Tấm áo sơ mi

Nhận túi quà từ tay tôi, chú cười hồn nhiên: Bá về, sang chơi lại có quà gì cho em đấy?

Tôi bắt nhịp nụ cười chú:

- Hôm nay phá lệ! Một là không có chè Thái, vì biết dạo này chú hay mất ngủ. Hai là làm ngược câu ca: "Già được bát cơm canh, trẻ được manh áo mới!". Cơm canh thì thím ấy nấu ngon, mà giờ thì chú cũng kén ăn lắm, tôi chịu không chiều được, lỡ ra "yêu nhau thì cũng bằng mười phụ nhau"...

Minh họa: Hiền Nhân.

Tôi bỏ lửng câu nói, thực ra cũng để thăm dò phản ứng của ông già ngoài 80 này. Chú run run, tay sờ hộp bìa trong túi giấy hỏi lại:

- Thế... Thế là cái gì hả bá?

Tôi nhẹ lời: Đó là một vật thông thường, nhưng ngày xưa chú kỹ càng lựa chọn! Chú cứ rút hẳn ra xem nào!

Vừa đưa chiếc bìa hộp chữ nhật ra, chú ồ lên ngạc nhiên:

- Chiếc áo! Bá cho em áo?

Tôi ngại chú tự ái không nhận nên đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:

- Chả là tôi được bạn bè, học sinh biếu, san sẻ niềm vui với chú! Biết là chú không thiếu nhưng chú vui lòng nhận cho nhé!

- Cảm ơn bá! Em nhận, em nhận chứ! Quà quý của ông anh từ miền ngược về cho thằng em mà!

Tôi bất ngờ về sự dễ tính của chú. Thâm tâm tôi sợ chú không nhận lại kèm theo lời hờn dỗi, trách móc: "Bá nghĩ em thế nào mà cho em áo?". Một tiếng "cho" là tôi chết rồi!

Chú đọc nhãn mác rồi gật gù:

- Việt Tiến, thương hiệu có tiếng đây!

Thấy chú vui vui, tôi được đà:

- Chú mở xem sắc màu, chất vải và mặc thử xem có vừa không, kiểu dáng có hợp không. Nếu không ưng, tôi đổi cái khác!

Nhanh tay hơn chú, tôi roàn roạt mở ra. Mắt chú nhìn, tay chú sờ, nhấc lên, hạ xuống: Áo đẹp cả vải và kiểu dáng, đường chỉ may, cái cúc. Hàng xịn. Việt Tiến loại khá, không phải loại đại trà. Bá khéo chọn màu em thích!

Tiếp đó, không ngần ngại, chú mặc áo, soi gương, miệng tủm tỉm nói: Giặt xong, là lại, mấy hôm nữa họp các cụ, họp khuyến học em mặc áo này! Là nhà giáo, dù có nghỉ dạy rồi nhưng lúc nào cũng phải sạch sẽ, tươm tất, bá nhỉ?

Giọng chú thật chân thành. Nhìn chú, tôi thấy sao chú lúc này giống tôi hơn 50 năm trước đến thế! Tôi giấu không kể chú nghe.

***

Hơn 50 năm trước, tôi lần đầu được mặc chiếc áo kiểu cách, đắt tiền. Áo ấy chú cho tôi.

Năm ấy, tôi lên lớp 10, như lớp 12 bây giờ. Mấy ngày nữa là khai giảng rồi mà chưa thấy bố mẹ cho đi may áo mới. Hai cái áo "phin" trông đường được thì đã bạc phếch và sờn cả rồi! Lớn rồi, biết cảnh nhà, không dám kêu ca nhưng nhìn chúng bạn mà rơm rớm nước mắt. Hôm ấy đang ở nhà bọc lại mấy quyển sách giáo khoa ông bạn học năm ngoái, đi đại học rồi để lại cho thì chú Quang đến. Chú gọi thầy u tôi từ cổng. Tôi ra đón chú:

- Thầy u tôi đi sang ngoại chưa về chú ạ! Chú mới về à?

Chú tươi cười:

- May quá! Có anh ở nhà là được rồi ạ! Em ghé qua nhà.

Chú hơn tôi đến chục tuổi nhưng vẫn giữ nếp họ hàng, một điều anh, một điều em! Trong mắt tôi, chú là một người thành công và chu đáo. Bố chú mất sớm, để gánh nặng gia đình trên đôi vai mới lớn của chú. Để giúp mẹ gầy yếu nuôi hai người em gái, chú bỏ học phổ thông, rẽ ngang đi sơ cấp. Ra trường, chú gác khát vọng bay nhảy, đi dạy ở huyện xa, cuối tuần kẽo kẹt đạp xe về với mẹ, với em.

Từ anh giáo cấp 1, dạy giỏi, cũng do huyện thiếu giáo viên cấp 2, chú được dạy "kê" lớp 5 (lớp đầu cấp này). Bấy giờ, chú đang theo học tại chức để lấy tấm bằng trung cấp. Lo xong cho cô em đầu học và làm y tá, cô út dạy vỡ lòng, chú lấy vợ và kéo thím ấy thoát ly, làm ở hợp tác xã gần nhà để có sổ gạo. Kinh tế gia đình nhờ thế mà qua đận khó khăn. Có một điều người yêu, người ghét chú đều nể chú ở phong thái sinh hoạt. Ở nhà, chú thế nào cũng được, nhưng ra ngoài là chỉn chu, mô phạm.

Tôi mời vào nhà rót nước mời chú. Chiêu ngụm trà xanh, chú chép miệng khen ngon. Nhìn cái gói nhỏ bọc ngoài gọn gàng bằng giấy báo chú để trên bàn, tôi hỏi:

- Chú mua giúp thầy u tôi thuốc lào đấy à?

Chú đắn đo nhìn tôi:

- Không ạ! Thuốc lào phải hợp giọng từng người, mua phải thử, em chịu! Em nhờ bá thôi!

- Tôi hay thầy tôi?

Tôi hỏi thế vì quê tôi gọi anh của bố mẹ là "bá" nhưng thay con cũng gọi như vậy với anh, chị mình. Chú nhìn tôi: Là bá ạ!

Cũng đã mấy lần chú nhờ tôi giải toán, chữa cho mấy câu văn, chắc trong gói báo kia là quyển vở hay sách. Chú mở gói báo ra. Tôi tròn mắt, chiếc áo sơ mi màu hồng nhẹ, lốm đốm chấm li ti. Chú tỏ ra ngần ngại:

- Bá giúp em mặc cái áo này. Em trót mua, mua về rồi mới thấy nó trẻ quá so với tuổi mình. Cũng là lỗi mốt. Trả thì không được mà mặc thì học sinh nó cười!

Tôi thích lắm nhưng cũng lúng túng thật sự:

- Cái này... cái này tôi phải hỏi thầy u tôi.

Chú nói ngay: Em bảo hai bá rồi! Hai bá bảo "cứ đem cho anh".

Tôi nghĩ thầm hai cụ kín thế, mua áo cho mình rồi mà giấu nhẹm!

Chú Quang gỡ từng chiếc cúc đã cài, đưa tôi áo:

- Bá mặc thử em xem có vừa không?

Tôi cầm áo mà cả người run run. Vải áo mát mà mịn, đúng là poplin, cúc nilon cùng màu, cổ đứng (chứ không cổ bẻ như tôi hay may). Tôi mặc vào thấy áo vừa chằn chặn với mình - là tôi nghĩ thế! Tôi nhìn chú lâu lâu, khẽ nói:

- Hóa ra, chú không to người hơn tôi nhỉ?

Hình như chú giật mình, nhìn đi nơi khác, rồi quay lại, gật gật đầu:

- Vâng! Bá dày mình! Bá đang độ lớn nên mặc cũng xông xênh một tý. Em tính, à em nghĩ thế!

Chú chào tôi ra về, tôi để ý bước chân chú không ngập ngừng như lúc đến. Chú về rồi, tôi cứ hết xoay người, lại sờ túi, sờ cổ áo, vai áo và ngắm hai bên "măng sét". Người cứ lâng lâng, không muốn cởi áo ra.

Trưa, thầy u tôi về. Tôi vừa khoe vừa trách dỗi:

- Thầy u mua cho con áo mới mà còn giấu. Chắc là sợ em con tỵ. Áo đẹp và nhiều tiền thế! Chú Quang đưa con rồi. Chú nói thật áo lỗi không hợp với chú, lấy giúp chú, mà con soi mãi chẳng thấy lỗi ở đâu. Con thích lắm! Con cảm ơn thầy u! Con sẽ cố gắng học ạ!

Tôi nói liền một mạch chả để ý thầy u tôi đứng như trời trồng. Tôi nói xong, u tôi xuống bếp, còn thầy tôi bảo tôi lấy áo mặc thầy xem.

- Ừ! Áo đẹp! Con mặc vừa! Mà này, các cụ dạy rồi đấy nhé: "y phục xứng kỳ đức". Áo đẹp người phải đẹp. Thầy nói chữ "đức" đây nghĩa rộng hơn, là có "trí" nữa đấy nhé!

"Cụ đồ Nho" - tôi kính trọng gọi thầy tôi thế, như người làng, vì thầy tôi biết chữ Nho, cả tiếng Pháp - đã nói thế là phải tuân rồi! Tôi không muốn kể dài dòng, chỉ nói ngắn thế này: Nhờ chiếc áo mới mà tôi tự tin cả trong việc học và việc yêu!

Hôm khai trường, mặc áo này, các bạn đều nhìn tôi trầm trồ. Cao hứng tôi hỏi: "Liệu tớ có tương lai đại học không ?" Buột miệng ra là tôi thấy ngay mình hớ. Chúng cười ồ cả lên. Một đứa nhếch mép: "Cái áo không làm nên thầy tu!". Tôi ngượng ngập, nhưng nghĩ nó nói cũng đúng. Trót nói ra mơ ước của mình rồi, từ ấy tôi càng cắm đầu vào học! Tôi đạt học sinh tiên tiến, vào đại học.

Nói thật, chiếc áo đẹp ấy tôi cũng không mặc thường xuyên. Chọn ngày, chọn "sự kiện" để diện. Đi học thì mặc trong những sáng thứ Hai chào cờ, những ngày liên hoan, dã ngoại, ngày tổng kết phát thưởng và ngày thi tốt nghiệp! Và mặc khi gặp và đi chơi với người con gái mình yêu. Sau này, khi đã thành vợ tôi rồi, cô thủ thỉ:

- Em thấy anh chững chạc và lịch lãm, có chí, lại tôn trọng em khi mặc áo đẹp đến với em! Em cũng biết nhà mình - ơ hồi ấy là "nhà anh" - còn khó khăn, nhưng thầy u bỏ đống tiền mua áo không phải vì sĩ diện khoe khoang mà đặt niềm tin vào anh, dành tình thương cho anh! Một gia đình như thế, một chàng trai như thế, sao em có thể không chọn?

Nghe vợ nói mà tôi thấy mát lòng, hả dạ, cũng kể cho vợ nghe "lai lịch" cái áo.

- ... Một tuần sau ngày chú Quang đưa áo, anh đã mặc thì vô tình nghe được thầy u nói chuyện với nhau. Thầy bảo: "Quang nó về, tôi vừa sang". Tôi hỏi nó: "Cháu mua áo cho anh à? Bá biết không phải là áo lỗi, áo vừa với anh trong khi nó nhỏ người hơn cháu! Để bá giả tiền cháu!". Quang thanh minh: "Có gì đâu bá! Anh sắp vào lớp cuối, cháu muốn tặng cái áo để anh có động lực học. Sợ bá và anh không nhận, cháu phải làm ra thế! Bá thông cảm cho cháu! Bá ơi! Cháu và anh cùng giọt máu đào!". Tôi lặng đi: "Cháu đã khá khẩm gì, còn mẹ, còn lũ em, rồi con cái. Mà áo lại mua bằng phiếu vải cung cấp". Nó cứ một mực là nó thu xếp được. Tôi đành ép nó nhận 2 mét phiếu vải thường. Nghe thầy nói vậy, u xuýt xoa: "Cũng không phụ tấm lòng nó được. Anh cháu ấy rất thương người, lo cho việc học của con em. Đúng là thầy giáo! Thương con, mình cũng phải ứng xử thật tốt với mẹ con nhà Quang".

Vợ tôi nghe tôi nói mà

mủi lòng: Thế mà giờ em mới biết!. Tôi gật đầu: Chú Quang chắc cũng quên, có lần anh nói xa gần mà chú chả phản ứng gì. Nhưng anh thì anh rất nhớ! Muốn biếu chú quần áo mà lại ngại chú bảo mình sòng phẳng, anh em mà sòng phẳng quá cũng không nên!

Thời gian trôi thật mau! Bây giờ tôi và chú đã là hai cựu giáo, chú ngoài 80, nghỉ hưu ở quê, còn tôi ngoài 70 định cư xứ Bắc. Lần nào về tôi cũng sang chú, biếu chú ít quà miền núi. Hai tháng trước, có việc về quê, sang chú, thấy chú gầy hơn, hỏi ra mới biết chú đi viện vừa về. Tôi dúi vào túi áo chú mấy trăm: "Tôi ở xa, không biết chú ốm! Nhờ chú tự mua giúp tôi cân đường, hộp sữa nhé!". Chú trầm trầm: "Bá thật khéo! Già rồi, ai chả có bệnh. Bá nghỉ hưu khác gì em!". Tôi nhìn chiếc áo chú mặc, đùa vui:

- Cái ông diện nhất xóm mà giờ chịu mặc áo cũ à? Vẫn size, số đo cũ, giữ phom bền thật!

Chú cũng tự nhìn mình:

- Vẫn chung thủy số đo mấy mươi năm. Thì vẫn thích diện, nhất là hội họp không thể úi xùi! Nhưng em không tùy tiện mặc, phải đi lên nơi tin cậy để mua, mà giờ chịu không đi xe máy được.

Tôi nghĩ nhanh: Có cớ để tặng áo ông này rồi, chả nhẽ bảo ông đi ngay với mình lên thành phố. Thế thì ông bỏ tiền mua ngay.

***

Cho nên hôm nay...

Chú mở tủ cất áo. Tôi nhìn theo, trong tủ cũng có một hộp đựng áo chưa mở. Chú cẩn thận lấy nó ra, rồi khoe: Mấy hôm trước, cô em gái vừa gửi về cho chiếc áo này. Không biết cô em ngố hay muốn trẻ hóa ông anh mà gửi áo màu cho thanh niên 18, 20 mặc. Không mặc nó bảo mình khó tính, mà mặc thì...

Tôi khích lệ: Thì cứ mặc cả hai. Làng mình giờ cũng tân tiến rồi, không ai hẹp nhìn, hẹp bụng đâu!

Chợt chú reo lên như một đứa trẻ: Vâng, hai cái thay nhau mặc cũng hay. Nhưng em nghĩ ra rồi! Có cách hợp tình, hợp lý hơn!

Tôi tò mò:

- Gì thế? Cụ nghĩ ra gì thế?

Chú thong thả vỗ vỗ vào cái áo em gái gửi: Trao áo cho cháu Nghĩa, con nhà Nhân. Thằng bé vừa đỗ Bách khoa, khoa Công nghệ thông tin. Vợ mất vì bạo bệnh, chú Nhân gà trống nuôi con, may mà con nó ngoan, chăm, học giỏi. Cũng là san sẻ với chú ấy và khích lệ cháu Nhân, sợ nhất là bố con nó nghĩ khác. Nên không bá?

Tôi nắm tay chú:

- Tuyệt quá! Chú rất tuyệt! Nên, rất nên chú à! Là động lực cho cả bố con Nhân, Nghĩa đấy!

Suýt nữa tôi nói ra câu như tôi năm nào ấy. May mà tôi kịp dừng lại. Bàn tay chú vẫn trong tay tôi, ấm áp. Bỗng ngón tay chú đan vào ngón tay tôi:

- Bá đi cùng em nhé! Hai anh em mình cùng đi cho vui.

Thấy tôi không nói gì, chú đoán là tôi đắn đo nên nói tiếp:

- Cả hai anh em sang, bác nói thêm vào chắc bố con nó không nỡ chối từ!

Tôi nhận lời. Đi bên chú, tôi thấy sao ngoài 80 rồi, chú vẫn còn trẻ thế! Nụ cười vẫn tươi, ánh nhìn vẫn sáng! Tôi nghĩ thầm, cái ông giáo này, nhận và cho đều chân thành và ý nhị!

Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tam-ao-so-mi-075336.bbg