Sản xuất xanh: Áp lực và phát triển

Sản xuất, tiêu dùng bền vững - sản xuất xanh đang là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Áp lực sản xuất xanh là rất lớn nhưng đó là hướng đi bền vững, là xu thế để tăng năng lực cạnh tranh, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ nỗ lực “xanh hóa” ngành thép

Hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững thì sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do đó, các ngành kinh tế bắt buộc phải chuyển hướng kiến tạo sang hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn, tương lai bền vững. Nếu chậm chân, các sản phẩm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh, thậm chí vấp phải các rào cản tại những thị trường xuất khẩu. Trong đó, với ngành thép yêu cầu sản xuất xanh đang được đặt ra cấp thiết.

Hiệp hội Thép Thế giới ước tính ngành này đóng góp từ 7 - 9% tổng lượng khí thải do con người tạo ra trên toàn thế giới, với 2,6 tỷ tấn CO2 thải ra trong năm 2020. Tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang EU là một thách thức không nhỏ để “xanh hóa” ngành thép nếu xét về ngắn và trung hạn, bởi nó đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên về dài hạn, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững, theo xu thế sản xuất xanh và tuần hoàn của thế giới.

Để thực hiện được điều này, các DN thép cần kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Bộ Công Thương và CBAM nếu muốn xuất khẩu sang EU. Cơ chế CBAM, vừa là áp lực vừa là cơ hội phát triển bền vững, buộc các nhà sản xuất thép Việt Nam phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh, giảm phát thải để tăng xuất khẩu vào EU, cũng giải quyết vấn đề tồn tại bấy lâu nay của các ngành sản xuất phát thải nhiều CO2 ở nước ta.

EU rất kiên quyết với lộ trình thực hiện CBAM nên bắt đầu từ tháng 10/2023, các công ty thép của Việt Nam phải thực hiện chế độ báo cáo, nếu thông tin không chính xác sẽ bị phạt rất nặng. Nếu không kịp tổ chức sản xuất xanh, phải mua tín chỉ carbon, hiện giá mỗi tín chỉ carbon tại EU lên tới hơn 90 USD/tấn CO2, đẩy giá thành sản xuất lên cao, gây khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường.

Cảng biển cũng phải xanh

 Tân Cảng Cát Lái (TPHCM) là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC bình chọn. Ảnh: Tân Cảng Cát Lái

Tân Cảng Cát Lái (TPHCM) là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC bình chọn. Ảnh: Tân Cảng Cát Lái

Việc “xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc giảm khí phát thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm cho việc các DN có cơ hội đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Tại nước ta, tiêu chí “cảng xanh” bắt buộc áp dụng từ năm 2030.

Tân Cảng Cát Lái – TP.HCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu “Cảng xanh” của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Để đạt được tiêu chí, Tân Cảng Cát Lái đã thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện, tiết kiệm 1,5 - 2 triệu USD phí nhiên liệu/năm. Tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus, thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container... Cảng còn áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày…

Theo công bố của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về phát thải khí nhà kính lần thứ 4 vào tháng 8/2020, lượng phát thải khí nhà kính của ngành vận tải biển (kể cả đánh bắt cá) đã tăng gần 9,6% trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018 (từ 977 triệu tấn lên 1.076 triệu tấn). Chỉ tính riêng phát thải khí CO2 đã tăng từ 962 triệu tấn lên 1.056 triệu. Dự báo, đến năm 2050, lượng phát thải khí thải nhà kính của hoạt động vận tải biển sẽ tăng lên tới 50% so với năm 2018.

Vì vậy, việc “xanh hóa” cảng biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giúp giảm khí phát thải tại khu vực cảng biển, tăng hiệu quả kinh tế khai thác kinh tế cảng và bảo đảm sức khỏe cho người dân, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và cải thiện năng lực phát triển bền vững.

Đến mục tiêu “xanh hóa” ngành Dệt may

Không chỉ có thép, xi măng, hóa chất, nhiều ngành khác cũng buộc phải chuyển hướng sản xuất xanh, kể cả nông nghiệp, để thúc đẩy năng lực cạnh tranh, cải thiện năng lực phát triển bền vững nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Bộ sưu tập H20 của nhà thiết kế Võ Công Khanh được thực hiện từ nguyên liệu tái chế, như vải bã cà phê, vải Recycle Poly, Recycled Oyster do Faslink cũng cấp. Ảnh của Faslink.

Bộ sưu tập H20 của nhà thiết kế Võ Công Khanh được thực hiện từ nguyên liệu tái chế, như vải bã cà phê, vải Recycle Poly, Recycled Oyster do Faslink cũng cấp. Ảnh của Faslink.

Dệt may là ngành cũng chịu nhiều áp lực để sản xuất xanh. Xanh hóa ngành Dệt may đang là cuộc đua của nhiều nhãn hàng may mặc trên thế giới với hàng loạt các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường được đưa vào áp dụng cho các nhà cung cấp. Các thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn từ Việt Nam như EU, Mỹ đang ngày càng khắt khe hơn và khiến các DN may mặc Việt Nam đứng trước nguy cơ khó giữ được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không thực hiện đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh.

Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe, trong đó có Cơ chế CBAM, Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD), tiêu chuẩn LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh)... và cả nguồn gốc nguyên liệu.

Gần đây, EU còn cử chuyên gia đến các doanh nghiệp nước ta để đo lượng phát thải carbon đối với các ngành nghề, thậm chí chưa nằm trong danh sách CBAM. Như ở nhà máy của Việt Thắng Jeans - dù chưa nằm trong nhóm hàng hóa có nguy cơ phát thải carbon cao nhưng do xuất khẩu sang EU, nên trong tháng 9/2023, các chuyên gia của EU đã đến tận nhà máy đo lượng phát thải từng loại máy móc của DN này thải ra trong 3 ngày liên tiếp.

Sản phẩm dệt may nếu xuất khẩu sang EU mà vượt mức phát thải cho phép sẽ bị đánh thuế 86 USD/tấn CO2. Với Việt Thắng Jeans có quy mô sản xuất lớn, phát thải lên đến 14 tấn/ngày, tương đương DN phải đóng lên đến 30 triệu đồng/ngày - một lãnh đạo DN này cho biết.

Do vậy, hiện nay các DN dệt may Việt Nam đang nỗ lực tìm hướng chuyển đổi sang các mô hình sản xuất xanh và thân thiện với môi trường, xanh hóa ngành dệt may sẽ góp phần mang lại nhiều lợi thế cho DN khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang - Faslink là đơn vị tiên phong trong việc xanh hóa ngành dệt may. Công ty này đã hợp tác với nhiều công ty ở Đài Loan, Nhật Bản để thương mại hóa các loại sợi vải xanh từ bã cà phê, vỏ hàu, lá bạc hà, thân và lá sen, sợi sen; chai nhựa PET, vải nano, gỗ (gỗ bạch đàn, gỗ cây sồi)… Những sợi vải xanh được xử lý bằng công nghệ hiện đại đều có tính ứng dụng cao sản xuất các sản phẩm bằng nguyên liệu xanh. Sản phẩm xanh có nhiều tính năng nổi trội, màu sắc đa dạng và chất liệu mới mẻ, vượt trội về chất lượng, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - CEO Công ty Faslink cho biết: “Xanh hóa ngành dệt may là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới. Điều này giúp ngành dệt may có nhiều lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.

 Tại giải Marathon Coteccons Quảng Bình (8-2022), Faslink đã tài trợ áo chạy cho các vận động viên, được làm từ vải nano - air weaving - vật liệu tái chế từ chai nhựa, vỏ nhựa. Ảnh Faslink cung cấp.

Tại giải Marathon Coteccons Quảng Bình (8-2022), Faslink đã tài trợ áo chạy cho các vận động viên, được làm từ vải nano - air weaving - vật liệu tái chế từ chai nhựa, vỏ nhựa. Ảnh Faslink cung cấp.

Faslink đang có nghiên cứu và sản xuất vải tái chế từ quần áo cũ để tạo ra một vòng đời mới cho sản phẩm thời trang. Từ tháng 8/2022, Faslink cũng đã tài trợ 2.000 áo chạy làm từ chất liệu vải xanh, vải tái chế cho giải chạy Coteccons Quảng Bình Marathon.

Theo ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS), để hỗ trợ DN trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất theo hướng phát triển bền vững, thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… nhằm cung cấp thông tin về các mô hình kinh doanh, xu hướng phát triển mới cho cộng đồng DN.

Vĩnh Hy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-xuat-xanh-ap-luc-va-phat-trien-post281928.html