Sách cổ 400 năm về chocolate

Được coi là cuốn sách lâu đời nhất về chocolate, 'Un Discurso del Chocolate' đang được bán đấu giá ở Bồ Đào Nha với mức giá khởi điểm là 2.000 Euro (2.170 USD).

Cuốn Un Discurso del Chocolate, được Santiago de Valverde Turices, một bác sĩ kiêm học giả người Tây Ban Nha, viết ra và được in ở Seville vào năm 1624. Đây được coi là cuốn sách lâu đời nhất về chocolate và ấn bản đang được đấu giá là 1 trong 3 bản sao còn sót lại của tác phẩm.

Về hai bản sao khác, một bản nằm trong thư viện quốc gia ở Madrid và bản còn lại tại Đại học San Diego ở California, theo Francisco Brito, chuyên gia tư vấn tại nhà đấu giá Anno.

Một trang trong cuốn sách. Ảnh: University of California.

Un Discurso del Chocolate mang đến cả tri thức khoa học, lời khuyên thực tế, công thức nấu ăn và cả bình luận từ góc độ văn hóa. Được chia thành 5 phần, cuốn sách cung cấp cái nhìn sâu sắc về nhiều mặt của chocolate, cũng như tác dụng của nó đối với cơ thể con người.

Đáng chú ý, Turices cảnh báo chocolate có khả năng kích động xu hướng nóng nảy khi con người ăn chúng. Rút ra từ khái niệm thời trung cổ và thời kỳ tiền hiện đại, Turices cho rằng tính chất "nóng, ẩm và nhờn" của chocolate có thể dẫn đến cáu kỉnh và tức giận.

Về mặt lịch sử, việc phổ biến trồng hạt ca cao diễn ra ít nhất từ 5.300 năm trước ở khu vực ngày nay là tỉnh Zamora-Chinchipe ở phía đông nam Ecuador. Sau đó, cây trồng này được mang đến Mesoamerica.

Người dân bản địa ở Trung Mỹ, đặc biệt là người Olmecs, Maya và Aztec, coi cây cacao là linh thiêng và hạt của loài cây này được sử dụng để tạo ra một loại đồ uống có vị đắng, sủi bọt gọi là "xocolātl", có nghĩa là "nước đắng" ở Nahuatl.

Truyền thuyết kể rằng khi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đến châu Mỹ vào đầu thế kỷ 16 để tìm kiếm vàng và của cải, họ đã phát hiện ra thứ đồ uống này.

Sau khi người Tây Ban Nha chinh phạt đế chế Aztec, xocolatl tìm đường đến châu Âu. Người Tây Ban Nha đã sớm điều chỉnh công thức bản địa bằng cách thêm đường hoặc mật ong để tạo vị ngọt, hoặc cho thêm các vị khác như quế và vani.

Lúc đầu, đây chỉ là một loại đồ uống. Nhưng sau đó các hãng sản xuất chocolate bắt đầu xuất hiện trên khắp châu Âu, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Italy và Pháp vào thế kỷ 17.

Trong cuốn sách, Turices cũng chia sẻ các công thức nấu ăn có nguồn gốc từ các chuyên gia ở Tây Ban Nha và "Tân thế giới". Ông cũng ủng hộ việc đưa thêm hạt annatto, được gọi là achiote, vào sản xuất để tăng hương vị, màu sắc và hương vị của chocolate, đồng thời cho rằng chúng sẽ giúp giảm tác dụng đối với những người có tính khí nóng nảy.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-co-400-nam-ve-chocolate-post1468874.html