Quyết tâm đi đầu, chuyển đổi số ngành ngân hàng đã tiệm cận mục tiêu đặt ra đến năm 2025

Sáng ngày 8/5, sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024 được tổ chức với chủ đề 'Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số'...

Sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc tổ chức “Ngày chuyển đổi số” ngành Ngân hàng năm 2024, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân số.

Theo Thủ tướng, xác định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện

Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành Ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số và ngành Ngân hàng có cơ sở, điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG TẠI 8 TRỤ CỘT

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tiếp tục phát huy những thành quả, nhiệm vụ đạt được trong "Năm dữ liệu số quốc gia 2023", Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn Chủ đề thông điệp “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” cho sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

“Với chủ đề này sẽ hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng với việc lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện

Thống đốc cũng cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn;...

"Những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN (Quyết định 810) tại sự kiện, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, đến nay, tại Ngân hàng Nhà nước, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đến cuối năm 2023, đã có 87,08% người trưởng thành tương ứng 182 triệu tài khoản thanh toán vượt kế hoạch đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số, 55% nghiệp vụ ngân hàng số hóa hoàn toàn, 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên kênh số, 17 tổ chức tín dụng đã số hóa hoàn toàn với các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh Mobile, Internet, QR code tiếp tục tăng trưởng trên 100%/năm...

Để có thể đạt được các kết quả trên, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo các trụ cột tại Quyết định 810, trong đó:

Thứ nhất, về chuyển đổi nhận thức, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do Thống đốc làm Trưởng ban; đến nay 88% ngân hàng thương mại đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số; Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiệp vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử,... trong đó trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát lĩnh vực ngân hàng, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử...; các văn bản quy phạm pháp luật mở tài khoản tiết kiệm, thẻ ngân hàng, bảo lãnh, nhận tiền gửi, cho vay... bằng phương tiện điện tử; quy định áp dụng biện pháp xác thực giao dịch bằng yếu tố sinh trắc học; ban hành Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.

Thứ ba, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số luôn được nâng cấp, hoàn thiện đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng thực hiện bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày. Mạng lưới ATM, POS bao phủ khắp các tỉnh, thành phố. Việt Nam hoàn thành kết nối thanh toán QR code xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và sắp tới là tại Lào.

Hạ tầng thông tin tín dụng cập nhật dữ liệu tự động, mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành; nâng hồ sơ dữ liệu lên gần 55 triệu hồ sơ; tỷ lệ tự động hóa, cung cấp thông tin đạt trên 98%; các tổ chức tín dụng nghiên cứu, ứng dụng đa dạng các công nghệ mới trong phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình, trải nghiệm khách hàng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; ứng dụng công nghệ trong công tác xử lý văn bản, quản trị điều hành.

Thứ năm, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi, tiết giảm chi phí cho khách hàng. 57% các ngân hàng đã thí điểm và triển khai rộng rãi mô hình chi nhánh tự phục vụ cho phép khách hàng tự xử lý các giao diện và tăng tính tương tác với ngân hàng.

Thứ sáu, hạ tầng lưu trữ, quản trị dữ liệu mới được nâng cấp hỗ trợ công tác quản lý và phát triển sản phẩm dịch vụ; hơn 70% các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai hệ thống Data warehouse; hơn 40% các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai hệ thống Data lake hỗ trợ quản lý… các dịch vụ. Ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai Đề án 06 để làm sạch, định danh và xác thực khách hàng và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ.

LUÔN ĐI ĐẦU TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Thông tin về kết quả triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, Bộ Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu; 86 triệu thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc; 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử... Tổng số lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử trên các cổng dịch vụ công đến nay là 11.645.068...

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 4 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 96,4 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,6% tổng số người tham gia với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Với ngành ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, trong những năm vừa qua ngành ngân hàng luôn dẫn đầu trong chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc tạo tiện lợi trong thanh toán, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, khách hàng...

Đến thời điểm này, Bộ Công an đã phối hợp thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam; 3,5 triệu dữ liệu của các TCTD, trung gian thanh toán, ví điện tử của hơn 37 ngân hàng và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại…

Đánh giá cao các kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt được, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: "ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong chuyển đổi số, đi đầu trong triển khai thành công các nền tảng quản lý và hiện đại hóa ngân hàng".

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, việc hình thành hệ sinh thái và kết nối hệ thống thanh toán do NHNN tổ chức, vận hành và quản lý cùng với các nền tảng số quốc gia như Nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; Hệ thống hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính cấu thành nên hạ tầng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế.

Quan trọng hơn, chuyển đổi số giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, hưởng lợi từ các dịch vụ số cơ bản, thiết yếu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các dịch vụ này đã tích hợp sâu rộng để đảm bảo giao dịch số của các ngành, lĩnh vực khác được thực hiện xuyên suốt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy các giao dịch xuyên biên giới.

Anh Hoa

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/quyet-tam-di-dau-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-da-tiem-can-muc-tieu-dat-ra-den-nam-2025-post552032.html