Quê nhà và chiếc quạt mo cau

Hôm rồi về quê mất điện, trong cái nắng oi nồng của ngày đầu tháng tư tôi cứ thẩn thơ đi dọc bờ duối hóng ngọn gió từ cánh đồng làng thổi lên mà man mác nhớ chiếc quạt mo cau ngày nào của mẹ. Hoàng hôn đổ xuống thật nhanh, bóng tối nhá nhem mà lũ đom đóm ở đâu đã bay lên cùng tiếng ve kim trên ngọn cau the thé như cảnh báo về sự có mặt của một gã nhà quê không biết có phải chui lên từ lỗ nẻ. Tôi chợt mỉm cười, tự đính chính với mình… lạ gì chúng nó.

Hình ảnh thân thương cây cau nơi quê nhà.

Quê nhà với tôi cũng như lũ trẻ ngày ấy, còn lạ gì chiếc quạt mo cau. Nó là một vùng ký ức đong đầy yêu thương, ngọt ngào, nhung nhớ. Vì chiến tranh, ly loạn, ba mẹ đến với nhau khi tuổi đã quá lớn, ông bà nội ngoại xa xôi mà cũng đã mất từ lâu lắm nên hình bóng mẹ với tôi cũng là hình ảnh của người bà mà là bà tiên hẳn hoi. Bởi mẹ tôi hiền lắm, với riêng tôi trong số ba chị em, chưa bao giờ bị mẹ la mắng. Chỉ sau này công việc mưu sinh xa nhà mỗi khi về quê hay trễ nải..., mẹ chỉ mỗi than phiền: Chỉ tổ nó hay thích say sưa; rượu chè in ít thôi con, còn để sức mà làm việc, nuôi vợ, nuôi con…

Nhớ mẹ, nhớ ngày tháng quê tôi còn hợp tác xã, cái kiểng đội bằng trái bom đen trũi cứ đều đặn vang lên khi đầu hôm, khi mờ sáng. Ngày đó làm gì có điện, mỗi khi màn đêm buông xuống, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, cùng với chiếc quạt mo trên tay, mẹ tôi lại ngân nga câu hát, hay kể những câu chuyện xửa xưa nào đó để tôi cứ lạc hoài vào miền cổ tích. Nơi đó, có bà tiên, ông bụt, chị Hằng, chú Cuội, cô Tấm thảo hiền, trái thị thật thơm…

Nhớ những chiều hè khi ba cùng mấy chú trong họ, đám thanh niên hàng xóm vừa lợp xong mái nhà, trong lúc mọi người nghỉ ngơi bên chiếc chõng tre, thì ba lại làm công việc cuối của mình. Đó là dùng dao xén mái tranh mặt tiền ngôi nhà thật đẹp, thẳng tinh tươm dù chằng cần căng dây, ngắm nghía. Mái trước nhà ba thường cắt cao, mái sau để thấp hơn dụng ý che chắn mưa tạt và cũng để hàng hiên có mái tranh che thêm khoảng đất bên dưới ba trồng hàng thuốc lá. Bên bình nước trà, rổ sắn luộc hay đôi lúc là con lóc nướng để đưa cay chai cuốc lủi cùi bắp cho mục đích giải mỏi một ngày làm lụng vất vả…, thì lúc đó mẹ lại đem thêm những quạt mo cau phân phát cho mọi người.

Toàn bộ những chiếc quạt mo cau ấy đều do ba làm. Bởi từ trước đó, ba đã nhặt những tàu cau rụng ngoài bờ vườn hay dưới nhà người bác đem về phơi phóng, rồi dùng dao cắt tỉa cẩn thận để thành những chiếc quạt xinh xắn. Để phần tay cầm cứng cáp, ba gấp hai bên vào giữa và khâu lại chắc chắn. Nhớ nhất khi cắt xén làm xong quạt ba còn dùng cối đá ép phẳng phiu với mấy kẹp lá thuốc trồng ở hàng hiên.

Tiện lợi với chiếc quạt làm cẩn thận, có cả câu chữ ba viết lên quạt nên mấy chú, thím ở quê cứ khen anh ba khéo tay. Biết gợi ý đó, thế nào trong dăm ba bữa sau đó ba cũng tặng mỗi chú, mỗi thím một cái quạt mà ông tự làm.

Vào cấp ba, chị tôi phải xa nhà đến tận trường huyện ở Quế Sơn trọ học, mỗi tuần chỉ một lần về, cũng coi như bắt đầu thử thách xa nhà, sống độc lập. Những khi hè về, những lúc chị từ nhà gói ghém đồ đạc quay lại nơi trọ học, mẹ không quên dúi vào tay chị cái quạt mo cau, bảo: "Con đem theo phòng khi mất điện lấy cái mà dùng". Mẹ thương chị gái theo cách riêng vậy đó…

Tuổi thơ tôi làm sao quên, ngày tháng có ba mẹ đủ đầy, dù cuộc sống nghèo khó nhưng đầm ấm với ruộng vườn, với những đêm bắt rầy mè, ve non; với trò chơi trốn tìm, những trung thu rước đèn dưới ánh trăng vàng đồng nội, những buổi học bài dưới ánh đèn dầu man mát ký ức những câu thơ của thi sĩ Đoàn Văn Cừ cứ đâu đây văng vẳng: "Bụi duối bờ tre nhạt nắng hè/ lúa ngô từng đống xếp vàng hoe/dưa hồng bí đỏ khoai lang tím/tấp nập đường thôn xe nối xe…".

Mẹ già làm quạt mo cau. (ảnh minh họa)

Đêm về bên bàn học, trên vách đất, phên tre là tiếng tặc lưỡi cành cạnh của chú thằn lằn, ngoài vườn tiếng chim ăn đêm xao xác, gọi nhau. Làm sao quên tuổi thơ dần xa, những ngày đi xa về nằm lại ngôi nhà xưa với đầy ắp kỷ niệm, nhà tranh tre đã thay bằng mái ngói tường vôi riêng âm điệu con thằn lằn tặc lưỡi sao vẫn cứ não nề không đổi. Nửa đêm tiếng buông rớt chiếc tàu cau khỏi thân nghe sao đành đoạn, hững hờ, hụt hẫng. Theo thời gian, cuộc sống đã đổi thay, cây cau trước nhà cũng cao thêm bao đốt, có cây già đã chết, chị gái lại trồng thay cây mới, vài năm lại cao vèo lên. Không dưng tôi nghĩ, đời người rồi có khác chi tàu cau một ngày sẽ rụng.

Hoa cau nở vào cuối xuân đầu hạ. Nó nở hình như không có ngày tàn, nở mãi cho đến khi có quả. Hương cau thoang thoảng thơm tho mỗi chiều dần tối để làm dịu đi cái nóng tháng hạ, nhưng nó lại xoáy vào tâm thức thằng nhà quê tôi bao nỗi nhớ nhung, thương cảm. Ba mẹ đi xa, chiếc quạt mo cau cũng đã bỏ tôi đi mãi. Chỉ còn đây lũ đom đóm và con ve kim kia mày làm sao biết được, thằng nhà quê này xa lạ lắm sao…

Tạp bút: Võ Đoàn Diệu My

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/que-nha-va-chiec-quat-mo-cau-post293342.html