Sắp xếp, hoàn chỉnh trụ sở làm việc của khu phố mới: Đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của người dân

Thực hiện chủ trương chia tách khu phố, nhiều phường, xã trên địa bàn TPHCM có số lượng khu phố tăng đột biến đã gặp phải tình trạng thiếu trụ sở khu phố để làm việc, cán bộ khu phố phải nỗ lực vượt qua khó khăn để phục vụ người dân.

8 khu phố dùng chung 1 trụ sở

“Để giảm tải cho điểm làm việc chung, cán bộ khu phố 14 mới (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) đã sử dụng nhà của Bí thư chi bộ làm trụ sở tạm thời của khu phố. Nhờ sự chủ động đó mà các hoạt động ở khu phố từ sinh hoạt Đảng đến chính quyền, mặt trận, đoàn thanh niên… vẫn diễn ra bình thường”, ông Trần Văn Dương, Bí thư chi bộ khu phố 14 mới, nguyên là Bí thư Chi bộ khu phố 6 (cũ), chia sẻ.

Ông Trần Văn Dương cho biết, thực hiện chủ trương chia tách khu phố, Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) là phường có số dân đông nhất thành phố, từ 9 khu phố chia tách thành 44 khu phố. Trong đó, riêng khu phố 6 được tách thành 8 khu phố mới, nhưng chỉ có 1 trụ sở để làm việc. Có một trụ sở riêng để làm nơi sinh hoạt cho người dân là mong muốn của cán bộ, người dân khu phố 14.

Những ngày giữa tháng tư, trụ sở khu phố 6 (cũ) đang được sử dụng làm điểm làm việc chung của 8 khu phố vẫn diễn ra hoạt động bình thường. Trụ sở khu phố 6 (cũ) vốn đã hẹp nay càng chật chội hơn, khi cán bộ cả 8 khu phố cùng đến làm việc.

Nhiều người dân không khỏi bối rối khi đến trụ sở khu phố vì chưa biết đâu là cán bộ của khu phố mình, dù mỗi khu phố mới có bàn làm việc riêng. Cũng như khu phố 14, để giảm áp lực cho trụ sở khu phố 6 (cũ), cán bộ các khu phố sử dụng nhà ở làm nơi giải quyết công việc, chủ động đi cơ sở gặp người dân thay vì ngồi ở trụ sở khu phố.

Trụ sở khu phố 6 (cũ) phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM nay trở thành trụ sở làm việc của 8 khu phố mới

Ông Nguyễn Quang Trung, nhân viên bảo vệ dân phố phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), nguyên tổ trưởng tổ 41 khu phố 6 (cũ), cho hay, cán bộ các khu phố luôn động viên nhau cùng khắc phục khó khăn để mọi hoạt động được thông suốt, không bị ngưng trệ. Những ngày nắng nóng, chốt dân phòng khu phố 6 (cũ) chật hẹp, nóng bức nhưng mọi người cố gắng vượt qua để phục vụ người dân tốt hơn. Không riêng lực lượng bảo vệ mà 220 nhân sự cho 5 chức danh của 44 khu phố mới trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh đang làm việc trong điều kiện thiếu trụ sở, bàn ghế nhưng vẫn nỗ lực để hoàn thành tốt công việc.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), sau khi thực hiện chia tách, ngoài 9 trụ sở khu phố cũ, địa phương cần phải xây dựng 35 trụ sở khu phố mới để đáp ứng đủ chỗ làm việc. Trụ sở khu phố không chỉ là nơi làm việc mà còn cần có không gian để người dân sinh hoạt, tổ chức các hoạt động xã hội.

Ông Trần Văn Dương cho biết, điều khó khăn ở địa phương không chỉ là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng mà còn khó tìm được địa điểm, mặt bằng hợp lý để làm trụ sở khu phố, khi quỹ đất công không còn nhiều. Với phường Hiệp Bình Chánh phải cần đến 35 mặt bằng để xây trụ sở khu phố mới, diện tích đất lên đến hàng ngàn mét vuông sẽ khó thực hiện nếu không có sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Không riêng phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), ở nhiều phường, xã trên địa bàn TPHCM, sau khi thực hiện sắp xếp lại khu phố, số lượng khu phố tăng nhiều lần. Cụ thể, tại phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức) từ 6 khu phố tăng thành 34 khu phố; phường 13 (quận Bình Thạnh) từ 4 khu phố tăng thành 30 khu phố; phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) từ 27 khu phố tăng thành 52 khu phố…

Để có một trụ sở khu phố khang trang phải cần diện tích đất trên dưới 100m², kinh phí xây dựng hàng trăm triệu đồng. Vì thế, việc xây mới hàng chục trụ sở khu phố sẽ là gánh nặng đối với nhiều phường, xã hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Thanh Khiêm, Chủ tịch UBND phường 13 (quận Bình Thạnh), thông tin, hiện nay chính quyền địa phương đã chủ động sắp xếp, bố trí để tất cả cán bộ khu phố đều có chỗ làm việc. Tuy nhiên, tình trạng “ở tạm” không thể kéo dài mà cần phải đầu tư xây dựng trụ sở khu phố mới khang trang, chỉn chu, đáp ứng được nhu cầu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Trong điều kiện hiện nay, để xây dựng 26 trụ sở khu phố mới thì nỗ lực của địa phương là chưa đủ, mà rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức của cấp trên.

Trụ sở làm việc cho các khu phố mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Thực tế cho thấy, để “an cư lạc nghiệp”, cán bộ khu phố có nơi làm việc, người dân có điểm sinh hoạt cộng đồng thì ngoài quá trình khắc phục khó khăn, nỗ lực của các khu phố, phường, xã, còn rất cần chính sách, sự hỗ trợ kịp thời của các quận, huyện và sở, ngành liên quan.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sap-xep-hoan-chinh-tru-so-lam-viec-cua-khu-pho-moi-dap-ung-nguyen-vong-va-nhu-cau-cua-nguoi-dan-post738572.html