Sau những lùm xùm, bảo hiểm làm gì để củng cố niềm tin khách hàng?

Bước qua giai đoạn khó khăn nhất, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực mang đến sự an toàn và minh bạch.

Tại hội thảo “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn và giải pháp”, tổ chức ngày 16-5, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã chia sẻ các giải pháp mà cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trong thời gian qua.

Các giải pháp bao gồm cải tiến sản phẩm sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn; cải tiến các quy trình nghiệp vụ giúp việc thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện hơn; nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng tư vấn...

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam) cho rằng, ngành bảo hiểm nhân thọ “chỉ có thể bền vững nếu lợi ích nhà sản xuất, nhà phân phối, khách hàng được duy trì ở mức cân đối, chấp nhận được”. Thời gian qua có sự mất cân đối nghiêm trọng với một số khách hàng, thể hiện ở quyền lợi của họ không giống như những gì họ hiểu và kỳ vọng.

Do đó, theo ông Sơn để ngành bảo hiểm hoạt động bền vững và lành mạnh hơn cần duy trì sự cân bằng tương đối giữa 3 nhà - sản xuất, phân phối và khách hàng, muốn vậy giải pháp cần tập trung để bảo đảm sự cân bằng đó.

 Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành bảo hiểm. Ảnh: M.T

Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành bảo hiểm. Ảnh: M.T

Nhìn nhận về tiềm năng thị trường bảo hiểm nhân thọ, ông Ngô Trung Dũng cho rằng, năm nay sẽ tiếp tục khó khăn vì các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực để đáp ứng các quy định mới khá chặt chẽ.

Trong đó việc hạn chế bán hàng qua kênh ngân hàng cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, khó có tăng trưởng lớn như các năm trước. Song điều đáng mừng là các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng các biện pháp thiết thực để khôi phục niềm tin.

Ví như, nhiều doanh nghiệp đã cải tiến bộ hợp đồng bảo hiểm để tăng cường tính minh bạch và trải nghiệm khách hàng. Trước đây, bộ hợp đồng quá nhiều nội dung với các thuật ngữ đã khiến khách hàng phản ánh khó hiểu về sản phẩm. Hiện nay đã có bản tóm tắt quy tắc và điều khoản bên cạnh quy tắc, điều khoản sản phẩm đầy đủ, giúp khách hàng thuận tiện hơn khi đọc hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cải tiến các quy trình nghiệp vụ. Cụ thể, sau những lùm xùm về việc khách hàng phản ánh không được tư vấn đầy đủ thì quy định cuộc gọi chào mừng chặt chẽ hơn, mua hàng ẩn danh để kiểm tra chất lượng tư vấn. Đặc biệt là việc ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm được thực hiện tích cực.

Đồng tình cho rằng các giải pháp mà doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực triển khai, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, để phát triển bền vững, không thể thiếu trách nhiệm từ phía khách hàng.

"Khách hàng là mục tiêu cuối cùng của bảo hiểm, nếu khách hàng không đọc kỹ hợp đồng mà ký thì không ổn, khách hàng phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đúng sự thật", ông Đức lưu ý.

Phí bảo hiểm nhân thọ tăng 50%, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 4% vào 2050

Cũng tại Hội thảo, bà Wai-duen Lee, Phó Giám đốc của PwC Hồng Kông cho biết, sự đóng góp của bảo hiểm nhân thọ vào việc tích lũy, đầu tư có tác động thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, các chuyên gia từ PwC đã sử dụng mô hình tăng trưởng dài hạn của World Bank vạch ra 3 kịch bản của GDP dự kiến tương ứng với 3 mức tăng phí bảo hiểm nhân thọ. Kết quả cho thấy, phí bảo hiểm nhân thọ tăng 50%, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 4% vào 2050.

Với trường hợp bảo hiểm phi nhân thọ, PwC dự tính nếu phí bảo hiểm tăng 50%, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 2,1% từ năm 2024-2050.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-nhung-lum-xum-bao-hiem-lam-gi-de-cung-co-niem-tin-khach-hang-post790902.html