Sức hút của bức tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không chỉ ở Thành phố Điện Biên Phủ mà ngay tại Thủ đô Hà Nội thời điểm này, bức tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang có sức lôi cuốn hấp dẫn đông đảo người dân và du khách tới chiêm ngưỡng.

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong tình trạng quá tải dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Hàng ngàn người dân xếp hàng chờ vào xem tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Dịp đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày, hàng ngàn người dân và du khách tới Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để cùng nhau sống lại những năm tháng hào hùng của 70 năm về trước trên chiến trường Điện Biên Phủ - thông qua những hiện vật, bức tranh, câu chuyện lịch sử sống động. Một trong những điểm thu hút đông đảo người dân và du khách tại bảo tàng, là bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Trường đoạn 4 trong bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ": Khung cảnh hào hùng “Chiến thắng Điện Biên” với điểm nhấn là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954 - Ảnh: VGP

Đây là bức tranh panorama được coi là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh.

Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m. Bức tranh có tổng diện tích là 3.225m2 tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ.

Nội dung bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được chia làm 4 trường đoạn, tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cụ thể, 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề rõ ràng gồm: Trường đoạn 1: "Toàn dân ra trận" với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến; Trường đoạn 2: "Khúc dạo đầu hùng tráng" với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta; Trường đoạn thứ 3: "Cuộc đối đầu lịch sử" với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa; Trường đoạn 4: Khung cảnh hào hùng về "Chiến thắng Điện Biên" với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên, với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Dòng người dài xếp hàng chờ xem bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: K.Minh

Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều hào hứng xếp hàng xem tranh. Ảnh: K.Minh

Để đến lượt bước qua cánh cửa dẫn lên phòng tranh nhiều người phải chờ 15-30 phút. Ảnh: K.Minh

Rất đông người dân và du khách lần lượt tháo dép và kiên trì chờ đến lượt nhập vào hàng người chờ xem tranh. Ảnh: K.Minh

Theo quan sát của phóng viên Công dân và Khuyến học, trong số hàng nghìn người đến Bảo tàng, đa số đều cố gắng được chiêm ngưỡng bức tranh panorama hoành tráng về chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại khu vực phòng tranh luôn luôn trong tình trạng quá tải, dòng người kéo dài xếp hàng chờ đến lượt bước qua cánh cửa nhỏ để lên phòng tranh. Ai ai cũng tuân thủ trật tự, nội quy, tháo giày dép để giữ vệ sinh chung và chờ đến lượt mình. Từ các cụ già đến trẻ nhỏ đều hân hoan, háo hức chờ được xem bức tranh lịch sử về trận chiến "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Sau 30 phút xếp hàng và chiêm ngưỡng bức tranh panorama, mẹ con chị Thu Minh (Long Biên, Hà Nội) phấn khởi cho biết về thời khắc tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng bức tranh kỳ vĩ, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu từng trường đoạn hùng tráng của chiến dịch Điện Biên Phủ, ai nấy xem tranh đều ngập tràn cảm xúc tự hào. Theo chị Thu Minh, bức tranh đã mô tả, khắc họa rõ nét 56 ngày đêm hào hùng của quân và dân ta để làm nên chiến thắng Điện Biên – thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ tới người xem.

Anh Quang Tú (Đống Đa, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Bức tranh không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn giúp hiểu thêm những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ 70 năm về trước".

Trần Vũ - học sinh Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ niềm tự hào khi được xem bức tranh và nghe thuyết minh về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh: K.Minh

"Cháu thích nhất được xem tranh cùng với âm thanh và ánh sáng phụ họa, cảm giác sống động, rõ nét những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ đầy hi sinh, gian khổ và giành thắng lợi huy hoàng của cha ông" – Trần Vũ, học sinh Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói.

Nhiều người dân và du khách nhận định, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ. Ở đó, bức tranh panorama nói riêng không chỉ mang giá trị về lịch sử mà còn là thông điệp về khát vọng hòa bình góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Chiêm ngưỡng tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngay tại Hà Nội

Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được trưng bày tại trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: LĐ

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, chiều 6/5, bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" cũng vừa được Báo Nhân Dân đưa đến với công chúng thủ đô và du khách thông qua Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm được khai mạc đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Tại đây, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bức tranh panorama bao quanh hình tròn đường kính 5,5 mét, chiều cao hơn 3 mét và trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường với mô hình tranh panorama 360 độ.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cùng các đại biểu và công chúng tham quan bức tranh panorama bao quanh hình tròn đường kính 5,5m, chiều cao hơn 3m. Ảnh: ND

Trong chương trình khai mạc Triển lãm, Báo Nhân Dân đã tặng phụ trương đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ cho khách tham quan tại cả hai địa điểm triển lãm tại Hà Nội và Điện Biên. Qua đó, người dân và du khách còn có cơ hội trải nghiệm bức tranh panorama qua việc tích hợp các tính năng tương tác để trải nghiệm nội dung mở rộng.

Bạn đọc có thể cắt các trang báo Nhân Dân số đặc biệt, ghép thành bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" dài tới 3,21 m (kỷ lục đối với sản phẩm báo in) rồi treo trong phòng khách, nơi công cộng hoặc chụp ảnh check-in trên mạng xã hội cùng các hashtag #chienthangdienbienphu #dienbienphu.

Bạn đọc có thể cắt các trang báo Nhân Dân số đặc biệt, ghép thành bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" dài tới 3,21 m. Ảnh: ND

Những người yêu thích công nghệ có thể trải nghiệm tương tác bằng cách dùng điện thoại quét các mã QR trên tranh hoặc tải ứng dụng xem hình ảnh chuyển động bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR).

Đông đảo người dân và du khách đã tới chiêm ngưỡng bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ", trong đó, nhiều khách du lịch nước ngoài đầu đội mũ tai bèo, say sưa ngắm bức tranh panorama và tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Triển lãm mở cửa tự do từ 9h-17h từ ngày 7/5/2024 đến 12/5/2024.

Đông đảo du khách nước ngoài tới chiêm ngưỡng bức tranh lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: LĐ

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, lần đầu tiên Báo Nhân Dân mở cửa tự do cho công chúng vào tham quan triển lãm tương tác tranh panorama. Thông qua triển lãm này sẽ giúp khán giả không những có cơ hội xem những hình ảnh ấn tượng mà còn tương tác với hình ảnh, đọc thêm nhiều thông tin về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây sẽ là cơ hội để người dân hiểu thêm về lịch sử hào hùng của đất nước.

Ông Lê Quốc Minh cũng bày tỏ hy vọng các em học sinh, sinh viên thông qua triển lãm này cũng như các sự kiện, hoạt động khác của báo chí trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hiểu thêm về lịch sử đất nước và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai.

Người dân và du khách Thủ đô có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D mapping tại tượng đài Cảm tử ngày 3/5 đến 7/5 và trụ sở Báo Nhân Dân từ ngày 7/5/2024 đến 12/5/2024. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, vào tối 3/5, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình trình chiếu bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" bằng công nghệ 3D mapping tại tượng đài Cảm tử (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bức tranh được đưa từ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) về Hà Nội thông qua công nghệ trình chiếu 3D Mapping. Bức tranh đã thu hút hàng ngàn người dân Thủ đô Hà Nội đến chiêm ngưỡng tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm.

Thời gian trình chiếu bức tranh diễn ra từ ngày 3/5 đến 7/5.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc trình chiếu bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm truyền tải rộng giá trị lịch sử để người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về những hy sinh to lớn của cha ông, hiểu hơn về giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định đưa bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ Điện Biên về Hà Nội bằng công nghệ 3D Mapping để thêm nhiều người được trải nghiệm, từ đó lan tỏa lòng yêu nước, yêu lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ. Ảnh: vneconomy

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, việc trình chiếu 3D bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là một trải nghiệm, mà sẽ góp phần quảng bá, nuôi dưỡng sự trân trọng sâu sắc hơn đối với lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, không phải tất cả mọi người đều có thể đến Điện Biên xem bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được, nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định đưa bức tranh từ Điện Biên về Hà Nội để thêm nhiều người được trải nghiệm, từ đó lan tỏa lòng yêu nước, yêu lịch sử, nhất là với thế hệ trẻ.

Bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ do gần 200 họa sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện, bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 360 độ, chiều cao 20,5 m, chiều dài 132 m, đường kính 42 m, phần đắp nổi sắp đặt các mẫu vật nối tiếp, phần mái vòm thể hiện bầu trời hòa bình tạo nên một bức tranh có tổng diện tích hơn 3.000 m2. Các họa sĩ đã khắc họa hơn 4.500 nhân vật, sự hùng tráng ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 từ hàng ngàn tư liệu lịch sử được sưu tầm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các chứng nhân lịch sử đã tạo nên bức tranh sống động, một kiệt tác về hội họa trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh là tác phẩm nghệ thuật khắc họa rõ nét 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của quân và dân ta để làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với sự kết hợp giữa kỹ xảo, màu sắc, âm thanh sống động, buổi trình chiếu khiến nhiều người dân trong nước, bạn bè quốc tế thích thú. Thông qua buổi trình chiếu, công chúng, du khách cảm nhận và hiểu thêm về mốc son chói lọi của Việt Nam một cách trực quan và sinh động nhất.

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/suc-hut-cua-buc-tranh-panorama-ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-179240507005441301.htm