Sài Gòn - 'đất học' từ thuở vun trồng đến thời thăng hoa

Trong định hướng phát triển và quy hoạch đất đai cũng như các kế hoạch kinh tế - xã hội của TP.HCM từ nay đến hết thế kỷ XXI, cần coi giáo dục - đào tạo cũng là một ngành công nghiệp, một khu vực kinh tế trọng điểm để ưu tiên đầu tư và vun trồng đúng mức.

Những cơn nắng gắt trước lúc mưa xuống càng tăng thêm sức nóng khi “mùa tuyển sinh” trung học và đại học đang ập đến từng gia đình tại thành phố đông dân nhất nước. Năm nào cũng thế, các trường lớp ở TP.HCM không chỉ thu hút đông đảo “sĩ tử” tại chỗ mà còn “quyến rũ” rất nhiều học trò các tỉnh thành khác.

Nhiều trường trung học danh giá như Lê Quý Đôn (Chasseloup-Laubat, 1874), Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long, 1913), Marie Curie (1918) đã thắp nến vượt qua tuổi “đệ bách chu niên”. Trong khi đó, các đại học công lập dẫn đầu như Y - Dược và Khoa học Tự nhiên (1947), Luật (1955), Khoa học Xã hội và Nhân văn (1957 - Văn khoa) và Bách khoa (Kỹ thuật Phú Thọ, 1957) đều vượt cột mốc 65 năm lão niên…

Sài Gòn đô hội từ xa xưa không chỉ là “đất làm ăn” phát đạt mà còn là “đất học” đa dạng và giỏi giang.

Tòa nhà chính giữa là Trường Sư phạm Nam kỳ (ra đời năm 1871) vào đầu những năm 1950 - chiếc nôi nền giáo dục tân tiến của Sài Gòn. Nơi đây hiện là cơ sở Trường THCS Võ Trường Toản và Học viện Cán bộ quản lý Giáo dục trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đối diện Thảo Cầm Viên (bưu ảnh sưu tầm của Nguyễn Đại Hùng Lộc)

Khám phá và khai phá

Năm 1698, trong đạo quân của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh từ Phú Xuân vào Nam lập phủ Gia Định, có một đội ngũ công chức chuyên nghiệp - “lưu thủ, cai bạ và ký lục”. Chưa rõ số này có bao gồm các quan “đốc học” và nhà giáo nào hay không nhưng trong số di dân Ngũ Quảng(*) có tiếng “địa linh nhân kiệt” chuyển đến đất mới, hẳn không ít nhân tài chữ nghĩa, vừa dạy chữ, vừa dạy võ cho trai tráng và con trẻ.

Trường học tự nhiên ở vùng Bến Nghé - Đồng Nai thuở ấy là rừng gòn, rừng sác bạt ngàn, sông rạch chằng chịt, cọp và cá sấu tứ bề, văn hóa và ngôn ngữ Khmer, Champa, Hoa trộn lẫn, cùng nhiều điều khác biệt với miền Bắc, miền Trung. Chắc chắn tổ tiên người Sài Gòn và Nam kỳ không thể chỉ sử dụng kiến thức từ quê hương cũ mà còn phải học hỏi không ngừng nhiều điều mới mẻ để chung sống và vượt lên các mối hiểm nguy ở nơi “lạ nước, lạ cái”.

Từ cuối thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XVIII, đất Gia Định hoàn toàn không yên ả mà nhiều phen binh lửa. Trong hoàn cảnh ấy, có lẽ chính quyền Việt chưa thể xây đắp hoàn chỉnh một hệ thống giáo dục chính quy từ làng xã lên đến huyện phủ ở miền đất “tân khai”. Song theo truyền thống cổ xưa, tại các làng xã vẫn cố gắng có các trường lớp dân dã của các “thầy đồ”. Trong đó, nổi tiếng nhất là trường học của nho sĩ Võ Trường Toản, có đến hàng trăm học trò.

Bậc danh sư sinh ra tại Sài Gòn, mở trường ở vùng Hòa Hưng - di tích còn lại là đình Chí Hòa. Cụ chỉ chuyên dạy học, không làm quan dù từng được chúa Nguyễn Ánh trân trọng triệu mời. Tương truyền, Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh - những công thần giúp hưng phục nhà Nguyễn đều là môn đệ của cụ. Riêng hai sĩ phu Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định không chỉ làm quan văn mà còn là tác giả các bộ sách sử địa quý giá, ghi chép có hệ thống sự hình thành của dải đất phương Nam.

Cụ Võ Trường Toản mất năm 1792, được người dân Sài Gòn lập đền thờ. Khi Pháp xâm chiếm Gia Định - 1859, chính Tổng đốc Phan Thanh Giản cùng Đốc học Nguyễn Thông tổ chức dời mộ cụ về Bến Tre. Có thể coi tinh thần “khám phá và khai phá” của các thế hệ mở đất và giữ đất đầu tiên mà điển hình là trường học và “Sư bá” Võ Trường Toản đã tạo nên “long mạch” và “sĩ khí” lâu dài cho vùng đất học - vùng đất văn hóa Sài Gòn trẻ trung và phong phú.

Lăng mộ cụ Võ Trường Toản tại ấp Thạnh Nghĩa (xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ảnh: bentretourism.vn

Làm giàu chữ quốc ngữ và lối học thực tế

Nền giáo dục Nho học chú trọng dạy lễ nghĩa, đạo đức con người là nội dung rất cần thiết cho xã hội Việt Nam cổ xưa. Song bước vào thời kỳ thế giới bắt đầu chuyển sang văn minh công nghiệp thì hệ thống trường lớp và thi cử ấy càng bộc lộ những khiếm khuyết nặng nề. Đất nước thuần nông, tự cung tự cấp, giao thương bó hẹp, thiếu chuyên gia và nhân công trên nhiều lĩnh vực tân tiến. Nhưng chương trình học rất từ chương, thiếu thực hành và giảng dạy kiến thức tân tiến về khoa học, kỹ thuật. Nhiều người đi học chỉ mong đỗ đạt để làm quan cai trị, hưởng bổng lộc từ triều đình và dân. Thêm nữa, chữ Hán không dễ học, không dễ sử dụng trong dân chúng. Những điều bất cập này đã bắt đầu thay đổi, nhường bước cho một hệ thống giáo dục hiện đại hơn khi Sài Gòn, sau đó cả nước, chuyển sang quyền quản trị bởi một đế quốc công thương và công nghệ hùng mạnh.

Trong đó, việc làm quan trọng đầu tiên là đưa chữ viết theo kiểu Latin - chữ quốc ngữ vào giảng dạy và thi cử song hành cùng chữ Hán ở các trường đào tạo công chức và trường phổ thông, ngay từ đầu thập niên 1860. Đồng thời, tiếng Pháp dần dần được đưa vào các cấp học như một phương tiện giao dịch và làm việc. Việc truyền bá chữ quốc ngữ, bao gồm biên soạn các sách tập đọc và từ điển, phiên dịch các sách vở tiếng Pháp và Hán Nôm, xây dựng ngữ pháp và từ vựng mới, cùng nhiều nội dung phức tạp khác đã có sự đóng góp lớn lao của Gia Định Báo và các trí thức Tây học tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký. Dù làm việc trong bộ máy học chính và báo chí của chính quyền thực dân, qua sách báo bằng chữ quốc ngữ, các cây bút uyên thâm và yêu nước vẫn có cách truyền tải thầm lặng các nội dung văn hóa - lịch sử của Việt Nam.

Trường Vẽ Gia Định năm 1930. Ảnh tư liệu

Đáng chú ý, các trường thông ngôn tiếng Pháp (1863, triều đình Huế cũng đưa người vào học), trường sư phạm (1871, 60 giáo sinh đều có học bổng) đã được thành lập đầu tiên tại Sài Gòn. Kế đến là các trường chuyên nghiệp được hình thành vào những năm đầu thế kỷ XX như Trường Y tế Thực hành đặt tại Bệnh viện Chợ Quán (1903), Trường Kỹ thuật Công nghiệp Sài Gòn (1904), Trường Vẽ Gia Định (1913, vài năm sau đổi thành Trường Mỹ thuật Trang trí, thành viên của Hiệp hội Mỹ thuật Trang trí Paris). Đặc biệt, Trường Cơ khí Á châu (1906, nay là Trường Kỹ thuật Cao Thắng) chuyên đào tạo thợ máy cho các cơ sở công nghiệp và hàng hải.

Để đào tạo công chức hành chính cho toàn Nam kỳ và Đông Dương, vào năm 1873, chính quyền thành lập trường “tập sự” đặt ở Sài Gòn. Bên cạnh tiếng Pháp và tiếng Latin, người chuẩn bị làm quan còn phải học tiếng Khmer, chữ Hán, chữ quốc ngữ. Mặt khác, họ còn học và thi viết cùng thi vấn đáp về các môn kinh tế - chính trị, lịch sử thế giới, văn hóa, tôn giáo và kể cả sổ sách về thuế. Nhà văn Nguyễn Công Hoan (sinh năm 1903), trong hồi ký Nhớ gì ghi nấy, cho biết thuở nhỏ ông gặp khá nhiều thầy thông ngôn, thơ ký tại Phủ Toàn quyền ở Hà Nội đều là dân Nam kỳ. Họ chính là những người tốt nghiệp các trường nói trên.

Đề cao thực nghiệp, hướng đến “đại thương”

Trong khi đó, vào năm 1920, Trường Thương mại Đông Dương thành lập ở Hà Nội nhưng vẫn có chi nhánh ở Sài Gòn. Sinh viên Thương mại học ở Hà Nội một năm, đi thực tập ở Sài Gòn một năm. Chương trình học bao gồm các môn thương mại, ngân hàng, kế toán, pháp chế, tốc ký và đánh máy. Bản thân các trí thức tân học ở Sài Gòn và Nam kỳ cũng đã tích cực cổ động lối học thực tế và kêu gọi người dân “học buôn, học bán”, lập thương hội, mở công ty.

Tiêu biểu là các nhà báo của hai tờ báo mới lạ Nông cổ mín đàm (uống trà bàn chuyện nông và buôn bán, 1901) và Lục tỉnh Tân văn (1907). Các cây bút Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu và Nguyễn Phong Sắc không những đưa tin tức và kiến thức về kinh doanh, khởi nghiệp lên mặt báo mà còn thúc đẩy tư tưởng “đại thương” - hùn vốn lập doanh nghiệp, làm ăn nhiều ngành nghề.

“Đất học” Sài Gòn nếu được vun trồng hiệu quả, thực hiện cải cách sâu rộng thì sẽ còn giúp đời sống đô thị thăng hoa hơn nữa. Mặt khác, “đất học” Sài Gòn tươi mới sẽ giúp cho từng bạn trẻ và từng gia đình có thêm niềm vui lớn, hoài bão lớn, thay cho những lo âu thường thấy khi mùa tuyển sinh đến.

Vào tháng 6.1907, khi đến Trung Quốc để bắt liên lạc với Duy Tân Hội của nhà cách mạng Phan Bội Châu, ông Trần Chánh Chiếu chứng kiến không khí và thực tế sản xuất kinh doanh sôi nổi của người Hoa. Qua đó, ông thấy đau lòng khi nghe “Người Quảng Đông đều hỏi chớ bên Nam Việt không có như thế sao? Tôi hổ thẹn bèn rơi nước mắt…”. Từ sự “hổ thẹn”, ông tiếp tục viết nhiều bài cổ súy kinh doanh và các suy nghĩ cải cách. Sau đó, ông khởi xướng thành lập một loạt doanh nghiệp dưới thương hiệu Minh Tân (có nghĩa là làm mới, làm sáng). Mở đầu là công ty cổ phần Nam kỳ Minh Tân Công nghệ, thành lập ở Mỹ Tho, nhưng hoạt động chính ở Sài Gòn, có đến 1.802 người góp vốn. Công ty cử người ra Bắc học nghề làm xà bông để lập xưởng sản xuất và mở lớp dạy nghề cho thiếu niên.

Ông Chiếu còn vận động lập Minh Tân Túc mễ Tổng cuộc đặt tại Chợ Lớn, chuyên kinh doanh lúa gạo. Nhóm Minh Tân lập nhiều công ty với nhiều loại ngành nghề từ công nghiệp đến dịch vụ. Nhóm còn dự định mua nhà in để in sách giá rẻ cho người dân có phương tiện tự học. Ngọn lửa Minh Tân vừa nhen nhóm đã bị thực dân Pháp dập tắt phũ phàng, bắt giam những nhà cải cách. Song tinh thần Minh Tân vẫn được trí thức và doanh nhân Sài Gòn nuôi dưỡng, hóa thân vào nhiều doanh nghiệp thành đạt và trường lớp yêu nước trong nhiều thời kỳ kế tiếp.

Cổng Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (ra đời năm 1927) nay là Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Đây là ngôi trường đào tạo nhiều học sinh giỏi, sắp kỷ niệm 100 năm

Xây dựng công nghiệp đào tạo

Thực tế nhiều nước cho thấy sức mạnh kinh tế nhiều mặt của một quốc gia hay đô thị không chỉ dựa vào vị trí địa lý hay tài nguyên mà còn ẩn chứa đằng sau là nguồn nhân lực hùng hậu. Từ đầu thế kỷ XX và các thập kỷ kế tiếp, chính sĩ khí quật cường và khát vọng học hỏi của trí thức cùng nhiều tầng lớp dân chúng, cũng như hệ thống các trường lớp phổ thông và chuyên môn, đã hợp thành một trong những yếu tố quan trọng để làm nên một Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông, tồn tại xuyên thế kỷ.

Hiện tại, TP.HCM có hơn 2.300 trường học từ mầm non đến trung học và khoảng 70 trường đại học, cùng hơn 50 trường cao đẳng và hàng loạt trường dạy nghề lớn nhỏ. Chưa kể, còn có khoảng 1.000 trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học, văn thể mỹ, hoạt động chủ yếu vào buổi tối. Từ thời hậu chiến đến nay, khách xa gần đến thăm thành phố không khỏi ngạc nhiên khi thấy phần lớn các trường học vẫn sáng đèn vào buổi tối.

Ngoài ra, từ lúc mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài, ở các khu công nghiệp và các nhà máy hi-tech đều có các trung tâm đào tạo công nhân và chuyên viên riêng biệt. Tất cả những “kênh chất xám” phong phú ấy đã hòa quyện thành “lò đào tạo” hàng trăm ngành nghề, hàng trăm lĩnh vực chuyên môn bằng nhiều phương thức giảng dạy linh hoạt.

Quả thật, đây là một lực lượng vật chất đông đảo, một tích sản đồ sộ, thừa kế di sản giáo dục - đào tạo từ nhiều thế kỷ và thể chế khác nhau. Không phải nơi nào ở Việt Nam và Đông Nam Á cũng có được một “đất học” cường tráng và độc đáo như thế. Theo chúng tôi, đã đến lúc không nên coi lực lượng và cơ ngơi lớn lao này chỉ đơn thuần là khu vực văn hóa - xã hội, hay an sinh - phúc lợi. Trong định hướng phát triển và quy hoạch đất đai cũng như các kế hoạch kinh tế - xã hội của TP.HCM và nhiều tỉnh thành trọng điểm khác, từ nay đến hết thế kỷ XXI, cần coi giáo dục - đào tạo cũng là một ngành công nghiệp, một khu vực kinh tế trọng điểm để ưu tiên đầu tư và vun trồng đúng mức.

Đất đai thuận lợi cần ưu tiên để dành cho “đất học” chứ không phải cho chung cư cao cấp, khu du lịch resort, cơ sở mua sắm và ngay cả trụ sở hành chính.

Chẳng hạn cho đến nay, quy hoạch thành lập các khu đại học gắn với khoa học - công nghệ ở phía đông bắc và tây bắc TP.HCM cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện, đừng để chậm như tình huống xây dựng metro. Chương trình đào tạo của nhiều đại học, cao đẳng và trường dạy nghề thay vì đi theo hướng chuyên ngành hẹp, cần nhanh chóng chuyển sang mục tiêu và nội dung học hỏi liên ngành, làm việc đa năng và hướng đến quốc tế. Những dự án kinh tế mới mẻ như trung tâm tài chính quốc tế, phát triển hành lang sông Sài Gòn, đô thị biển Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế hay mới nhất là công nghiệp semiconductor, công nghiệp năng lượng tái tạo... phải trở thành “đơn đặt hàng”, nội dung đào tạo cập nhật và là niềm say mê hứng khởi cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và học sinh, sinh viên tại các trường trung học, đại học, cao đẳng.

Đất đai thuận lợi cần ưu tiên để dành cho “đất học” chứ không phải cho chung cư cao cấp, khu du lịch resort, cơ sở mua sắm và ngay cả trụ sở hành chính. Trong thành phố hiện vẫn còn không ít trường lớp mầm non và trung, tiểu học phải “nương nhờ” trong ngõ hẻm hoặc các nhà cửa chật hẹp, phương tiện thiếu thốn. Cần có quyết tâm và kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho các trường lớp được đàng hoàng hơn, bằng nhiều nguồn vốn của xã hội như một thành phần của cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Rất mong chính quyền TP.HCM với quyền tự chủ theo Nghị quyết 98, đang thực hiện nhiều bước đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng và bộ máy công vụ, cũng sẽ thực hiện những đột phá hiệu quả tương tự trong hệ thống giáo dục - đào tạo nhằm nâng cấp nhân lực cho nền kinh tế năng động. Mai đây, “đất học” Sài Gòn nếu được vun trồng hiệu quả, thực hiện cải cách sâu rộng thì sẽ còn giúp đời sống đô thị thăng hoa hơn nữa. Mặt khác, “đất học” Sài Gòn tươi mới sẽ giúp cho từng bạn trẻ và từng gia đình có thêm niềm vui lớn, hoài bão lớn, thay cho những lo âu thường thấy khi mùa tuyển sinh đến.

Bài và ảnh: Phúc Tiến

__________________

(*) Ngũ Quảng là Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Đức (tức Thừa Thiên - Huế)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/sai-gon-dat-hoc-tu-thuo-vun-trong-den-thoi-thang-hoa-43167.html