trong quá trình nghe pháp đã phát triển tuệ giác, chứng được Tam quả A-na-hàm, bậc Thánh Bất lai. “Này các Tỷ-kheo, Thiện gia nam tử Pukkusati, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh và từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa”.

Gặp Phật liền giác ngộ

Kinh Bāhiya (Tiểu bộ kinh, kinh Phật tự thuyết [Udàna], chương 1, phẩm Bồ-đề) ghi rằng: Lúc Đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇdịka. Bấy giờ, đạo sĩ Bāhiya tu tập thiền định và sống phạm hạnh (mặc y bằng võ cây) cư ngụ tại Suppāraka, được mọi người tôn vinh, cung kính và cúng dường bốn vật dụng. Một lần, đạo sĩ Bāhiya khởi lên ý nghĩ là mình đã chứng A-la-hán.

Khi ấy, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của Bāhiya, có lòng thương tưởng, biết được ý nghĩ của Bāhiya liền chỉ cho đạo sĩ biết rằng ông không phải là vị A-la-hán, cũng không có đường lối thực hành để có thể trở thành vị A-la-hán. Vị Thiên nhân còn chỉ rõ, hiện nay chỉ có Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác cư ngụ tại Sāvatthi. Chính Đức Thế Tôn ấy không những là bậc A-la-hán mà còn thuyết pháp đưa đến phẩm vị A-la-hán nữa.

Nghe vậy, Bāhiya ngay lập tức đã rời khỏi Suppāraka đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇdịka. Bāhiya nhìn thấy Đức Thế Tôn đang đi khất thực, ông đến gần đảnh lễ: “Thưa Ngài, xin Đức Thế Tôn hãy giảng pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài”. Vì đang đi khất thực nên Phật từ chối không thuyết pháp. Sau ba lần cầu thỉnh cũng như thấy rõ sự cấp thiết nên Thế Tôn đã thuyết giảng:

“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: Trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức. Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.

Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của Khổ.

Khi ấy, với lời giảng tóm tắt này của Đức Thế Tôn, ngay khi ấy tâm của Bāhiya không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc”.

Từ một ngoại đạo, chỉ gặp Phật trong phút chốc, đạo sĩ Bāhiya nghe pháp xong liền “hoát nhiên đại ngộ” thành bậc A-la-hán.

Hướng Phật với hạnh đầu-đà

Đầu-đà (dhuta) là những hạnh tu khắc khổ nhằm dứt bỏ các tham dục về tiện nghi đời sống. Hiện nay, có một số người xuất gia thực hành 13 hạnh đầu-đà này và được nhiều người kính trọng, xem là bậc chân tu, thậm chí có người tôn xưng là Thánh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tư cách Tỳ-kheo của những vị này cũng như cốt lõi của tu hành là giác ngộ chứ không phải khắc khổ đầu-đà.

Trước hết, đầu-đà là hạnh chứ không phải giới. Giới tác thành nên nhân cách Tỳ-kheo, sau đó nhằm tu tập tinh tấn hơn một số vị phát nguyện thọ trì thêm những hạnh đầu-đà. Giữ giới (cư sĩ - 5 giới, Sa-di - 10 giới, Tỳ-kheo - 250 giới) là căn bản, thực hành đầu-đà là gia hạnh, trợ hạnh thêm. Trong Tăng đoàn thời Đức Phật chỉ có một số vị Tỳ-kheo thực hành trọn vẹn 13 hạnh đầu-đà này.

Quan trọng nhất là được gặp Phật. Thầy Pukkusati dù chưa thọ giới Tỳ-kheo nhưng khi gặp Phật nghe pháp liền chứng đến Tam quả A-na-hàm. Đạo sĩ Bāhiya từ xa xôi lặn lội đến gặp Phật, nghe xong pháp thoại cực ngắn liền đắc Tứ quả A-la-hán. Những đệ tử Phật hiện nay dù ở bất cứ vai trò nào, với tâm thiết tha cầu đạo mà thực hành trọn vẹn 13 hạnh đầu-đà thì vẫn có cơ hội giác ngộ, nếu được gặp Phật; gặp Phật qua một trang kinh hay được nghe một lời khai thị khiến tâm bừng sáng.

Kế đến, đầu-đà và khổ hạnh có bản chất khác biệt nhau. Đầu-đà là những hạnh tu khắc khổ, là đỉnh cao của thiểu dục và tri túc, hỗ trợ tích cực cho việc thành tựu giới định tuệ nên được Đức Phật ca ngợi và khuyến khích thọ trì. Trong khi khổ hạnh ép xác là một lối tu cực đoan do tà kiến gây ra, “tự hành khổ mình, khổ đau, chẳng xứng bực Thánh, chẳng liên hệ đến mục đích” (kinh Chuyển pháp luân) nên cần dứt bỏ.

Vị Tỳ-kheo phát nguyện hành đầu-đà là lý tưởng nhất. “Nếu hạnh đầu-đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp đầu-đà ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời” (kinh Tăng nhất A-hàm). “Một Tỳ-kheo thọ 13 pháp đầu-đà là đã gần kề bên Niết-bàn, lại còn lợi ích cho chúng sinh không kể xiết” (Mi-tiên vấn đáp).

Nếu chưa phải là Tỳ-kheo, chỉ là cư sĩ hay tập sự xuất gia mà phát nguyện thực hành những hạnh đầu-đà cũng rất tốt. Sự trui rèn ý chí, kỷ luật nghiêm minh, đời sống khắc khổ, buông bỏ đến tận cùng có tác dụng trợ duyên rất lớn cho việc phát triển giới định tuệ.

Quan trọng nhất là được gặp Phật. Thầy Pukkusati dù chưa thọ giới Tỳ-kheo nhưng khi gặp Phật nghe pháp liền chứng đến Tam quả A-na-hàm. Đạo sĩ Bāhiya từ xa xôi lặn lội đến gặp Phật, nghe xong pháp thoại cực ngắn liền đắc Tứ quả A-la-hán. Những đệ tử Phật hiện nay dù ở bất cứ vai trò nào, với tâm thiết tha cầu đạo mà thực hành trọn vẹn 13 hạnh đầu-đà thì vẫn có cơ hội giác ngộ, nếu được gặp Phật; gặp Phật qua một trang kinh hay được nghe một lời khai thị khiến tâm bừng sáng.

Nếu chưa đủ duyên lành để giác ngộ, người hành đầu-đà xứng đáng là một tấm gương sáng về đạo hạnh và buông bỏ. Hàng đệ tử Phật đều đề cao, kính trọng, ca ngợi người thực hành hạnh đầu-đà. Ai phỉ báng, chỉ trích người thực hành hạnh đầu-đà chính là phỉ báng Như Lai. “Ai tán thán người hành đầu-đà tức là đã tán thán Ta. Vì sao như thế? Vì Ta hằng tán thán các người hành đầu-đà. Ai hủy nhục người hành đầu-đà tức là đã hủy nhục Ta” (kinh Tăng nhất A-hàm).

Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tam-thanh-huong-phat-at-duoc-gap-phat-post71578.html