Sáng kiến giáo dục hợp thời

Hội đồng nhân dân về biến đổi khí hậu của Quốc hội Scotland đang kêu gọi chính phủ đưa chương trình giáo dục về biến đổi khí hậu thành môn bắt buộc, giúp học sinh nâng cao nhận thức và hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu.

Học sinh tiểu học ở Scotland trong một tiết học về môi trường. Ảnh: TES

Học sinh tiểu học ở Scotland trong một tiết học về môi trường. Ảnh: TES

Đây cũng là khuyến nghị được chú ý nhất trong số 18 khuyến nghị trong báo cáo mới nhất mà hội đồng này trình lên quốc hội hôm 16-4. Báo cáo viết: “Cần phải đưa biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy như một môn học bắt buộc từ tiểu học đến trung học, trẻ em nên tham gia vào việc phát triển môn học này để tất cả đều được nâng cao nhận thức, có cơ hội tham gia đối thoại, tác động đến cha mẹ và giúp thay đổi từ gia đình đến xã hội ở cấp địa phương”. Ngoài ra, sự hiểu biết về biến đổi khí hậu sẽ cho phép tất cả học sinh có được kiến thức cơ bản về các chủ đề khác như sản xuất năng lượng, các vấn đề toàn cầu và cơ hội việc làm xanh.

Hội đồng nhân dân về biến đổi khí hậu được thành lập để hỗ trợ Ủy ban Net Zero, năng lượng và giao thông vận tải (NZET). Ủy ban này có nhiệm vụ xem xét các chiến lược thu hút sự tham gia của công chúng về biến đổi khí hậu, xoay quanh tính hiệu quả từ những việc chính phủ làm để thu hút công chúng tham gia vào vấn đề biến đổi khí hậu; những gì chính phủ có thể làm khác (nếu có) để công chúng tham gia tốt hơn nhằm giúp đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu của Scotland. 18 khuyến nghị nói trên cũng bao gồm sự hợp tác nhiều hơn với chính quyền địa phương và các tổ chức chuyên môn do cộng đồng lãnh đạo cũng như tài trợ cho các trung tâm khí hậu.

Báo cáo cho rằng, Chính phủ Scotland có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, đưa ra một chiến lược tích cực và cho phép Scotland thiết lập tiêu chuẩn hàng đầu; đồng thời đánh giá chính phủ đã không truyền đạt đủ hiệu quả với công chúng về biến đổi khí hậu do các tài liệu thường quá dài, chứa đầy biệt ngữ và khó hiểu. Kevin Roarty, thành viên hội đồng, nhận xét: “Chúng tôi cảm thấy rằng Chính phủ Scotland cần minh bạch hơn về quy mô của thách thức và nên tạo ra một tầm nhìn về một thế giới tốt đẹp hơn mà tất cả chúng ta đang hướng tới”.

Edward Mountain, Chủ tịch Ủy ban NZET, nhận định: “Báo cáo này xác định sự cần thiết của Chính phủ Scotland trong vai trò cầu nối, gắn kết doanh nghiệp và công chúng, tăng hiểu biết lẫn nhau về thách thức chung mà tất cả chúng ta phải đối mặt và những hành động cần thực hiện để tạo ra sự thay đổi. Mới tháng trước, Ủy ban biến đổi khí hậu cho rằng các mục tiêu về khí hậu năm 2030 của Scotland đã lỗi thời. Sự hợp tác ở mọi tầng lớp trong xã hội sẽ là điều cần thiết để giúp thúc đẩy các hành động tiến bộ”.

Dù các nghị sĩ Scotland khẳng định, mục tiêu đạt 90% vào năm 2050 là mục tiêu thực tế nhưng họ cho rằng có thể sửa đổi các mục tiêu đó. Caroline Rance, một nhà vận động khí hậu thuộc Tổ chức Friends of the Earth Scotland, cho biết, các bộ trưởng cũng nên đặt ra mục tiêu giảm phát thải chặt chẽ hơn từ năm 2030: “Biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng cấp bách và các mục tiêu cắt giảm khí thải của Scotland phải phản ánh cam kết của chúng ta trong việc đáp ứng thách thức đó”.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sang-kien-giao-duc-hop-thoi-post736012.html