Số ca thương vong vì bom mìn tại Campuchia tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm

Trong 4 tháng đầu năm nay, số ca thương vong do bom mìn tại Campuchia đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh chính phủ nước này đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa sổ bom mìn vào năm 2025.

Theo số liệu do Cơ quan Hành động Bom mìn và Hỗ trợ Nạn nhân Campuchia (CMAA) công bố, trong 4 tháng đầu năm 2024, tại nước này đã có đến 23 nạn nhân của bom mìn, tăng 92% so với con số 12 nạn nhân cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ly Thuch, Bộ trưởng cấp cao, Phó Chủ tịch thứ nhất của Cơ quan Hành động Bom mìn và Hỗ trợ Nạn nhân Campuchia cho biết, con số trên là rất đáng tiếc, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn và rà phá bom mìn.

Trẻ em chơi gần một biển cảnh báo bom mìn ở khu vực biên giới Campuchia với Thái Lan. Ảnh: AP

Ông Ly Thuch nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến số nạn nhân tăng. Nổi bật là tình trạng lũ và mưa lớn làm xói lở đất, cuốn theo bom mìn đến những vị trí nằm ngoài dự kiến và khu vực đánh dấu, dẫn đến thương vong. Nguyên nhân thứ hai là do nhận thức của một số người dân về nguy hiểm của bom mìn vẫn còn hạn chế, tự ý canh tác, trồng trọt tại những khu vực chưa hoàn thành rà phá bom mìn.

Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do bom mìn, bom đạn chùm và vật liệu nổ còn lại sau chiến tranh (ERW). Ước tính có khoảng 4-6 triệu quả bom mìn và các loại vật liệu nổ khác còn lại trên đất Campuchia sau nhiều thập kỷ chiến tranh, xung đột và mới chỉ hoàn toàn chấm dứt vào năm 1998.

Một nghiên cứu cũng cho thấy, trong giai đoạn 1965-1973, Mỹ đã thả hơn 230 nghìn quả bom xuống hơn 113 nghìn địa điểm tại Campuchia. Trong giai đoạn 1979-2022, bom mìn và vật liệu nổ các loại đã làm gần 20 nghìn người chết, hơn 45 nghìn người bị thương trên khắp Campuchia.

Chính phủ Campuchia đang thúc đẩy mục tiêu xóa sổ hoàn toàn bom mìn vào năm 2025. Một loạt địa phương như thủ đô Phnom Penh, các tỉnh Kratie, Stung Treng, Kep, Prey Veng, Preah Sihanouk, Tboung Khmum, Kampong Cham, Svay Rieng, Mondulkiri, Kampong Chhnang, Kandal, Takeo, Kampot, và Kampong Speu đã được công bố là không còn bom mìn.

Mới đây Campuchia đã được bầu làm nước đăng cai Hội nghị rà soát Công ước cấm mìn sát thương lần thứ 5, dự kiến diễn ra tháng 11 tới. Campuchia đã đặt tên cho sự kiện là “Hội nghị thượng đỉnh Siem Reap-Angkor về một thế giới không có bom mìn”, với sự tham gia của 164 quốc gia thành viên và quốc gia quan sát, cũng như nhiều tổ chức, cơ quan quốc tế.

Văn Đỗ-Tuấn Anh/VOV-Phnom Penh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/so-ca-thuong-vong-vi-bom-min-tai-campuchia-tang-manh-trong-4-thang-dau-nam-post1092429.vov