Quyền được thi lớp 10

Theo thông tin ghi nhận, tại Hà Nội lại có thêm một trường THCS tại huyện Mê Linh áp đặt học sinh học lực kém không nên thi vào lớp 10 trường công bằng cách không phát phiếu dự tuyển lớp 10 cho các em.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Cụ thể, các học sinh thuộc diện nói trên không được phát phiếu dự tuyển vào lớp 10 như các học sinh khác. Trong khi các phụ huynh chỉ được biết việc này vào đầu tháng tháng 5 vừa qua, khi hạn nộp đơn dự tuyển lớp 10 công lập đã hết. Trước bức xúc của phụ huynh, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Mê Linh cho biết đã nắm được sự việc, báo cáo Sở GDĐT và được đồng ý cho học sinh đăng ký bổ sung nguyện vọng để các em đều được dự thi.

Trước đó, cũng tại Hà Nội, theo phản ánh từ phụ huynh, một trường THCS tại huyện Hoài Đức đã ép học sinh làm đơn (theo mẫu) xin không thi lớp 10. Tương tự, một số phụ huynh tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng chia sẻ họ không khỏi bất bình khi liên tục nhận được tư vấn của giáo viên về lực học của con cùng lời khuyên không nên thi vào lớp 10 trường công lập, chỉ nên chọn học giáo dục thường xuyên…

Quan điểm chung của phụ huynh có con nằm trong diện vận động không nên thi lớp 10 nói trên là dù điểm kiểm tra khảo sát không cao nhưng vẫn có nguyện vọng và mong muốn được thi vào một trường công lập. Nếu rớt, gia đình mới tính tới những ngã rẽ khác.

Đây không phải là vấn đề mới mà năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ tuyển sinh là câu chuyện về việc vận động hoặc có dấu hiệu ép buộc học sinh ký đơn không đăng ký dự tuyển vào lớp 10 lại trở thành chủ đề được quan tâm.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, nguyên nhân là do lo lắng, sợ học sinh không trúng tuyển trường công sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp, trường nên giáo viên, nhà trường đã vận động, thậm chí ngăn cản những học sinh có học lực chưa tốt không đăng ký dự thi lớp 10 trường công. Cùng với đó, ở không ít địa phương hiện nay, các trường nghề khó khăn trong việc tuyển sinh, do đó các cơ sở đào tạo nghề đã đến các trường THCS để tư vấn, tuyên truyền, vận động học sinh lớp 9 vào học nghề với lời quảng bá là sau 3 năm, học sinh vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề.

Thực tế cũng cho thấy, ranh giới giữa việc hỗ trợ, cung cấp thông tin và tư vấn về con đường học tập sau khi học hết lớp 9 với việc định hướng mang tính áp đặt rất mong manh, khó xác định. Thế nên mới có chuyện sau khi sự việc xảy ra, giáo viên đều phân bua rằng thầy cô chỉ tư vấn, nhưng lại khiến phụ huynh hiểu thành ép buộc… Vì thế, việc tái diễn nhiều lần ở nhiều nơi, tình trạng này đang đặt ra yêu cầu: Cơ quan quản lý cần rà soát kỹ, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, đừng vì thành tích mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Hướng nghiệp, phân luồng là một chủ trương của ngành giáo dục, nhưng cần phải có sự đồng thuận từ học sinh và gia đình các em. Việc vận động kiểu “bắt ép” gây tâm lý bức xúc lây lan đã làm phản tác dụng của một chủ trương đúng. Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh, thành phố bảo đảm quyền lợi học tập và dự thi của mọi học sinh theo nguyện vọng. Việc đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của học sinh. Không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Sở nghiêm cấm các hành vi vận động, ép buộc học sinh không đăng ký dự thi dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát, nắm bắt thông tin và xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quyen-duoc-thi-lop-10-10280060.html