Quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm trước cổng trường: Không phải 'chuyện vặt'

Lâu nay, những loại thực phẩm được bày bán ở trước cổng trường luôn tiềm ẩn mối lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt cổng trường đã gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Học sinh tử vong, nghi do ngộ độc thực phẩm

Chỉ vỏn vẹn một tháng qua, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã ghi nhận liên tiếp 3 vụ học sinh ngộ độc thực phẩm nghi do sử dụng thức ăn ở các quán, gánh hàng rong khu vực xung quanh trường học. Mới đây nhất, ngày 5-4, hàng chục học sinh phải nhập viện sau khi ăn quà vặt được bán ở cổng trường, trong đó 1 học sinh đã tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm.

Đồ ăn vặt ngoài cổng trường tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới sức khỏe nhưng lại là sở thích của nhiều học sinh.

Trước đó, 28 học sinh Trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng phải nhập viện sau khi ăn một loại kẹo “lạ” được bán ở gần cổng trường. Sau khi cùng nhau ăn kẹo, các em có chung triệu chứng là đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi nên phải nhập viện để theo dõi sức khỏe. Đó là chưa kể tại tỉnh Quảng Trị cũng vừa xảy ra vụ việc 23 học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đau đầu, khó thở vì nghi sử dụng nước trong bình có chất lạ.

Trong những năm qua, những vụ ngộ độc tập thể liên quan đến đồ ăn vặt được bán ở cổng trường, hàng rong vỉa hè vẫn xảy ra dù đã có nhiều cảnh báo về sự mất an toàn của các loại thức ăn đường phố. Nhưng với nhiều học sinh, ăn quà vặt là thói quen khó bỏ.

“Bủa vây” các cổng trường học là hàng trăm loại thức ăn đường phố hấp dẫn như cánh gà rán, xúc xích, bánh kẹo, bim bim... với mức giá phải chăng.

Thực tế cho thấy, học sinh đã được các giáo viên nhắc nhở về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, phụ huynh cũng nhận thức rất rõ nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại quà vặt được bán tràn lan tại cổng trường. Thế nhưng không ít phụ huynh vẫn tặc lưỡi cho rằng đấy chỉ là chuyện “vặt” cho đến khi những sự việc đáng tiếc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con em mình xảy ra.

Chị Mai Lan (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Việc một học sinh tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn quà vặt ở cổng trường khiến tôi rất lo lắng bởi con tôi cũng thường xuyên ăn các loại thực phẩm bán tại cổng trường.

Trong nhịp sống bận rộn, nhiều bậc phụ huynh bận bịu với công việc nên khó chuẩn bị đầy đủ bữa sáng cho trẻ, họ thường cho con tiền để ăn quà sáng bán ở cổng trường. “Tôi nghĩ mình đã quá chủ quan. Sau những vụ việc trên đây, tôi sẽ cảnh báo các con về nguy cơ ngộ độc thực phẩm để con có ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn” - chị Lan khẳng định.

Chung tay siết chặt việc quản lý quà vặt cổng trường

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đa số thực phẩm “siêu rẻ” bán tại các hàng rong ở cổng trường không có nguồn gốc rõ ràng, không được bảo quản, chế biến đúng quy cách nên dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở..., những loại thực phẩm này còn tiềm ẩn mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe người dùng mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như béo phì, tim mạch, đái tháo đường...

Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Đặc biệt, những chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng... tồn dư trong thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại và gây bệnh ung thư. Thậm chí trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đã phát hiện loại ma túy nguy hiểm được trộn trong các loại đồ uống,
bánh kẹo.

Trước thực tế nói trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại khu vực trường học; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học).

Ngoài ra, các nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc được bày bán trước cổng trường. Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ sử dụng trong giờ nghỉ.

Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện kinh doanh trước cổng trường; kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm; kêu gọi người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, đồ chế biến sẵn tại các cổng trường thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Sự chung tay từ cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình, cộng đồng sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe của học sinh và ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm trong tương lai.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-thuc-pham-truoc-cong-truong-khong-phai-chuyen-vat-664236.html